Mở rộng đầu tư vào Tiểu vùng Mê Kông
Hội thảo “Đầu tư bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam ở Tiểu vùng sông Mê Kông” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với VCCI tổ chức hôm qua (17/2), tại Hà Nội. Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, bên cạnh những thuận lợi thì doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tìm hiểu thấu đáo nơi dự định đầu tư để tránh rủi ro.
Cao su là cây thế mạnh được doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài. Ảnh: TL.
1.188 dự án đầu tư sang 70 quốc gia, vùng lãnh thổ
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (ODA) của Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam. ODA giúp bù đắp những thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong nước, mở rộng thị trường cũng như giúp củng cố vị thế của Việt Nam tại các quốc gia nhận đầu tư.
Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến hết tháng 1/2017, Việt Nam đã có 1.188 dự án đầu tư sang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 21,395 tỷ USD. Trong đó, các quốc gia ở Tiểu vùng Mê Kông, đặc biệt là Lào và Campuchia là hai quốc gia được các DN Việt Nam lựa chọn đầu tư nhiều nhất và thế mạnh thuộc về lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, lĩnh vực đầu tư nhiều nhất của các DN Việt Nam tại Lào và Campuchia là cao su. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có 72 dự án đầu tư trồng cao su với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 2 tỷ USD. Riêng Tập đoàn Cao su Việt Nam đang đầu tư 23 dự án rừng trồng cao su tại Lào và Campuchia với tổng diện tích đăng ký gần 140.000 ha.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những thành tựu thì hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp cũng ẩn chứa những rủi ro do sự khác biệt giữa văn hóa, pháp luật và môi trường. Những khác biệt này có thể dẫn đến những tranh chấp và qua đó ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam trong khu vực.
Theo ông Phạm Quang Tú- thành viên Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam, có rất nhiều các rủi ro mà các DN Việt khi sang đầu tư ở tiểu vùng sông Mê Kông thường xuyên phải đối diện trong đó phải kể đến các xung đột về đất đai, tranh chấp giữa DN và cư dân tại vùng khai thác dự án… và kể cả các luật tục của địa phương cũng trở thành những rào cản lớn đối với các DN Việt.
Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư các dự án nông lâm nghiệp tại nước ngoài.
Tính đến hết tháng 1/2017, Việt Nam đã có 1.188 dự án đầu tư sang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 21,395 tỷ USD. Trong đó, các quốc gia ở Tiểu vùng Mê Kông, đặc biệt là Lào và Campuchia là hai quốc gia được các DN Việt Nam lựa chọn đầu tư nhiều nhất và thế mạnh thuộc về lĩnh vực nông nghiệp. |
Cẩn thận, tránh rủi ro
Theo bà Nguyễn Hoàng Phượng (Phòng Nghiên cứu chính sách Trung tâm con người và thiên nhiên) cho hay, nhiều DN Việt Nam khi đầu tư nông nghiệp ra nước ngoài đã gặp phải khó khăn.
Có trường hợp một công ty, quỹ đất đầu tiên mà công ty này được cấp chủ yếu là rừng gỗ tạp, nương rẫy bị bỏ hoang hóa. Sau khi công ty ủi đất và bồi thường xong xuôi, người dân lại ra cắm cọc làm hàng rào và nhận là đất của mình mua lại từ người khác.
Mặc dù công ty này đã làm tờ trình báo cáo lãnh đạo địa phương đó và đề nghị xác minh lại mảnh đất đó nhưng vẫn khó giải quyết. Cuối cùng, công ty phải bồi thường thêm một lần nữa cho mảnh đất này. Theo bà Phượng, vấn đề đất đai không chỉ ở các nước lân cận mà ngay cả ở Việt Nam thì “lệ làng” là rất mạnh.
Bình luận về trường hợp này, bà Phượng cho rằng, nhóm cộng đồng người bản địa sống bằng nông nghiệp luân canh luân cư, tức là canh tác ở một khu vực sau đó chuyển đến một khu vực khác để canh tác những năm tiếp theo. Thông thường khu đất bị để hoang hóa khoảng 5-7 năm và sau đó người dân lại quay về canh tác tiếp, cứ như vậy quay vòng trong tất cả các khu đất họ đã khai hoang.
Trong cộng đồng đó, người dân tôn trọng quyền sở hữu cũng như ranh giới đất đai của nhau theo luật tục và bảo vệ quyền này rất mạnh mẽ. Bởi vậy, bà Phượng khuyến cáo, DN khi đầu tư ra nước ngoài cần lưu ý yếu tố về phong tục này.
Ngoài những rủi ro về tranh chấp đất đai, còn một số rủi ro khác do chính bản thân DN tạo ra. Chẳng hạn như thực trạng DN Việt bị “cò” lừa đảo khi đầu tư một dự án nào đó ở nước ngoài. Theo bà Phượng, sở dĩ có thực trạng này là do nhiều DN Việt Nam khi sang đầu tư tại các nước khác không thông báo với các cơ quan quản lý, các Tham tán thương mại, đến khi phát hiện lừa đảo mới liên lạc với các nhà chức trách để kêu cứu, thì lúc đó rất khó hỗ trợ.
“Việc lừa đảo thường rất tinh vi và phần lớn thông qua các quan hệ cá nhân có quen biết. Các “cò” dự án thậm chí còn phô-tô đầy đủ cả bộ hồ sơ, bản đồ đất đai của dự án để bán lại cho các DN Việt Nam. Nhiều chủ DN nhẹ dạ bỏ ra hàng triệu USD để mua dự án nhưng khi sang tới nơi mới biết dự án không có thật hoặc thuộc sở hữu của đơn vị khác”- bà Phượng nêu lên thực trạng và cho hay, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam đã từng phải gửi thư cảnh báo về thực trạng lừa đảo này.
Trước hàng loạt các rủi ro có thể ập đến với các DN khi đầu tư ra nước ngoài, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế (VCCI) khuyến cáo, các DN Việt Nam cần nắm bắt rõ thông tin về pháp luật của nước sở tại cũng như phong tục tập quán của người dân bản địa- những khu vực vùng miền mà các DN hướng đến.
Bên cạnh đó, để tránh những tình trạng bị sập bẫy bởi các dự án “ma”, giới chuyên gia cũng cho rằng, các DN cần chủ động liên hệ với cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại thay vì “âm thầm” đầu tư như hiện nay đến khi bị mất trắng mới cầu cứu đến nhà quản lý thì đã muộn.
Đã xảy ra tình trạng DN Việt bị “cò” lừa đảo khi đầu tư một dự án nào đó ở nước ngoài. Sở dĩ như vậy là do DN khi sang đầu tư tại các nước khác không thông báo với các cơ quan quản lý, các Tham tán thương mại, đến khi phát hiện lừa đảo mới liên lạc với các nhà chức trách để kêu cứu, thì lúc đó rất khó hỗ trợ. |