Nghịch lý bóng chuyền bãi biển
Với lợi thế về địa lý khi Việt Nam sở hữu hơn 3.000 km đường bờ biển, tưởng như bóng chuyền bãi biển sẽ có điều kiện lý tưởng để phát triển. Tuy nhiên, những lợi thế ấy trở nên vô nghĩa khi các VĐV bóng chuyền vẫn chưa nhận được sự quan tâm của người hâm mộ và đặc biệt là những nhà chức trách.
Bóng chuyền bãi biển vẫn chưa nhận được sự quan tâm của người hâm mộ.
So với bóng chuyền trong nhà vốn được xem là môn thể thao chỉ đứng sau bóng đá về sự hấp dẫn, thì bóng chuyền bãi biển lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm hướng phát triển. Thực tế, với điều kiện rất lý tưởng với bãi biển dài từ Bắc vào Nam, cơ sở vật chất cũng không phải đầu tư nhiều, nhưng không phải địa phương nào cũng làm được bóng chuyền bãi biển.
Lý do bởi bóng chuyền bãi biển Việt Nam ngay cả ở tầm ĐTQG cũng rất khó đạt thành tích trong khu vực. Ngoài ra, số VĐV theo tập bóng chuyền bãi biển không nhiều bởi sự khắc nghiệt của môn thể thao này.
Chưa hết, các giải bóng chuyền bãi biển thường diễn ra trong cảnh vắng khán giả, điều này trái ngược hoàn toàn với bóng chuyền trong nhà vốn luôn nhận được sự quan tâm của người hâm mộ.
Các tuyển thủ bóng chuyền đa phần phải chịu thiệt thòi trong tập luyện, khi họ hầu như không nhận được sự quan tâm của các ban ngành chức năng. Vậy mà khi các VĐV này thi đấu, họ cũng không nhận được sự cổ vũ của khán giả.
VĐV Phan Thị Cẩm Hồng (tuyển quốc gia Việt Nam) chia sẻ: “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi khi thi đấu là nhận được sự quan tâm của khán giả, để các VĐV có thêm tinh thần, động lực. Nói thật là đã thi đấu dưới trời nắng có lúc lên tới gần 40 độ C nhưng không được nghe tiếng cổ vũ thì oải lắm”.
Một VĐV kể lại, tại giải bóng chuyền quốc tế Tuần Châu (Quảng Ninh) năm ngoái với sự tham dự của ĐTQG và nhiều đội khách mời quốc tế, nhưng người xem chỉ đếm trên đầu ngón tay trong suốt thời gian giải diễn ra.
Hỏi thì mới biết là công tác truyền thông hời hợt khiến chính những người dân địa phương cũng chẳng hề hay biết có giải đấu đang diễn ra. Bên cạnh đó, việc BTC bán vé giá cao (250 nghìn/vé) cũng là nguyên nhân khiến ngay cả những ai yêu bóng chuyền phải lắc đầu.
Cũng chính vì bóng chuyền bãi biển chưa thu hút khán giả, nên công tác tìm kiếm tài trợ cho đội tuyển quốc gia, cho các giải đấu gặp rất nhiều khó khăn.
Suốt nhiều năm qua bóng chuyền bãi biển Việt Nam chỉ được một đơn vị tài trợ, với số tiền khá khiêm tốn (khoảng 1 tỷ đồng) cho mọi hoạt động như tổ chức các tour bóng chuyền bãi biển trong nước, hỗ trợ kinh phí cho các đội tuyển bóng chuyền bãi biển trong quá trình tập huấn, tham dự các giải đấu trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Bóng chuyền Châu Á…
Còn về chuyên môn, Liên đoàn bóng chuyền Thế giới và Châu Á đã phải cử cả chuyên gia sang để giúp đỡ bóng chuyền Việt Nam. Nhưng sau đó chuyên gia này cũng phải nói rằng: “Thành tích phụ thuộc vào các bạn, các bạn mới là người quyết định việc đó”.