Tăng lực cho thị trường bán lẻ

H.Hương 16/02/2017 09:35

Ngay trong quý I-2017, theo yêu cầu từ cơ quan quản lý, Dự thảo nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải được hoàn thành. Động thái mới cho thấy, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trong nước đang được cấp thiết bàn thảo.

Cuộc chiến bán lẻ doanh nghiệp nội-doanh nghiệp ngoại sẽ ngày càng gay cấn.

Cuộc đua chưa hồi kết

Không phải ngẫu nhiên mà ngay tháng đầu năm của 2017, lĩnh vực bán buôn bán lẻ là lĩnh vực nằm vị trí thứ 3 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn rất tiềm năng.

Trong khi đó, theo dự báo từ các trung tâm nghiên cứu bất động sản cũng cho biết, mặt bằng bán lẻ sẽ trở thành phân khúc hấp dẫn của thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Nhưng phía sau tất cả những thông tin đó cũng ngầm nói lên cuộc chiến bán lẻ doanh nghiệp nội – doanh nghiệp ngoại sẽ ngày càng gay cấn hơn.

Trong một văn bản mới nhất từ Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về tình hình, giải pháp quản lý, phát triển thị trường bán lẻ và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 23/2007 cũng đã khẳng định, các cơ quan liên quan như Bộ Công thương, Bộ Tài chính cần có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trong nước phát triển.

Động thái này cho thấy, xu hướng quan tâm đặc biệt tới cộng đồng bán lẻ nội sẽ chuyển động theo hướng đặc biệt hơn ở năm 2017 và những năm tiếp theo.

Ngoài ra cũng theo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần chấn chỉnh các địa phương tuân thủ quy định liên quan trong cấp phép, quản lý hoạt động phân phối, bán lẻ cho doanh nghiệp FDI; đồng thời tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

Bộ Tài chính nghiên cứu, xử lý đề nghị của Bộ Công thương về việc xây dựng quy định cho phép doanh nghiệp trong nước được giãn tiến độ nộp tiền thuê đất trong trường hợp thuê đất để đầu tư xây dựng, kinh doanh trung tâm thương mại, siêu thị.

Doanh nghiệp và mạng lưới phân phối, bán lẻ trong nước thông qua việc bố trí quỹ đất, mặt bằng dành cho hoạt động phân phối, nhất là đối với doanh nghiệp trong nước; quản lý chặt chẽ việc phát triển mạng lưới bán lẻ của doanh nghiệp FDI theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là việc áp dụng thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế.

Cũng theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngay trong quý I này Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn chỉnh dự thảo nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Nghị định thay thế Nghị định 23/2007).

Trong thời gian qua không chỉ riêng nhà bán lẻ Thái Lan - đối tượng đã rất thành công trong hoạt động M&A gần đây tại Việt Nam mà ngay cả các nhà bán lẻ từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng đang rậm rịch tính đến hướng mở rộng thị trường tại Việt Nam. Bởi dân số trẻ với lối sống hiện đại và thói quen mua sắm ngày càng tăng chính là “điểm mạnh” rất phù hợp để các nhà đầu tư chọn thị trường Việt Nam làm điểm đặt chân.

Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng

Đó là ý kiến của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch các Hiệp hội siêu thị Hà Nội khi trao đổi với Đại Đoàn Kết. Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ nội vốn ít, năng lực tài chính thấp phần lớn phải đi vay ngân hàng.

Trong khi đó việc đi thuê mặt bằng kinh doanh chiếm một phần chi phí rất lớn trong kinh doanh. Muốn có vị trí đẹp được nhiều người biết đến thì phải tìm địa điểm rộng tại các tòa nhà, trung tâm thương mại lớn. Chưa kể muốn thuê rồi còn phải cạnh tranh với cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào. “ Theo tôi, cần có cơ chế cho nhà bán lẻ nội ở việc tiếp cận mặt bằng kinh doanh” – ông Phú nhấn mạnh.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, trên thực tế, mỗi địa phương có chủ trương thu hút đầu tư khác nhau nên trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp nội mất thời cơ.

Bên cạnh sự ủng hộ về mặt chính sách, sự nỗ lực của chính doanh nghiệp Việt Nam thì các địa phương cần có phương thức để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Thành Nhân- Tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) chỉ ra nhà bán lẻ ngoại mạnh hơn nhà bán lẻ Việt bởi 3 điểm: Tiềm lực tài chính, huy động vốn với lãi suất thấp; Kinh nghiệm quản lý nhờ lịch sử hình thành lâu đời và đã có sự nghiên cứu thói quen của người tiêu dùng và sức mạnh trong liên kết.

Doanh nghiệp ngoại có sự liên kết toàn cầu từ chuỗi cung ứng sản phẩm đến việc chuỗi tiêu thụ hàng hóa. Theo ông Nhân, trong kinh doanh, nếu lợi nhuận chỉ chiếm một vài phần trăm đã không dễ đạt được, do vậy chỉ cần vay được vốn tốt cũng đã tạo ra lợi thế cạnh tranh.

H.Hương