Tăng thời gian làm thêm: Quy định gây băn khoăn
Trước nhiều kiến nghị của doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người lao động muốn làm thêm để tăng thu nhập, tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam trong khu vực châu Á, tại Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, Bộ LĐTB&XH đã đề xuất tăng gấp 3 lần đối với giờ làm thêm trong một năm như hiện nay.
Đề xuất tăng thời gian làm thêm còn gây nhiều tranh cãi.
Cụ thể sẽ có hai phương án được trình. Phương án 1: Khống chế giờ làm thêm tối đa không quá 600 giờ/năm, đảm bảo tổng giờ làm việc và làm thêm không quá 12 giờ/ngày, không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm.
Phương án 2: Bỏ khống chế theo năm, tổng giờ làm việc bình thường và làm thêm không quá 12 giờ/ngày, không quá 5 ngày liên tục mỗi đợt làm thêm.
Thời gian làm thêm tối đa 600 giờ mỗi năm như phương án một được đề xuất áp dụng cho lao động làm việc trong điều kiện bình thường lẫn trường hợp đặc biệt.
Luật hiện hành quy định giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày. Nếu làm việc theo tuần thì tổng giờ làm bình thường và làm thêm không quá 12 giờ một ngày, không quá 30 giờ mỗi tháng và không vượt quá 200 giờ mỗi năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.
Sau mỗi đợt làm thêm tối đa liên tục 7 ngày trong tháng, chủ doanh nghiệp phải bố trí để người lao động được nghỉ bù thời gian không được nghỉ. Nếu không cho nghỉ bù đủ thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 Bộ Luật Lao động.
Trước đề xuất này, nhiều doanh nghiệp tỏ ra khá hào hứng và đồng tình bởi theo lý giải của các doanh nghiệp hiện giờ làm thêm tối đa 200, một số trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ như hiện nay là quá ít.
Nếu muốn tăng năng suất lao động để tăng thu nhập cho người lao động chỉ có cách cải tiến công nghệ, thay đổi máy móc, thiết bị.
Do đó, việc tăng giờ làm thêm sẽ giúp người lao động có thêm thu nhập, đồng thời doanh nghiệp tiết kiệm được một số chi phí tuyển nhân sự mới và các khoản đóng bảo hiểm.
Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012 do Bộ LĐTB&XH tổ chức mới đây, bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản cho rằng, quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi còn chưa linh hoạt, gây nhiều khó khăn cho DN trong việc đáp ứng tiến độ sản xuất, đặc biệt là những mặt hàng có tính chất thời vụ.
Bà Bùi Thị Hương- Trưởng phòng nhân sự- Công ty Yamaha Việt Nam cho rằng, khó khăn nhất của DN hiện nay là quy định làm thêm giờ của cơ quan quản lý.
Trong sản xuất, có những mặt hàng mang tính chất ngắn hạn, cần gấp rút hoàn thành đơn hàng để giao cho đối tác nhưng quy định thời gian làm thêm giờ của Việt Nam chỉ dừng ở mức 300 giờ là quá thấp khiến DN không xoay xở kịp.
Tuy nhiên hai phương án trên đã không nhận được sự đồng thuận từ phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
“Tăng tối đa 600 giờ làm thêm mỗi năm như phương án một hay không khống chế theo năm như phương án hai đều vượt quá quy định hiện hành quá lớn.
Việc tăng giờ làm thêm dù dựa trên thực tế cung cầu vẫn phải xem xét tới nhiều yếu tố, đặc biệt là sức khỏe và cải thiện môi trường làm việc cho người lao động”, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) nói.
Theo đại diện Tổng liên đoàn, trong bối cảnh hiện nay việc làm thêm giờ là nhu cầu thực tế cần chấp nhận, song phải đúng nghĩa là giải quyết công việc đột xuất, đơn hàng dồi dào của doanh nghiệp chứ không phải làm thêm tràn lan như hiện nay.
Do đó Tổng liên đoàn đề xuất nên bỏ giới hạn làm thêm 30 giờ mỗi tháng, chỉ giới hạn số giờ trong ngày và tổng số giờ trong năm, chỉ nên nâng giờ làm thêm ở mức độ vừa phải từ 200-300 giờ mỗi năm lên 300-400.
Trường hợp tối đa 400 giờ cho lao động dệt may, da giày, xuất khẩu thủy hải sản…phải có quy định đặc biệt lẫn giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.