Có một Việt Bắc trên Tây Nguyên
Đã gần 10 năm nay, cứ sau Tết Nguyên đán đến Rằm tháng giêng bà con các dân tộc Tày, Nùng định cư ở xã Ea Tam, Krông Năng, Đắc Lắc lại tề tựu, sum vầy cùng nhau tham gia Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cũng là gìn giữ những phong tục, tập quán, các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc phía Bắc.
Biểu diễn văn nghệ tại Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc trên Cao nguyên.
Nhớ lại nguồn gốc hình thành và phát triển của Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc, ông Đinh Công Hưởng-Bí thư Đảng ủy xã Ea Tam chia sẻ, Ea Tam là một xã vùng xa của huyện Krông Năng, lúc mới vào đây đời sống kinh tế của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Hiện toàn xã có hơn 11.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc chiếm gần 85% sinh sống tại15 thôn, buôn. Là vùng có 27 dân tộc anh em cùng chung sống trong đó đồng bào dân tộc Tày chiếm hơn 84%.
Lễ hội là dịp để anh em họ hàng có dịp được sum vầy kể cho nhau nghe những câu chuyện của gia đình, họ hàng, xóm làng trong năm cũ và chúc nhau năm mới nhiều may mắn.
Cũng là dịp để đồng bào các dân tộc anh em cùng giao lưu, kết bạn, học hỏi nhau cách làm ăn, mời nhau những ly rượu men lá, món ăn truyền thống của dân tộc mình. Để những người yêu nhau không thành vợ thành chồng được gặp mặt tâm tình cho thỏa nỗi nhớ mong; nam thanh nữ tú gặp mặt, giao duyên.
Vì vậy những năm đầu khi mới thành lập xã, một số khu vực dân cư đã tự phát tổ chức các sinh hoạt văn hóa dân gian Việt Bắc để vui xuân.
Thấy nhân dân đi lại vất vả, chi phí lại tốn kém Đảng bộ và chính quyền xã đã tổ chức đoàn cán bộ đi ra các tỉnh miền núi phía Bắc để tìm hiểu cội nguồn văn hóa, lễ hội của đồng bào ở đó để về tổ chức ngay tại địa phương mỗi dịp Tết đến xuân về.
Sau khi xã tổ chức họp dân nêu ý kiến, người dân cả xã đã nhiệt tình ủng hộ và từ năm 2000 đến 2005 vào ngày 14 và 15 tháng giêng âm lịch, xã đều tổ chức lễ hội cốm, bánh chưng bánh dày, ném còn… để nhân dân tham gia vui chơi hội.
Đến năm 2006 Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc được xã tổ chức bài bản, thể hiện được đặc trưng văn hóa truyền thống của các dân tộc phía Bắc.
Tại lễ hội, không những nghi lễ như lễ cúng thổ công, lễ xuống đồng (lồng tồng) của đồng bào các dân tộc Việt Bắc được tái hiện mà nhân dân trên địa bàn còn được tham gia thể hiện tài năng ở các phần thi nấu rượu ngô men lá, lợn quay ủ lá mắc mật, thi gói bánh chưng, bánh dày, bánh khảo, làm cơm lam, gà nướng…
Một điều đáng mừng là dù lễ hội của các dân tộc phía Bắc nhưng các dân tộc bản địa cũng tham gia thi tài, điều này đã tạo được sự đoàn kết, gắn bó các dân tộc anh em, trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng Ea Tam. Đặc biệt, từ năm 2009 trở lại đây, lễ hội đã thu hút rất đông du khách đến tham gia.
Bà Hà Thị Tài, dân tộc Nùng ở xã Cư Yang, huyện Ea Kar cách xã Ea Tam gần 70km khi được mọi người kể về Lễ hội cũng thu xếp hết mọi công việc để đến tham dự.
Bà Tài cho biết, năm nay thời tiết mưa nhiều nên nguồn nước tưới cho cây không thiếu trầm trọng như các năm trước, vì vậy tôi và nhiều chị em khác cũng rảnh rỗi được chút thời gian. Nghe ở Ea Tam có Lễ hội Việt Bắc chúng tôi mừng lắm vì tham dự lễ hội chúng tôi như có cảm giác đang ở quê nhà. Năm sau tôi lại đến lễ hội và rủ thêm nhiều con cháu cùng đến đây để chúng nó biết được cội nguồn, biết được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, để được giao lưu với nhiều bà con khác.
Việc tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc trên cao nguyên Đắk Lắk không chỉ đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân mà còn góp phần giữ gìn và phát huy được các giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo ông Đinh Công Hưởng năm 2016 thu nhập bình quân đầu người của nhân dân trong xã đạt trên 43 triệu đồng, về xây dựng nông thôn mới hiện toàn xã đã đạt 15/19 tiêu chí, chỉ tính riêng trong năm 2016 nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới hơn 7 tỷ đồng…