Có nên 'khép cửa' với thơ câu lạc bộ?
Dễ chạm đến nhiều suy nghĩ, và có thể cả những tự ái khi nhận xét, góp ý gì đó về việc xuất bản thơ từ phong trào quần chúng, từ các tác giả ở các CLB, các nhóm thơ nghiệp dư tại các địa phương hiện nay. Nhưng một số ý kiến cũng băn khoăn, để tránh việc xuất bản tràn lan có thể dẫn đến những “thảm họa thơ”, “thơ suy thoái” thì các NXB có nên mạnh tay “khép cửa”?
1. Không ít NXB đang bằng lòng, đón nhận và cho ấn hành những bản thảo thơ của các tác giả thuộc các CLB thơ địa phương, CLB ngành nghề, các tác giả không chuyên. Rất đông đảo các tác giả thuộc các địa bàn, bộ phận như trên những năm qua rất nhiệt tình xuất bản các tập thơ của mình.
Đáng chú ý, nhiều người thường tín nhiệm gửi gắm bản thảo đến những NXB có uy tín, thâm niên và được coi là có chuyên môn cao trong việc xuất bản các tác phẩm văn học. Đặc biệt là NXB của hội chuyên ngành về văn chương lại càng được nhiều tác giả tìm đến. Dường như, việc giao phó “đứa con tinh thần” vào những cánh cửa có tiếng đó, được coi như một sự bảo hành, sự công nhận có tính chuyên môn về chất lượng của tác phẩm.
Đương nhiên, hình thức xuất bản thơ chủ yếu nhiều năm qua trên các tập thơ không phải là NXB mua bản quyền hay trả nhuận bút và lo phát hành. Mà ngược lại, các tác giả in thơ tự lo từ “A đến Z”.
Nghĩa là chuẩn bị kinh phí trả tiền giấy phép xuất bản, tìm địa chỉ in ấn và cũng tự quản lấy đứa con tinh thần của mình sau khi nộp lại một số tập để lưu chiểu. Đây cũng là thực tế đối với không ít các cây bút được coi là chuyên nghiệp khi đã có danh hội viên của hội văn học nghệ thuật địa phương hay Hội Nhà văn Việt Nam...
Và nhìn chung, số bản in của mỗi tập thơ hiện nay không nhiều, thường chỉ từ 1.000 bản trở xuống, phổ biến ở mức vài trăm, đa phần không phải để bán, cũng như không dễ bán, mà chủ yếu là biếu, tặng, làm quà giao lưu giữa những các thi huynh, thi hữu gần xa.
NXB từ chối in thơ nếu tác giả không tự lo kinh phí. Công chúng ít mặn mà với thơ hôm nay. Trừ một số trường hợp bán được nhiều hoặc được cho là rất nhiều, một phần do những phương thức truyền thông được áp dụng tích cực. Còn nhìn chung, người chọn sách ít mua thơ hơn so với truyện ngắn, tiểu thuyết...
Các hiệu sách ít bày bán tác phẩm thơ hôm nay, kể cả của tác giả chuyên nghiệp, trừ những tên tuổi đã rất danh tiếng hoặc những tinh hoa thi ca của đất nước, của lịch sử dân tộc.
Những nguyên nhân, thực trạng trên góp phần dẫn đến nhận định mà nhiều người vẫn cho rằng, thơ “lép vế” so với các thể loại văn học khác, thơ “mất giá”, thơ suy thoái, thơ xuất bản ào ạt nhưng chất lượng không cao, không xứng tầm với số lượng, thậm chí “nghiệp dư hóa” việc sáng tác thơ. Nhiều sắc màu trầm, nhạt đang được nhận định với thực tế thơ hôm nay.
Tuy nhiên, nhìn bao quát diện mạo đời sống thơ đương đại thì còn rất nhiều khía cạnh, bộ phận, công việc khác. Cũng như cần có những tách bạch tương đối về lực lượng tác giả, phong trào sáng tác để không có sự gộp chung, dễ dẫn đến những nhầm lẫn khi nhìn chung vào đời sống sáng tác thơ và sinh hoạt nghề nghiệp.
2. Đã có ý kiến cho rằng, nên dành riêng cho các NXB chuyên về văn học được quyền xuất bản thơ. Đây cũng là ý tưởng nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của các bản thảo thơ cũng như để việc chăm sóc, thẩm định bản thảo được chặt chẽ, kỹ lưỡng hơn.
Nhưng điều này cũng khó có thể hiện thực hóa bởi mỗi NXB đều có quyền được cho ra đời những ấn phẩm thuộc nhiều lĩnh vực, thể loại khác nhau trong sự quản lý của pháp luật.
Cũng có những ý kiến về việc cần hạn chế hơn, “khép cửa” hơn (tức là không cấp giấy phép xuất bản) đối với những bản thảo mà trong đó, những câu thơ chỉ ở dạng ghép vần, nội dung quá quen thuộc, sáo mòn, hay chất lượng chung chỉ ở mức “tầm tầm”.
Nhưng mạnh bạo, dứt khoát được như vậy cũng không phải là dễ. Bởi trong bối cảnh hiện nay, các tác giả thuộc nhiều thành phần khác nhau đều có quyền được in ấn, xuất bản tác phẩm, sản phẩm thơ của mình - đương nhiên cũng trong sự quản lý của pháp luật.
Thậm chí trong bối cảnh khó khăn, với không ít NXB, việc cấp giấy phép cho nhiều những bản thảo thơ của các tác giả nghiệp dư cũng đem lại nguồn “cải thiện” nhất định.
Việc cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay là với tinh thần hăng hái in thơ của đông đảo tác giả như vậy, các NXB có thể tác động được những gì nhằm hỗ trợ tốt hơn cho chất lượng của “đàn con tinh thần”.
Điều này đòi hỏi ở chính các biên tập viên cũng như các NXB trong việc nâng cao năng lực, chuyên môn đội ngũ của mình. Để sao cho một bản thảo thơ được đưa đến, thì lao động nghề nghiệp xung quanh nó cũng nên được chú trọng.
Và rõ ràng cũng cần cả sự thẳng thắn để từ chối những bản thảo quá non yếu. Và bản thân các tác giả, nên chăng cũng cần tỉnh táo hơn để tránh khỏi những lời khen ngợi thái quá dễ dàng ban tặng cho nhau, đôi khi còn từ phía người làm công tác phê bình.
Rộng hơn, trong hoạt động sáng tác, từ vai trò, quyền hạn của các hội văn học nghệ thuật ở địa phương cho đến Hội Nhà văn Việt Nam, nên có những góp ý, giúp đỡ vào phong trào sáng tác thơ ở các địa phương, các tác giả nghiệp dư.
Có thể bằng việc tổ chức các trại sáng tác, khóa tập huấn sáng tác để trao đổi, bổ sung về kinh nghiệm, kỹ năng sáng tác, thẩm bình văn chương. Có thể bằng các cuộc sinh hoạt thơ ca do các hội nghề nghiệp địa phương tổ chức để tăng thêm sự gặp gỡ, giao lưu, đối thoại giữa các cây bút nghiệp dư với chuyên nghiệp.
Phong trào sáng tác trong quần chúng về bề rộng, ở khía cạnh tích cực của nó, cũng góp phần vào việc củng cố đời sống văn hóa chung, góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ tác giả, nuôi dưỡng tâm hồn và nhóm lên ngọn lửa nghề nghiệp trong họ. Đó cũng chính là một bộ phận bạn đọc trung thành, đam mê thơ ca, đón nhận và giúp vẻ đẹp của thơ ca lan tỏa trong đời sống. Đồng hành cùng họ trên đường sáng tác là việc không nên đặt ngoài kế hoạch hoạt động của các hội nghề nghiệp.
Nhiều nơi tổ chức Ngày Thơ Việt Nam Hôm qua (11/2, tức Rằm tháng Giêng), Ngày Thơ Việt Nam đã diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, tại Hà Nội, Ngày Thơ Vệt Nam lần thứ 15 với chủ đề “Đồng hành và Sáng tạo cùng đất nước” do Hội Nhà văn VN tổ chức đã khai mạc. Ngay từ sáng sớm, các nhà thơ, nhà văn và công chúng yêu thơ đã tụ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ghi nhận của PV, nét mới của Ngày Thơ năm nay là việc lần đầu tiên xuất hiện “Con đường thi nhân”. Tại đây, Ban tổ chức đã giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của các nhà thơ Việt Nam tiêu biểu. Bên cạnh đó, Sân thơ truyền thống và các nhiều hoạt động như triển lãm ảnh của Bảo tàng Văn học Việt Nam; triển lãm “Thơ gốm” của họa sĩ Lê Thiết Cương; Không gian thơ thiếu nhi… đã thu hút được đông đảo người quan tâm. Trong khi đó, Ngày Thơ năm nay tại TP HCM mang chủ đề “Xuân nghĩa tình” diễn ra tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM (số 81 Trần Quốc Thảo) với việc các CLB Thơ quận huyện, các trường ĐH xây dựng các gian thơ, lều thơ. PV |