Định hướng cho doanh nghiệp

Hoàng Mai 13/02/2017 08:00

Trong buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương hôm 11/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu đại ý, năm 2017 và các năm tiếp theo, kinh tế - xã hội nước ta có nhiều cơ hội và thuận lợi lớn để phát triển. Thành tựu có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới, thành công của Đại hội XII của Đảng với việc đưa ra nhiều quyết sách quan trọng tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn và những thành quả quan trọng đạt được trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Kế hoạch phát

Đó là nói về tổng thể chung, còn thì trong thuận lợi vẫn có khó khăn và thách thức. Mà, khó khăn, thách thức trên con đường phát triển, theo như Tổng Bí thư thì “vẫn rất nặng nề và gay gắt”. Đó là bởi, kinh tế đất nước tuy đã có bước phát triển so với thời kỳ trước đổi mới nhưng, thực tế thì nền kinh tế ấy phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động.

Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; nợ xấu, nợ công tăng cao; việc phân bổ, sử dụng các nguồn lực còn phân tán, dàn trải, hiệu quả đầu tư thấp; hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại còn nhiều hạn chế, yếu kém. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường.

Nói như Tổng Bí thư thì: “Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả; còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội. Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường còn nhiều bất cập; vi phạm về môi trường xảy ra nghiêm trọng, gây tác hại lớn và bức xúc trong xã hội trong khi tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng xảy ra sớm và nặng nề hơn so với dự báo…”.

Cũng vì thế, nói đến phát triển kinh tế tức là nói đến một tiền đề cho sự phát triển chung của đất nước, như là “bà đỡ” cho các mặt phát triển khác. Và, muốn phát triển kinh tế không có cách nào khác là phát triển các DN thực sự trở thành các đòn bẩy kinh tế. Có lẽ cũng vì lý do quan trọng này mà ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra chủ trương: Chính phủ kiến tạo, hành động vì sự phát triển.

Cũng rất mới đây thôi trong một cuộc họp nhằm đánh giá lại một năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, theo như Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như của VCCI: Năm 2016 là năm kỷ lục của nước ta về số lượng DN thành lập mới và số vốn đăng ký khi có hơn 110.100 DN, tổng vốn đăng ký hơn 891.000 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ. Bình quân 1 DN thành lập mới có vốn đăng ký 10 tỷ đồng, tăng 40,9%.

Sự gia tăng về số lượng các DN đăng ký thành lập mới nhìn ở góc độ nào đó có thể thấy niềm tin của DN và người dân đã tăng hơn so với giai đoạn trước đó và tinh thần phục vụ, kiến tạo của các cấp chính quyền có thể cũng đã được nâng lên một bước. Đây có lẽ là điểm sáng của năm qua nhưng như thế liệu đã là đủ cho một sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng DN, doanh nhân? Nhưng số lượng DN thành lập mới chưa phải là tất cả. Quan trọng là số DN ấy làm ăn thế nào? Có phát sinh thuế đóng góp cho nền kinh tế hay không? Nói cách khác, số lượng phải đi kèm chất lượng hay “sức khỏe” của DN.

Phát biểu trong cuộc họp tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI thẳng thắn cho rằng: Tinh thần hừng hực trong Chính phủ, một số bộ, ngành nhưng xuống địa phương thì một số nơi làm chưa tốt và nhiều nơi còn “lạnh lẽo”. Tinh thần cải cách chưa chuyển được xuống cấp cơ sở, các cán bộ công chức làm việc hằng ngày với người dân và DN. Tình trạng Nghị quyết 35 đang là “nóng trên lạnh dưới”. Có lẽ điều đó lý giải sự đồng hành của Chính phủ với cộng đồng DN là rất mạnh mẽ; thế nhưng ở nhiều địa phương sự mạnh mẽ ấy dường như chưa thấm.

Có lẽ, cũng vì lý do này mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nói thẳng trong cuộc họp đánh giá về Nghị quyết 35 đó là: “Kết quả hỗ trợ, phát triển DN chung của cả nước đã có báo cáo nhưng từng địa phương, bộ ngành như thế nào thì chưa công bố được? Phải họp báo công bố công khai chứ bộ, ngành, địa phương nào cũng nghĩ thành tích thành lập mới DN của mình cả còn giải thể phá sản DN không ở chỗ mình.” Nó cho thấy, Đảng, Chính phủ đang rất quan tâm đến thực chất sự phát triển DN như một thứ “xương sống” của nền kinh tế.

Trong thực tế, suốt quá trình 30 năm đổi mới, Đảng đã đưa ra nhiều quyết sách cho đường lối phát triển kinh tế nhanh, bền vững và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp, chương trình, kế hoạch để thực hiện. Nhưng, đến nay, nhiều “quả đấm thép”, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước được cho là làm ăn kém hiệu quả, không đạt được mục tiêu đề ra; có biểu hiện rõ của tham nhũng, lãng phí. Trong khi đó khối DN tư nhân dường như chưa được quan tâm chỉ đạo sát sao để phát triển đúng mức.

Đến mức, làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, Tổng Bí thư đã đề nghị cơ quan này: “Kịp thời phát hiện những thành tích, ưu điểm để tổng kết, phát huy; những vướng mắc để tháo gỡ, những khuyết điểm, sai phạm để uốn nắn, xử lý. Vừa qua, một loạt những doanh nghiệp, những cơ quan, đơn vị có vi phạm, làm ăn thua lỗ, nhiều dự án, công trình “đắp chiếu” Và, đặt câu hỏi: Đây là do không phát hiện được hay phát hiện được mà không có dũng khí báo cáo, đề xuất xử lý?

Phát biểu trong cuộc làm việc với Ban Kinh tế Trung ương hôm 11/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị cơ quan này cần lý giải những nguyên nhân trên để “từ đó đề xuất đồng bộ các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, có tính đột phá nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN” và cũng để “đánh giá khách quan, toàn diện về việc tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạnh kinh tế tư nhân, chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân; từ đó đề xuất những chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp để tiếp tục định hướng, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển một cách đúng đắn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Như vậy là từ kênh Đảng đến kênh Chính phủ đều dành sự quan tâm cho phát triển DN nói chung. Từ đường lối, Nghị quyết của Đảng đến chính sách, pháp luật của Nhà nước giờ cần một sự giám sát, kiểm tra để làm sao chính sách nói chung; chính sách phát triển DN nói riêng đi vào cuộc sống một cách đúng đắn, hiệu quả; bảo đảm được an ninh kinh tế đất nước.

Hoàng Mai