Hoạt động trải nghiệm sáng tạo: Gia tăng giá trị sống cho học sinh
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đề cập đến hai loại hoạt động giáo dục chính là: Dạy học các môn và hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Theo PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa (Trường Đại học Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) thì theo Dự thảo, hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ được chia làm 2 loại, một loại gắn với nội dung từng môn học và loại mang tính tích hợp liên môn hoặc xuyên môn.
Loại hoạt động trải nghiệm sáng tạo thứ nhất do giáo viên môn học thực hiện trong số giờ quy định cho môn học đó, chương trình sách giáo khoa môn học cần thể hiện hoạt động này. Loại hoạt động trải nghiệm sáng tạo thứ hai do từng trường xác định phù hợp với yêu cầu của địa phương, đặc điểm và điều kiện cụ thể của trường, việc thực hiện hoạt động tính vào thời gian dành cho giáo dục địa phương.
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa.
PV: Nhìn vào chương trình GDPT hiện nay, hoạt động trải nghiệm sáng tạo đã được đề cập đến chưa, thưa bà? Có ý kiến cho rằng chương trình GDPT hiện hành đang coi trọng việc dạy kiến thức hơn là các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Bà nghĩ sao về điều này?
PGSTS Đinh Thị Kim Thoa: Trong giáo dục luôn có hai hoạt động cơ bản là hoạt động dạy học, thường thực hiện ở các giờ trên lớp và một hoạt động khác gọi là hoạt động giáo dục, thường thực hiện song song bên cạnh các hoạt động dạy học.
Từ trước đến nay vẫn có hai hoạt động này. Cụ thể, hoạt động giáo dục thường thể hiện trong chương trình hiện hành chính là hoạt động tập thể ngoài giờ lên lớp như tham quan dã ngoại.
Tuy nhiên ở các nhà trường của chúng ta hầu như rất ít tổ chức các hoạt động này. Có thể nói là đa số các trường không chú ý lắm, thường làm theo kiểu có cũng được, không có cũng được.
Nếu tổ chức, thường chỉ có một nhóm học sinh tham gia thay vì 100%. Bản thân phụ huynh cũng cho rằng hoạt động này không có cũng được.
Nếu nhà trường có tổ chức nhiều người cũng không ủng hộ và cho con em ở nhà. Thậm chí có trường khó khăn còn cắt luôn cả hoạt động này, không tổ chức gì.
Vì vậy, mặc dù chương trình hiện hành của chúng ta vẫn có hoạt động trải nghiệm nhưng không yêu cầu một cách chính thống nên trường thực hiện cũng tốt mà không thực hiện cũng chẳng sao.
Vì nó không được đánh giá, không có điểm nên ít người quan tâm. Ngay chuyện giám sát và quản lý các trường có thực hiện hay không cũng không quá chặt chẽ nên các trường coi đó như một giá trị gia tăng, trường nào làm tốt thì có thêm giá trị gia tăng cho học sinh, không làm cũng chẳng sao, không hề bị đánh giá.
Trong Dự thảo lần này, hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ có những thay đổi nào để khắc phục những vấn đề bà nêu?
- Trước hết, chúng tôi muốn thay đổi nhận thức của các nhà trường về hoạt động này để nó thực sự có ý nghĩa với sự phát triển của học trò.
Nếu chúng ta chỉ tập trung dạy chữ mà không có hoạt động này thì chưa đủ. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo góp phần hết sức đắc lực vào phần dạy người. Học sinh được trải nghiệm cuộc sống, kỹ năng sống, rèn luyện phẩm chất nhân cách, rất quan trọng và hiệu quả.
Trước đây chúng ta gọi là hoạt động ngoại khóa ngoài giờ lên lớp, hoạt động tập thể… thì nay gọi chung là hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Nó có kèm theo các điều kiện.
Trước hết đó là hoạt động bắt buộc, sẽ được đánh giá trong hồ sơ của học sinh, là yếu tố để xem xét trong đánh giá, tuyển chọn. Với những thay đổi đó thì chắc chắn 100% học sinh sẽ tham gia chứ không giống trước ai tham gia cũng được.
Thứ hai nữa, trước đây hoạt động này thường tổ chức ở quy mô khối lớp, quy mô trường. Bây giờ sẽ tổ chức đánh giá được từng học sinh, quy mô từng lớp là hoạt động giáo dục, như giờ giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống thực hiện theo phương thức cho học sinh trải nghiệm.
Điều này làm cho những trường không có điều kiện vẫn có thể thực hiện chương trình cơ bản của hoạt động này. Nghèo khó hay ở vùng sâu vùng xa vẫn thực hiện được tư tưởng cốt lõi.
Trước đây nhiều trường vẫn cho rằng hoạt động ngoài giờ là tổ chức đi đâu đó, không có điều kiện phương tiện… Không phải như vậy. Trải nghiệm tại chỗ cũng là trải nghiệm.
Như vậy, hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ được thực hiện chủ yếu ở không gian ngoài trời, thưa bà?
- Bản chất đây chính là là hoạt động ngoài trời trước đây. Chúng tôi thay đổi tên mới là muốn để mọi người thay đổi nhận thức.
Từ đó mọi người sẽ thay đổi phương thức thực hiện. Coi như là một quá trình tổ chức có định hướng, có kế hoạch, có mục đích của nhà giáo dục… nên phải được đánh giá theo mục tiêu đề ra.
Ngoài những nội dung đi ra ngoài lớp học, có thể có các hình thức câu lạc bộ, phù hợp với từng đối tượng trẻ, từng vùng miền, địa phương. Chẳng hạn, các trường ở thành phố có thể thành lập CLB trải nghiệm những việc làm ở nông thôn… Cho nên ở bất kỳ điều kiện nào cũng có hoạt động trải nghiệm ở mức độ không gian, điều kiện khác nhau.
Nói cách khác khi thay đổi phương thức tổ chức hoạt động thì điều đó sẽ làm cho từng học sinh được trải nghiệm. Học sinh sẽ vận dụng tất cả kiến thức đã học được từ tất cả các môn học từ các lĩnh vực để giải quyết vấn đề của thực tiễn mà phù hợp với đứa trẻ, đấy là cái mới.
Trân trọng cảm ơn PGS!
"Chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến coi việc tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp và khuyến khích các trường ĐH, CĐ lấy đó làm điều kiện ưu tiên xét tuyển. Dự kiến đến tháng 3/2017 sẽ ban hành chương trình tổng thể giáo dục phổ thông để biên soạn các chương trình môn học,tháng 9/2017 sẽ hoàn thành các chương trình môn học. Và trong quá trình soạn thảo các chương trình môn học, sẽ xây dựng đề cương sách giáo khoa và viết một số bài để dạy thực nghiệm. Việc biên soạn sách giáo khoa và dạy học phải dựa trên các quy định của chương trình tổng thể và chương trình môn học”- GS.TS Nguyễn Minh Thuyết. |