Minh bạch để hộ kinh doanh vay vốn
Từ ngày 15/3 tới, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có một điểm đáng lưu ý, đó là hộ kinh doanh, tổ hợp tác… nhỏ lẻ sẽ không được vay vốn. Điều này đã dấy lên nhiều lo ngại, nhưng thực hư ra sao?
Trong năm 2017, Ngân hàng nhà nước định hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh.
Quy rõ trách nhiệm cá nhân
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó, đối tượng vay vốn chỉ có hai loại: thể nhân và cá nhân.
Các đối tượng không phải là pháp nhân như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân sẽ không còn đủ tư cách chủ thể vay vốn tại tổ chức tín dụng. Trường hợp muốn vay vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác, khách hàng có thể vay dưới tư cách cá nhân (chủ hộ).
Sau khi Thông tư 39 được ban hành, nhiều ý kiến cho rằng, hộ kinh doanh, tổ hợp tác sẽ không thể tiếp cận tiếp cận vốn ngân hàng. Đây là quy định vô lý trong bối cảnh tín dụng cần được rót vào khu vực sản xuất kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng.
Trước thông tin này, NHNN đã chính thức lên tiếng khẳng định: theo quy định tại Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN, chủ thể được vay vốn bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, bao gồm cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác và các tổ chức khác có năng lực pháp luật dân sự.
NHNN giải thích, khác với quy định tại Quyết định 1627 nêu trên, trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về chủ thể (chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân), Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài, pháp nhân thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Như vậy, theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và Thông tư 39/2016/TT-NHNN, tổ chức không có tư cách pháp nhân sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn như hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân...
Đồng thời, Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng quy định cá nhân được vay vốn cho nhu cầu sử dụng vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân do chính cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân.
Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế (Bộ Tư pháp), cũng phân tích thêm theo thông lệ thế giới, chủ thể giao dịch dân sự chỉ là thể nhân (cá nhân) và pháp nhân. Ở Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử trước đây giao đất cho hộ gia đình, phát triển kinh tế tập thể nên hộ gia đình và tổ hợp tác được Bộ luật Dân sự cũ gộp chung thành một loại chủ thể. Tuy nhiên, loại chủ thể này gây ra nhiều rắc rối về quan hệ pháp lý. Do đó, Bộ luật Dân sự 2015 sửa theo hướng thể nhân và pháp nhân để tăng tính minh bạch, không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Quy định này không phải để bắt buộc các hộ gia đình kinh doanh, tổ hợp tác phải thành lập doanh nghiệp mà là để quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân khi tham gia giao dịch dân sự.
Vẫn hỗ trợ DN tiếp cận vốn
Cũng theo quy định mới từ 15/3 tới, tổ chức tín dụng xem xét cho khách hàng vay theo 3 loại cho vay sau: cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay tối đa 1 năm; cho vay trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 1 năm và tối đa 5 năm; cho vay dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 5 năm.
Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Thông tư 39 cũng quy định trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên phần dư nợ gốc quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả; lãi suất áp dụng do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn. Nợ gốc quá hạn gồm: nợ gốc đến hạn không trả được và nợ gốc chưa đến hạn bị chuyển sang đến hạn theo thỏa thuận do vi phạm hợp đồng và khách hàng không trả được.
Trong năm 2017, định hướng điều hành tín dụng của NHNN là kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông.
Cơ quan điều hành cũng cho biết, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn; định hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong đó tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao).