Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Tránh chồng chéo, trùng lắp chính sách
Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về công tác dân tộc. Tuy nhiên, nhiều quy định nằm rải rác, tản mạn ở các văn bản luật, thường mang tính quy định chung nên việc triển khai các chính sách gặp nhiều khó khăn.
Lớp học vùng cao.
Sau 30 năm đổi mới, nhất là từ khi có Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 7 (khóa IX), tình hình miền núi và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước chuyển biến quan trọng. Nền kinh tế nhiều thành phần ở miền núi và các vùng dân tộc từng bước hình thành và phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa.
Việc triển khai thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư đã làm cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ở nhiều vùng đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được những kết quả to lớn. Giáo dục phát triển, mặt bằng dân trí được nâng lên. Văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo còn thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 70%, một bộ phận đồng bào vẫn còn thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt; chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số rất thấp, đa số lao động chưa qua đào tạo; tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng người dân tộc thiểu số trên một vạn dân chỉ bằng 1/4 so với tỷ lệ ở vùng phát triển; vẫn còn 16 dân tộc chưa có con em học đại học.
Thực tiễn thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở nước ta trong giai đoạn hiện nay cho thấy, vùng DTTS và miền núi có điều kiện tự nhiên khó khăn, hiểm trở, thường xuyên chịu ảnh hưởng và tác động lớn của thiên tai, lũ lụt; kết cấu hạ tầng (điện - đường - trường - trạm, dịch vụ) ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng vẫn còn khó khăn, nhiều nơi môi trường sinh thái tiếp tục bị suy thoái; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao so mới mức bình quân chung của cả nước, khoảng cách chênh lệch về mức sống, về trình độ phát triển kinh tế- xã hội giữa các dân tộc, giữa các vùng ngày càng tăng; chất lượng hiệu quả về giáo dục- đào tạo còn thấp, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn; tình trạng di cư tự do vẫn còn diễn biến phức tạp…
Nguyên nhân theo Ủy ban Dân tộc, hiện hệ thống pháp luật, chính sách dân tộc hiện hành còn thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, chưa hoàn thiện. Các chính sách dân tộc do nhiều chủ thể ban hành nhưng thiếu cơ chế phối hợp thống nhất giữa các Bộ, ngành, địa phương trong hoạch định, thực hiện và theo dõi, đánh giá nên có sự chồng chéo về nội dung, đối tượng thụ hưởng và thời gian thực hiện, khó lồng ghép. Một số văn bản quản lý, hướng dân thực hiện chính sách chưa kịp thời hoặc chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, chưa phát huy được nội lực của người dân, chưa đảm bảo tăng cường sự quản lý nhà nước về công tác dân tộc một cách thống nhất.
Cũng theo Ủy ban Dân tộc, nhìn chung, nhiều quy định nằm rải rác, tản mạn ở rất nhiều văn bản luật, thường mang tính quy định chung nên việc triển khai các chính sách gặp nhiều khó khăn. Cụ thể Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 về Công tác dân tộc hiện là văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực dân tộc hiện nay. Các văn bản còn lại chủ yếu dưới dạng Thông tư hoặc Quyết định phê duyệt các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển, chủ yếu mang tính chất quản lý, điều hành việc thực hiện đầu tư, hỗ trợ cụ thể. Hơn nữa là văn bản dưới luật nên tính ổn định không cao, do nhiều chủ thể ban hành dẫn đến sự chồng chéo, trong khi đó, cơ chế phối hợp thực hiện chưa rõ ràng, việc phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn vì công tác dân tộc, chính sách dân tộc hiện nay chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Giáo dục, Luật Du lịch, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ sức khỏe, Luật Cán bộ, công chức…và hàng trăm văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, việc thực hiện các chính sách nói trên trong thực tiễn bị chia cắt, thực hiện một cách rời rạc, manh mún và dàn trải, đây là thách thức rất lớn khi thực hiện các chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Từ những hạn chế trên, Ủy ban Dân tộc cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi là cần thiết nhằm bổ sung, hoàn thiện các quy định của các luật chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc. Đồng thời Dự luật này khắc phục những chồng chéo, dàn trải của chính sách, pháp luật chuyên ngành liên quan đến công tác dân tộc; tạo khung pháp lý thống nhất đảm bảo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Trên thực tế cho thấy, trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến khó lường về xung đột sắc tộc, tôn giáo, việc nội luật hóa và bảo đảm thực hiện nghiêm túc các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực dân tộc mà Việt Nam là thành viên (như Công ước về các quyền dân sự, chính trị năm 1966; Công ước về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội năm 1966, các điều ước quốc tế liên quan đến vấn đề dân tộc trong khuôn khổ các nước ASEAN…) có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước ta trong thực hiện pháp luật quốc tế về bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Được biết, Dự án Luật trên dự kiến trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến đối với dự án Luật vào kỳ họp thứ 6, tháng 10/2018 và thông qua dự án Luật vào kỳ họp thứ 7, tháng 5/2019.