Về ấp 'bốn không'
Vượt sông Hậu, chúng tôi đến huyện cù lao An Phú. Nghe tin ấp Vĩnh Phát (xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú) được mệnh danh là “ấp 4 không”; “ấp cô đơn”, chúng tôi tìm đến. Bà con cho biết: Đời sống ở đây khó khăn lắm. Mùa khô gâp ghềnh, long chong còn mùa mưa thì sình lầy, khó đi. Muốn có điện thì phải câu đuôi hộ khác với giá cao hoặc phải mua bình ắc quy sử dụng. Con cái muốn đi học phải dậy từ sớm, đi đò sang ấp khác, xã khác chứ trong xã chưa có trường…
Nhiều hộ dân không có điện phải sử dung bình ắc quy hoặc xài đèn dầu thắp sáng vào ban đêm.
Xóm điện câu đuôi
Vĩnh Phát trước đây là ấp Phú Yên, xã Phú Lộc - vùng kinh tế mới của huyện Tân Châu (nay là thị xã Tân Châu), diện tích trên 360 ha, được thành lập vào năm năm 2011.
Người dân tứ xứ đổ về đây lập nghiệp. Hạ tầng kết cấu về điện, nước sinh hoạt, giao thông nông thôn,… được đầu tư sơ sài. Thế rồi, ấp Vĩnh Phát được tách ra giao về xã Vĩnh Lộc nên mọi kế hoạch đầu tư các công trình điện, đường, trường, trạm đều bị dở dang.
Ghé nhà ông Lê Văn Hiệp – căn nhà lá đơn sơ, trống trước, trống sau, ông Hiệp cho biết: Ông năm nay 51 tuổi, gia đình sống ở đây gần 30 năm bằng nghề làm mướn. Mấy năm qua ông bị liệt không còn đi làm cuộc sống chỉ trông vào vợ, nên cảnh nghèo càng kiệt quệ hơn. Căn nhà không có lấy một vật gì có giá trị. Muốn có điện, ông phải câu đuôi của hàng xóm với giá cao. Không có tiền đóng đủ thì bị cắt.
Ở ấp Vĩnh Phát và Vĩnh Hưng, người dân không có điện lưới quốc gia sử dụng để thắp sáng và sinh hoạt hàng ngày, do vậy người nào có tiền thì kéo điện bên Phú Lộc vượt kênh Năm Xã hoặc câu đuôi của hợp tác xã và chịu trả tiền giá cao. Ai không có khả năng thì chịu thắp đèn dầu hoặc sử dụng bình ắc quy. Người dân nhiều lần gửi đơn đến các cấp chính quyền và ngành điện để xin mắc điện nhưng chưa được giải quyết nên nhiều gia đình trong ấp vẫn chịu cảnh đèn dầu leo lét.
Bà Trương Thị Hưởng, 53 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Hưng cho biết: “Mấy chục năm qua, hàng đêm, gia đình chỉ xài đèn dầu. Muốn đi ra ngoài thì dùng một chiếc đèn pin. Nhà sử dụng đèn dầu là chính, còn bình ắc quy chỉ dành để sạc điện thoại. Cứ dăm ba bữa phải mang bình ắc quy sang xã Phú Lộc cách nhà hơn 4 cây số để sạc.Người dân thiếu thông tin vì không được nghe đài, xem tivi! Cứ khoảng 7, 8 giờ là đi ngủ. Sống ở đây rất sợ đau ốm vì mỗi lần ra bác sĩ phải rất tốn thời gian do đường lồi lõm, khó đi.
Không điện lại không có nước sạch. Hiện gia đình bà Hưởng và nhiều hộ dân khác phải sử dụng nguồn nước kênh. Theo quan sát của chúng tôi, việc kéo điện “câu đuôi” ở ấp Vĩnh Phát, Vĩnh Hưng có trụ bằng bê tông, có trụ bằng gỗ tạp, tre…Hệ thống dây điện được treo lòa xòa như mạng nhện, nhiều đoạn được chấp nối và thòng xuống ngang đầu người, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.
Ông Phan Anh Dũng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vĩnh Hưng cho biết: “Vừa rồi 60 hộ chưa có điện ở ấp Vĩnh Phát và Vĩnh Hưng muốn có điện xài nên đến xí nghiệp điện nước đăng ký và đơn vị này đến khảo sát. Tuy nhiên sau đó HTX yêu cầu mỗi hộ phải đóng gần 6 triệu đồng, trong khi dân ở đây toàn hộ nghèo, 80% làm mướn thì lấy đâu ra số tiền lớn như thế?”. Cuối cùng là vẫn đâu vào đấy.
Không điện cũng không đường đi lại
Tuyến giao thông chính của ấp Vĩnh Phát dài khoảng 5 km lâu nay không được ai quan tâm nên vẫn là con đường đất. Người dân muốn về UBND xã hay lên huyện phải đi trên con đường dọc theo kênh giáp xã Vĩnh Hậu hoặc kênh nhánh vắt ngang giữa đồng trống Vĩnh Lộc.
Vào mùa mưa, nước ngập thì việc đi lại càng khó khăn do đường lầy lội, thậm chí phải đi vòng xa gấp đôi. Khó khăn nhất là việc học của con em địa phương phải đi xuồng sang kênh để học nhờ. Từ việc xài điện phải đóng giá cao, không đường đi lại, không trường học nhiều gia đình đã bỏ đi nơi khác sinh sống hoặc cho con cái nghỉ học giữa chừng.
Bà Đinh Thị Phước, ở ấp Vĩnh Phát cho biết: Dân ở đây toàn làm mướn, làm thuê. Những năm lũ lớn về, con cháu đi học qua sông hết sức nguy hiểm. Trước đây gia đình còn bán cháo, cơm, cà phê nhưng mấy năm gần đây thì nghỉ do cuộc sống khó khăn, người dân làm chẳng có dư lấy đâu có tiền ăn vặt?.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Văn Nghiệm, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc – cho biết: “Ấp Vĩnh Phát có 47 hộ nghèo. Trước tình hình bà con trong ấp không có điện xã đã đề nghị trạm bơm của HTX Phú Yên và Phú Bình giúp cho 285 hộ ở ấp Vĩnh Phát và 50 hộ ở ấp Vĩnh Hưng câu đuôi điện dùng tạm”.
Mong sao các cấp chính quyền huyện An Phú quan tâm đến ấp “4 không” Vĩnh Phát để bà con bớt khổ!
Ông Phan Anh Dũng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vĩnh Hưng cho biết: “Vừa rồi 60 hộ chưa có điện ở ấp Vĩnh Phát và Vĩnh Hưng muốn có điện xài nên đến xí nghiệp điện nước đăng ký và đơn vị này đến khảo sát. Tuy nhiên sau đó yêu cầu mỗi hộ phải đóng gần 6 triệu đồng, trong khi dân ở đây nghèo, 80% làm mướn thì lấy đâu ra số tiền lớn như thế?”.. |