Gỡ khó cho kinh tế trang trại
Kinh tế trang trại (KTTT) đã xuất hiện từ lâu và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế những năm qua cho thấy, mô hình KTTT đã và đang phát triển mạnh tại khắp các địa phương trong cả nước. Thế nhưng hiện nay đã xuất hiện không ít chính sách bất cập, lỗi thời, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của lĩnh vực kinh tế đầy tiềm năng này.
Trang trại thanh long ở Châu Thành, Long An.
Cả nước có khoảng 3 vạn trang trại
Theo TS. Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 6-2016, cả nước có khoảng 29.853 trang trại (TT). Trong đó, chủ yếu là TT chăn nuôi chiếm gần 49%, trồng trọt chiếm hơn 25%, thủy sản hơn 14%, TT tổng hợp chiếm gần 11% và TT lâm nghiệp chỉ chiếm 0,48%. Doanh thu bình quân của TT là 1,2 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên chỉ có 7.825 TT được cấp giấy chứng nhận KTTT.
“Việc phát triển KTTT đang có sự chuyển biến rõ rệt, cung cấp số lượng lớn sản phẩm nông nghiệp cho thị trường trong và ngoài nước. Nhiều TT đã đi vào sản xuất hàng hóa chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn”, TS.Thịnh cho biết thêm.
Theo ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hiện cả nước có khoảng gần 3 vạn TT với nhiều loại hình khác nhau như: TT trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản và TT tổng hợp. Riêng Đồng Nai là tỉnh đứng đầu khu vực Đông Nam bộ về phát triển kinh tế TT với 3.811 TT. Hầu hết là TT chăn nuôi với hơn 88%, TT trồng trọt chiếm hơn 10%. Còn lại là TT thủy sản 0,57%; lâm nghiệp 0,18%. Chỉ có 3 TT tổng hợp (chiếm 0,07%). Có 36% TT được cấp giấy chứng nhận. Doanh thu bình quân của TT hơn 3,1 tỷ đồng/năm.
Ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng, phát triển KTTT có ý nghĩa quyết định trong việc chuyển hướng từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn theo hướng hàng hóa, an toàn. Tuy nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển KTTT nhưng chưa có chính sách đặc thù.
Hiệp hội sẽ tập trung kiến nghị để sớm có những Thông tư, Nghị định khuyến khích, hỗ trợ cho KTTT phát triển. Việc hình thành nhiều mô hình TT đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác và sử dụng đất trống, hoang hóa, ao, hồ, đầm, bãi bồi ven sông.
Để tổ chức sản xuất theo hướng chuyên canh tập trung có giá trị hàng hóa nâng cao, đồng thời việc hình thành nhiều mô hình TT cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sử dụng lao động gắn với chế biến thương mại, dịch vụ tạo ra lượng hàng hóa nông sản có giá trị kinh tế lớn.
Giúp cho các loại hình KTTT hình thành và phát triển nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ các TT phát triển có hiệu quả như: chính sách về đất đai, thuế, đầu tư, tín dụng, lao động, khoa học công nghệ, môi trường và thị trường.
Còn nhiều tồn tại
Trong Diễn đàn Kinh tế trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam lần I vừa được tổ chức mới đây tại Đồng Nai, nhiều đại biểu đã nêu lên những tồn tại của trang trại. Đó là khó khăn về vốn, hạn điền, thị trường, xây dựng thương hiệu.
Cụ thể, như: quy định hạn chế về diện tích, quy mô TT; khó tiếp cận vốn vay; yếu trong đầu tư về hạ tầng, công nghệ sản xuất; thị trường tiêu thụ... Các TT hiện nay phát triển chủ yếu vẫn là tự phát, manh mún, thiếu định hướng, không được thiết kế quy hoạch gắn vùng sản xuất với công nghiệp chế biến, gây ô nhiễm môi trường, trình độ quản lý và sản xuất của TT còn hạn chế, thiếu thông tin về thị trường, thiếu liên kết TT.
Các đại biểu đều cho rằng, sự phát triển của KTTT tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Để gỡ khó cho KTTT phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng Nghị định quy định về chính sách khuyến khích phát triển KTTT. Theo đó, ngân sách hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng phát triển KTTT (đường giao thông, điện, thủy lợi).
Về chính sách hỗ trợ về đất đai, Bộ đề nghị Quốc hội xem xét bỏ quy định về hạn điền; hỗ trợ kinh phí thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất mở rộng sản xuất trong 10 năm với mức tối đa 5 triệu đồng/ha/năm; hỗ trợ kinh phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi TT thực hiện dự án phát triển.
Bên cạnh đó còn có các chính sách hỗ trợ 50% về lãi suất không quá 5 năm, chính sách hỗ trợ đăng ký xây dựng thương hiệu hàng hóa với mức tối đa 100 triệu đồng/TT cùng với những hỗ trợ cho TT trong phát triển nguồn nhân lực và xúc tiến thương mại.