Mỹ, Canada vẫn bất đồng về chính sách nhập cư và thương mại tự do
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau được cho là đã thất bại trong việc giải quyết các quan điểm bất đồng liên quan tới việc tiếp nhận người tị nạn trong một cuộc họp tổ chức hôm 14/2, nhưng lại mềm mỏng hơn trong cách tiếp cận về vấn đề thương mại.
Cuộc họp vừa qua cho thấy vẫn còn nhiều bất đồng giữa lãnh đạo Mỹ và Canada. (Nguồn: Reuters).
Hai nhà lãnh đạo đều tránh chỉ trích trực tiếp nhau sau một cuộc họp tổ chức tại Nhà Trắng, tuy nhiên nói rõ rằng, họ đã không đề cập tới các nỗ lực của ông Trump trong việc cấm người di cư và tị nạn đến từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn. Tổng thống Trump cũng bảo vệ sắc lệnh nhập cư gây tranh cãi của mình và lưỡng lự khi được hỏi về việc liệu chính sách mở cửa của Canada có là một mối đe dọa với nước Mỹ hay không.
“Các bạn không thể tự tin một cách hoàn toàn được” - Tổng thống Trump trả lời câu hỏi về biên giới phía Bắc nước Mỹ.
Trong những ngày gần đây, nước Mỹ đã chứng kiến hàng trăm người nhập cư không giấy phép bị bắt giữ và đối mặt với khả năng bị trục xuất về nước.
“Chúng ta đang bắt giữ những người là tội phạm - trong một số trường hợp là những kẻ tội phạm rất cứng đầu với tiểu sử lạm dụng và nhiều vấn đề khác. Và chúng ta sẽ trục xuất những kẻ này” - ông Trump tuyên bố.
Trong khi đó, nhiều tổ chức dân quyền ở Mỹ nói rằng ngay cả những người nhập cư không có tiền án ở nước này cũng đang bị bắt trong một chiến dịch truy quét diện rộng. Về phần mình, Thủ tướng Trudeau nói rằng: “Canada luôn hiểu rõ rằng việc giữ cho đất nước an toàn là một trong những trách nhiệm cơ bản của bất kỳ chính phủ nào”.
“Cùng lúc, chúng tôi tiếp tục theo đuổi các chính sách mở cửa đối với người tị nạn, trong khi không ảnh hưởng tới vấn đề an ninh” - Thủ tướng Trudeau nói.
Quan điểm trái ngược giữa hai nhà lãnh đạo hai nước láng giềng đã khiến cho cuộc đối thoại trở nên khó khăn hơn: Trong khi Tổng thống Trump coi người tị nạn đến từ Syria như những kẻ khủng bố tiềm tàng thì Thủ tướng Trudeau từng đích thân tới tận sân bay quốc tế Pearson ở Toronto để chào đón họ.
Sửa đổi chứ không bỏ NAFTA
Sau một quãng thời gian siết chặt tình hữu nghị hết sức gần gũi với Tổng thống Barack Obama, giờ đây lãnh đạo trẻ tuổi của Canada phải gặp gỡ với một vị tân Tổng thống mới của nước Mỹ vốn có rất ít quan điểm chung với ông.
Ông Trudeau là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ ba mà Tổng thống Trump từng gặp gỡ chính thức kể từ khi ông nhậm chức hôm 20-1, tiếp sau các cuộc gặp với Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Chuyến đi này đã gặp phải sự khởi đầu không mấy tốt đẹp khi đoàn xe của ông Trudeau đến sớm tại Nhà Trắng và phải đợi khoảng 5 phút trước khi ông Trump tới.
Hai nhà lãnh đạo sau đó chào mừng nhau bằng một cú bắt tay và hướng tới Phòng Bầu dục. Trong khi thể hiện rất ít quan điểm chung về vấn đề chính sách nhập cư, ông Trudeau và Trump dường như mong muốn thu hẹp khoảng cách về vấn đề thương mại.
Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ “đặt nước Mỹ lên hàng đầu” và đàm phán lại Hiệp ước Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), nhưng lại giảm nhẹ giọng điệu này sau cuộc gặp với ông Trudeau. Ông kêu gọi một mối quan hệ thương mại “có đi có lại” và mong muốn sửa đổi chứ không phải phá vỡ nó.
“Nước Mỹ rất may mắn khi có một láng giềng như Canada” - Tổng thống Trump nói, hoan nghênh cơ hội thiết lập thêm nhiều kênh thương mại giữa hai nước - “Chúng tôi hiểu rõ rằng cả hai nước đều mạnh mẽ hơn khi cùng chung tay trong lĩnh vực thương mại quốc tế”.
Quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Canada hiện nay hết sức sâu rộng khi có tới 2/3 hàng hóa xuất khẩu của Canada tới thị trường Mỹ, trong khi Canada là điểm đến hàng đầu của các mặt hàng xuất khẩu từ nhiều bang nước Mỹ.
Thủ tướng Trudeau, người luôn theo đuổi thương mại tự do, đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của NAFTA và đưa ra lời cảnh báo về rủi ro từ chủ nghĩa bảo hộ ở nước Mỹ.
“Xin đừng hiểu lầm, vào cuối ngày, Canada và Mỹ vẫn sẽ duy trì mối quan hệ đối tác quan trọng nhất này” - Ông Trudeau nói - “Như đã biết, 35 bang của nước Mỹ coi Canada là thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ, và nền kinh tế của chúng tôi cũng đạt lợi nhuận trên 2 tỷ USD trong mối quan hệ thương mại hai chiều”.
Tổng thống Trump hiện chưa đưa ra chi tiết về kế hoạch tổ chức đàm phán lại NAFTA của ông, nhưng đã nhiều lần chỉ trích thỏa thuận đã kéo dài suốt 23 năm này, gọi đó là một “thảm họa” đối với cơ hội việc làm ở Mỹ và đe dọa sẽ áp đặt nhiều loại thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Mexico.