Cơ chế chống tham nhũng
Thu hồi tài sản do tham nhũng là vấn đề yếu nhất, và bức xúc nhất trong công tác phòng chống tham nhũng khi số tiền thu được chỉ như “muối bỏ biển”. Để chấn chỉnh tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 6/2/2017 về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự.
Ông Lưu Bình Nhưỡng.
Trao đổi với ĐĐK, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), nguyên Phó Chánh Văn phòng, Ban Chỉ đạo Trung ương về Cải cách Tư pháp cho rằng: Cần tạo ra một cơ chế để Mặt trận và các tổ chức đoàn thể xã hội, nhân dân, báo chí tham gia sâu hơn vào chống tham nhũng.
PV:Thưa ông, ông nhận định như thế nào khi ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự. Qua đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra Công an các cấp kịp thời xác minh, truy tìm tài sản, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản của bị can và các đối tượng có liên quan trong các vụ án tham nhũng để đảm bảo tổ chức thi hành án có hiệu quả?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Nhân dịp đầu xuân cũng là năm mới, Thủ tướng đã thể hiện sự cương quyết của mình trong đấu tranh chống tham nhũng. Bởi khi nói ra những điều đó rất là khó khăn vì nó đụng chạm đến nhiều người. Nhưng quan điểm đó được người dân rất ủng hộ vì chống tham nhũng không có thời gian.
Đặc biệt chúng ta vừa kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng, thì chống tham nhũng cũng là trách nhiệm của Đảng. Với tư cách là một đảng viên cũng như là một Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng đã thể hiện sự cương quyết của mình. Và tôi nghĩ đó là sự cương quyết rất hợp lòng dân.
Theo ông trong thời gian qua việc thu hồi tài sản do tham nhũng vướng nhất ở khâu nào?
Đây cũng là vấn đề khó khăn. Các cơ quan nội chính, thanh tra cũng chưa có biện pháp nào cho cụ thể cả. Hồi trước đã có một đề tài về xử lý tài sản tham nhũng, nhưng bây giờ thu hồi tài sản tham nhũng cũng đang bị bế tắc. Cái vướng nhất về mặt chủ quan là do bản thân cán bộ của mình. Cán bộ có tài sản nhưng họ che giấu tẩu tán rồi tìm mọi cách để hợp thức hóa. Nhưng công tác giám sát của ta cũng chưa có biện pháp hữu hiệu nào để giám sát cả. Ngay kê khai tài sản như là một biện pháp được coi là “cứu cánh” nhưng còn rất hình thức. Có ai đi kiểm soát tài sản của cá nhân đâu? Cho nên nhiều người khai báo xong thì chỉ ém trong hồ sơ thôi, khai báo xong để đấy chứ có làm gì đâu.
Thưa ông đó là do chúng ta kê khai nhưng không kiểm tra giám sát hay bao che cho cán bộ?
Bản thân không ít cán bộ của ta không trung thực. Báo chí gần đây đã phát hiện nhiều vụ có đồng chí có rất nhiều tài sản nhưng lại không đứng tên, mà đứng tên mẹ, bố, hay vợ, con cái. Cuối cùng người ta không xử lý các trường hợp đó. Đó là do công tác giám sát và xử lý của ta chưa đến nơi đến chốn.
Nếu chúng ta phát hiện con cái của họ chưa đến tuổi thành niên nhưng lại có khối tài sản lớn, vậy chúng ta có cơ chế gì để xử lý, thưa ông?
Hiện nay cũng chưa có quy định nào để truy ngược xem xét nguồn gốc các khối tài sản đó. Phải có cơ chế, quy định rất rõ để mà xem xét người con có tài sản nguồn gốc từ đâu? Chúng ta phải nghiên cứu làm sao có quy định để xem xét các khối tài sản người ta khai báo có đúng không? Các cơ quan thanh tra cần xem xét trình, tham mưu để xây dựng các quy định xem xét các tài sản đó.
Vậy phải chăng tới đây khi sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng nên đưa vấn đề này vào Luật?
Chúng ta nên đưa vì khi đã nói kê khai tài sản thì mục đích kê khai để làm gì? Phải xem xét để giám sát kiểm tra xem kê khai có đúng không? Do đó cơ quan nhận được bản kê khai tài sản thì phải kiểm tra xác định xem số tài sản kê khai có đúng không? Và phải quy trách nhiệm cho các cơ quan đó thì người ta mới làm.
Lâu nay chúng ta nói nhiều đến phát huy vai trò của người dân trong tố cáo chống tham nhũng nhưng vẫn chưa khơi dậy được vai trò của nhân dân trong chống tham nhũng. Vậy theo ông chúng ta cần những cơ chế nào để phát huy?
Thực ra nó có nhiều yếu tố, nhưng thực tế thì người dân lấy thông tin ở đâu? Rồi muốn dân tham gia thì phải tạo cơ chế cho người dân tham gia. Nhiều khi người dân tố cáo nhưng tố cáo của dân cứ “chạy lòng vòng”, hết chỗ nọ lại chỗ kia. Chưa kể có tình trạng bao che cho nhau, cấp trên bao che cho cấp dưới, trong ngành bao che cho nhau. Điều đó làm cho người dân dần dần cũng nản.
Trước đây chúng ta có vị Đại tá quân đội về hưu là ông Đinh Đình Phú tố cáo tham nhũng ở Đồ Sơn (Hải Phòng) rất khó khăn. Khi vụ việc bị xử lý ông đó mới được biết đến chứ lúc đầu còn bị dọa khai trừ khỏi Đảng. Cho nên cần làm sao tạo ra một cơ chế để cho Mặt trận và các tổ chức đoàn thể xã hội, nhân dân, báo chí tham gia sâu hơn vào chống tham nhũng. Chứ không công khai hóa và quyết liệt thì khó chống được tham nhũng.
Theo tôi bây giờ công chức phải giám sát nhau trước, sau đó mới đến nhân dân. Vì bản thân công chức không dám nói ra thì dân làm sao dám nói? Trong cùng một cơ quan, khai báo như thế thì trong cuộc họp tổ Đảng, hay Chi bộ phải hỏi khai báo tài sản như thế đã đúng chưa? Có ai dám nói đâu và chả ai dám nói cả.
Bây giờ đừng đẩy việc khó cho dân và đẩy lên lãnh đạo Nhà nước. Trong cùng đơn vị, cơ quan phải có thái độ, vì trong Đảng có cơ chế tự phê bình và phê bình. Nếu không có phê bình và tự phê bình thì sẽ triệt tiêu đấu tranh của Đảng, vô hình trung là dung túng cho việc đó.
Trân trọng cảm ơn ông!