Vụ việc đùn đẩy trách nhiệm bồi thường 39 hộ nông dân ở Nam Định: Dân vẫn mòn mỏi ngóng đợi
Báo Đại Đoàn Kết, số ra ngày 16/1/2017, đăng bài “Đùn đẩy trách nhiệm bồi thường”, phản ánh việc đầu năm 2016, khi thi công di chuyển đường điện cao thế 110 KV (nằm trong dự án làm đường nối cầu Tân Phong với QL 21) đến địa bàn thôn Đại Thắng, nhà thầu (do Công ty lưới điện cao thế miền Bắc thuê) đã khiến gần 3 mẫu ruộng của 39 hộ nông dân ở đây bị biến dạng, không thể canh tác. Mặc dù đã cam kết bồi thường thiệt hại, cải tạo đất trong 3 năm nhưng đến thời điểm báo đăng bài, qua 2 vụ ruộng đất p
Khi đó, làm việc với PV, các ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Chi nhánh lưới điện cao thế Nam Định; ông Vũ Thế Vinh, đại diện Công ty CP công nghiệp điện Phi Trường (có trụ sở tại TP Nam Định, được Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc-TCT Điện lực Miền Bắc thuê làm nhà thầu thi công; ông Cường, ông Vinh là những người đã trực tiếp về làm việc, cam kết bồi thường cho người dân) cho biết: Lý do đến thời điểm trước tết, phía ngành điện, phía nhà thầu chưa thực hiện bồi thường cho người dân (khoảng 600 triệu đồng, theo cam kết) là do các đơn vị này đang chờ phúc đáp của chính quyền huyện Nam Trực (chủ đầu tư), của UBND tỉnh Nam Định (cơ quan phê duyệt đầu tư dự án đường nối cầu Tân Phong) về cơ chế bồi thường.
Khi đó ông Phạm Văn Cường cho biết: “Số tiền đền bù khá lớn với nhà thầu. Chúng tôi đang đợi chính quyền địa phương, chủ đầu tư dự án cho biết theo quy định một m2 đất ruộng bị thiệt hại phải đền bù bao nhiêu? Chúng tôi cũng đề nghị chủ đầu tư cùng thực hiện việc đền bù và đang đợi trả lời. Bởi, dự án nào cũng có khoản kinh phí dự phòng phát sinh. Sau khi chủ đầu tư dự án thực hiện đền bù theo quy định, nếu mức đền bù thấp hơn mức chúng tôi đã cam kết thì nhà thầu sẽ bù thêm, đảm bảo bằng mức đã cam kết. Hiện kinh phí đền bù chúng tôi đã có sẵn, sau khi việc đền bù được thống nhất, chỉ việc mời người dân đến chi trả là xong”. Lý giải về việc cam kết bồi thường và mức bồi thường thể hiện trong biên bản làm việc ngày 14/3/2016, ông Phạm Văn Cường cho biết thời điểm đó do phải đảm bảo tiến độ thi công nên phía nhà thầu phải cam kết như vậy để người dân tạo điều kiện về mặt bằng...
Tuy nhiên, khi đó (vào ngày 15/1/2017), trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Tiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Trực, Chủ đầu tư dự án đường nối cầu Tân Phong không đồng tình với giải thích trên của ông Phạm Văn Cường; khẳng định trong việc này, trách nhiệm bồi thường là của ngành điện. Theo ông Tiến, trước đó huyện (chủ đầu tư) đã thực hiện việc bồi thường phần diện tích thu hồi để đặt móng 4 cột điện cao thế theo phê duyệt của UBND tỉnh. “Anh (nhà thầu) khảo sát không sát, quá trình thi công anh làm phát sinh thiệt hại thì anh phải có trách nhiệm bồi thường phần phát sinh đó chứ!”, ông Tiến phân tích. Và cho biết: “Ở đây là họ muốn xin thêm UBND tỉnh khoản kinh phí đền bù phát sinh nhưng không thể được. Kinh phí thực hiện dự án hết bao nhiêu (gồm cả kinh phí đền bù-PV) đã được tỉnh phê duyệt rồi!”
Khi đó, Chủ tịch UBND huyện Nam Trực cũng cho biết: “Tôi đã chỉ đạo anh Hà (ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện) ngày mai (16/1/2017) làm công văn đề nghị TCT Điện lực Miền Bắc sớm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho người dân”.
Chủ tịch UBND huyện Nam Trực nói vậy nhưng chiều ngày 13/2 (gần 1 tháng sau), phản ánh với PV, đại diện 39 hộ nông dân ở xã Nam Mỹ cho biết từ đó đến nay chưa hề có ai, dù là phía chủ đầu tư (UBND huyện Nam Trực) hay phía ngành điện về gặp họ để giải quyết việc bồi thường. Để tìm hiểu sự việc, trong ngày 13/2, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trực.
Tuy nhiên, PV rất bất ngờ khi được ông Hà cho biết đến nay việc làm công văn đề nghị TCT Điện lực miền Bắc thực hiện trách nhiệm bồi thường vẫn chưa được huyện thực hiện. Lý do, theo ông Hà: một phần do thời gian qua bận việc Tết; một phần do ông chưa nắm rõ sự việc, vẫn đang phải nắm lại sự việc qua UBND xã Nam Mỹ; một phần do họ (Công ty quản lý lưới điện cao thế miền Bắc) “chỉ có chi nhánh ở đây và cũng không thấy họ về làm việc...”
Điều này đồng nghĩa với việc chưa biết đến bao giờ 39 hộ nông dân ở xã Nam Mỹ mới được nhận bồi thường để có điều kiện cải tạo lại đồng ruộng?