Giải cứu tôm xuất khẩu
Liên tiếp những ngày đầu năm, doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam nhận được tin không vui khi thị trường Úc bỗng dưng lên tiếng tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín. Theo Bộ Công thương, động thái này của Úc chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nuôi trồng chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam. Mới đây, Bộ Công thương đã có công thư gửi Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Nông nghiệp - Tài nguyên nước Úc đề nghị Chính phủ Úc cân nhắc, sớm dỡ bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu
Doanh nghiệp xuất khẩu tôm tiếp tục gặp khó. Ảnh: TL.
Đề xuất “cởi trói” cho tôm
Cụ thể, ngày 7/1 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Úc đã ra thông báo về việc thực thi khẩn cấp lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín từ các nước châu Á do lo ngại bùng phát bệnh dịch đốm trắng tại Úc.
Lệnh cấm trên có hiệu lực từ ngày 9/1 và kéo dài trong vòng 6 tháng. Đối với các lô hàng rời cảng nước xuất khẩu vào ngày 9/1 hoặc sau ngày 9/1 khi đến Úc sẽ phải được tái xuất hoặc tiêu hủy. Đối với các lô hàng đang trên đường tới Úc sẽ bị kiểm tra, kiểm định bắt buộc 100%.
Ngay sau khi phía Úc có thông báo tạm ngừng nhập khẩu, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và Thương vụ Việt Nam tại Úc thông tin nhanh cho các Hiệp hội, doanh nghiệp, thông báo và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có biện pháp khắc phục.
Thương vụ Việt Nam tại Úc đã làm việc với Hiệp hội Nhập khẩu thủy sản của Úc để có tiếng nói chung với Chính phủ Úc trong việc nêu quan ngại và trình bày những ảnh hưởng trái chiều của lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu tôm của Úc, thiệt hại đối với người tiêu dùng Úc, đối với người nuôi tôm và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng đã có tiếp xúc với đại diện một số nước xuất khẩu tôm vào Úc để thống nhất tiếng nói chung và phối hợp nêu quan ngại với Chính phủ Úc.
Ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có công thư gửi Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Nông nghiệp và Tài nguyên nước Úc nêu quan ngại trước ảnh hưởng tiêu cực của lệnh cấm này đối với ngành nuôi trồng, sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam, những khó khăn, tổn thất mà người nuôi tôm và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang đối mặt và đề nghị Chính phủ Úc cân nhắc, sớm dỡ bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu nói trên.
Trước mắt, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị Chính phủ Úc cho phép áp dụng theo các quy định đã được áp dụng trước thời điểm có lệnh tạm dừng nhập khẩu đối với các lô hàng đã nhập khẩu vào Úc, đang làm thủ tục thông quan, các lô hàng đang trên đường vận chuyển từ Việt Nam sang Úc, các lô hàng được sản xuất theo hợp đồng đã được ký kết giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu của hai nước.
Trong ngày làm việc với Đại sứ Úc vào cuối tuần qua, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng tiếp tục nêu những quan ngại từ động thái này của nước Úc, Thứ trưởng Bộ Công thương đã thông tin đến Đại sứ Úc những tổn thất to lớn mà người nuôi tôm và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Úc đang phải đối mặt do lệnh tạm ngừng nhập khẩu, đề nghị Chính phủ Úc xem xét, có biện pháp khác tốt hơn thay vì áp dụng lệnh tạm ngừng nhập khẩu, đồng thời sớm dỡ bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
Theo Bộ Công thương, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nêu vấn đề, trao đổi với các cơ quan hữu quan của phía Úc và phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong việc vận động, đề nghị Úc sớm dỡ bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu nói trên.
Con tôm xuất khẩu liên tục gặp khó vì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cần nhìn lại
Những nỗ lực của nhà quản lý phần nào giúp các DN xuất khẩu tôm giảm thiểu được những lo lắng về “số phận” con tôm xuất khẩu của mình. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận, trước khi nước Úc có những động thái cấm nhập khẩu tôm, giới chuyên gia cũng đã nhiều lần lên tiếng về thực trạng sản xuất và chế biến con tôm xuất khẩu của các DN Việt Nam.
Việc tôm được nuôi trong môi trường không sạch và nhà sản xuất phải sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm… là những lý do khiến cho con tôm xuất khẩu gặp nhiều rào cản khi xuất ra thị trường thế giới.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam là nước có nhiều lô hàng xuất khẩu thủy sản bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, chứa mầm bệnh và buộc trả về nước tại hầu hết thị trường.
Trong khoảng thời gian từ năm 2014 –hết năm 2015, Việt Nam có tới 32.000 tấn hàng thủy sản xuất khẩu không thể thông quan tốt đẹp, mà bị buộc trả về. Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… là những thị trường thường xuyên nhập lượng lớn tôm của Việt Nam song số lượng đơn hàng mà các thị trường này trả về Việt Nam vì những vi phạm an toàn thực phẩm cũng không phải là nhỏ. Và mới đây nhất, con tôm xuất khẩu đã gặp phải rào cản khi bước sang thị trường Úc cũng liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chính bởi vậy, các chuyên gia ngành nông nghiệp luôn đưa ra khuyến cáo, để hạn chế được thực trạng nói trên, không còn cách nào khác các DN sản xuất cần phải đảm bảo được yếu tố sạch, đây là yếu tố có tính chất quyết định hàng đầu. Và muốn như vậy, DN chính là đầu mối có tính chất quyết định vì chỉ có DN mới có thể kiểm soát được nguồn nguyên liệu đầu vào đồng thời phải chủ động xây dựng liên kết vùng nuôi đảm bảo một quy trình sản xuất khép kín.