Trên kệ sách tuần này (12/10)
Đại Đoàn Kết Online trân trọng giới thiệu tới quý độc giả 3 cuốn sách mới xuất bản đang thu hút nhiều sự quan tâm trong thời gian qua.
Bìa cuốn "Cái tết của mèo con".
Cái Tết của Mèo Con
Ấn bản mới tác phẩm “Cái Tết của Mèo Con” của nhà văn Nguyễn Đình Thi vừa được ra mắt, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất tại Phố sách Xuân Đinh Dậu ở Hà Nội. Lần in này, “Cái Tết của Mèo Con” dày 92 trang, bìa cứng, khổ vuông (25 x 25 cm) được in màu với phần minh họa của họa sĩ Đặng Hồng Quân.
Truyện đồng thoại “Cái Tết của Mèo Con” được nhà văn Nguyễn Đình Thi viết vào mùa Xuân năm 1961, và viết trong khoảng 2 ngày. Tuy nhiên, suốt hơn nửa thế kỷ qua, câu chuyện về chú mèo con bé nhỏ học cách chống lại tên chuột cống khổng lồ gian ác đã lớn lên cùng rất nhiều thế hệ và luôn giành được sự yêu mến từ cả các độc giả nhỏ tuổi lẫn trưởng thành.
Ít người biết rằng, “Cái Tết của Mèo Con” được lấy cảm hứng từ chính... cái Tết đoàn viên của Nguyễn Đình Thi. Do chiến tranh khốc liệt và điều kiện công tác bận bịu nên nhà văn thường xuyên phải sống xa các con. Sách do Đông A và NXB Văn học ấn hành.
Bìa cuốn "Hỏi lá hỏi hoa".
Hỏi lá hỏi hoa
Nhân Ngày Thơ Việt Nam năm nay, NXB Kim Đồng vừa ra mắt tập thơ “Hỏi lá hỏi hoa” của nhà thơ Cao Xuân Sơn. Tập thơ tuyển chọn 22 bài thơ hay nhất viết cho thiếu nhi của nhà thơ Cao Xuân Sơn, nhiều bài trong đó được trẻ em thuộc nằm lòng như “Hỏi lá hỏi hoa”, “Ru mưa”, “Mùa xuân của nghé con”, “Mở sách ra là thấy”, “Hội diều”, “Con chuồn chuồn đẹp nhất”, “Thời gian”…
Mỗi bài thơ trong “Hỏi lá hỏi hoa” là một giai điệu đầy cảm xúc về thế giới bao la của tình yêu thương con người, thiên nhiên, vạn vật. Trong thơ Cao Xuân Sơn, ngoài những vần thơ tươi vui đầy màu sắc, ta còn bắt gặp những nốt trầm của suy tưởng, triết lý như: “Hạt gạo người nhớ/ Muối, người hay quên”, “Nhưng chỉ thấy một con chuồn chuồn đẹp nhất/ Chính là con chuồn chưa một lần bị bắt/ Con chuồn chuồn… đang bay”.
Là người nhiều năm tâm huyết gắn bó với văn học thiếu nhi, dường như nhà thơ Cao Xuân Sơn vẫn luôn mang trong mình một tâm hồn trẻ thơ thích “ngửa mặt lên đếm sao trời” như anh từng quả quyết: “Tôi cam đoan là luôn có hai dạng người thích ngửa mặt lên đếm sao trời, ấy là trẻ em và các nhà thơ”.
Bìa cuốn "Lục bát múa".
Lục bát múa
Tập thơ dày 416 trang của tác giả Trần Lê Khánh (sinh năm 1971) do Saigon Books và NXB Hội Nhà văn ấn hành. “Lục bát múa” gồm 252 cặp lục bát, mỗi cặp được trình bày trên một trang riêng biệt, khi là hai câu lúc là bốn câu thơ.
Thiết kế trình bày là những nét phác thảo của họa sĩ Lã Quý Tùng. Những nét vẽ ấy, có khi là những bụi cỏ, chiếc lá; có khi là những nét mực chấm phá gây ấn tượng về thị giác.
Tất cả hòa quyện vào nhau, vào những cặp lục bát vốn có sự khăng khít về vần điệu, về hình ảnh, thi tứ. Tập thơ mang đến cho bạn đọc nhiều cách thưởng thức: có thể đọc ngẫu nhiên một trang nào đó bất kỳ; hoặc cũng có thể đọc từ đầu đến cuối, thành một câu chuyện dài. Đọc tập thơ này, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận xét: “Trần Lê Khánh mê lục bát và muốn nó nhảy múa. Trông như một điệu luân vũ là lục bát của Khánh.
Ở đấy, ngôn từ muốn làm ngọn gió, bay theo một vòng tròn, ra đi rồi lại trở về trên tụ điểm quen thuộc, thân thiết. Cứ thế, ngọn gió ấy tự nhân mình lên, tự là nhân duyên cho mình”.