Nỗi buồn phim Tết
Quảng cáo rầm rộ kết hợp với những chương trình ra mắt phim hoành tráng nhưng doanh thu các bộ phim Việt Nam trong dịp Tết vừa qua vẫn là những con số “buồn”. Trong đó, nguyên nhân chính theo nhiều nhà làm phim là khái niệm “phim Tây, phim Ta” đã ăn sâu vào thị hiếu của khán giả Việt.
Cảnh trong phim hài “Chạy đi rồi tính”.
Cụ thể, theo số liệu từ các đơn vị phát hành vừa công bố trong dịp Tết vừa qua thì doanh thu 4 bộ phim Việt chiếu rạp gồm “Rừng xanh kỳ lạ truyện”, “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh KungFu”, “Bạn gái tôi là sếp”, “Nàng tiên có 5 nhà” hoàn toàn lép vế với các bộ phim nước ngoài.
Trong đó, xếp đầu bảng về doanh thu là phim “xXx: Return of Xander Cage” với doanh thu hơn 40 tỷ đồng. Tiếp đến là bộ phim “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” cũng có mức doanh thu xấp xỉ.
Đứng thứ ba là đại diện của Việt Nam “Nàng tiên có năm nhà” với doanh thu gần 30 tỷ đồng và thứ tư là Kungfu Yoga với hơn 20 tỷ đồng. “Bạn gái tôi làm sếp” đạt doanh thu gần 20 tỷ. Đứng cuối bảng xếp hạng là 2 bộ phim của Việt Nam là “Rừng xanh kỳ lạ truyện” và “Lục Vân Tiên – Tuyệt đỉnh Kungfu”.
Tuy nhiên, kết quả doanh thu trên cũng phần nào phản ánh thị trường phát hành phim Việt hiện nay. Đơn cử, bộ phim hài “Chạy đi rồi tính” theo kế hoạch ban đầu sẽ trình làng đúng ngày mồng 1 Tết phải phát hành sớm ngay từ ngày 30/12/2016.
Trước đó nhiều phim khác cũng vội vàng ra mắt sớm so với kế hoạch ban đầu như “Vệ sĩ Sài Gòn”, “Sứ mệnh trái tim” và “4 năm, 2 chàng trai, 1 tình yêu”, “Chờ em đến ngày mai”…
Và thực tế, việc “tránh Tết” đã mang đến nhiều “quả ngọt” cho nhiều bộ phim khi tránh được sự cạnh tranh lớn từ các bộ phim “bom tấn”. Đơn cử, như bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” của đạo diễn Ngô Thanh Vân.
Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan, trong 5 phim Việt Nam chiếu trước và trong dịp Tết Đinh Dậu, chỉ 1 phim hòa vốn, 4 phim còn lại doanh thu thấp, rất thấp, thậm chí có phim “mất trắng” sau khi trừ các chi phí.
Việc dán nhãn phân loại phim có hạn chế đối tượng khán giả xem phim nhưng nguyên nhân chính vẫn là chất lượng chưa đủ sức thu hút người xem.
Việc thẩm định, đánh giá chất lượng phim được chấm theo 3 thang điểm: Loại 1 (từ 5-6,5 điểm); Loại 2 (từ 6,6- 8,5 điểm); Loại 3 (từ 8,6 đến 10 điểm). Phim Tết các năm trước hầu hết chất lượng đạt loại 2. Năm nay, các phim chỉ đạt loại 1 (5-6 điểm), mặc dù sử dụng nhiều chiêu trò.
Bên cạnh đó, so với các năm trước thì nội dung các bộ phim Việt ra rạp trong dịp Tết vẫn chỉ “quẩn quanh” với nội dung hài.
Cùng với đó, những cái tên diễn viên được cho sẽ “bảo chứng doanh thu” như Hoài Linh, Thu Trang, Chí Tài… đã tạo nên những hiệu ứng ngược. Bởi trong suốt năm qua hầu hết các diễn viên, nghệ sĩ này xuất hiện nhiều trên các games show truyền hình đã khiến khán giả cảm thấy nhàm chán.
Còn nhớ mùa phim Tết 2016, phim Việt đã “thất thủ” ngay trên sân nhà trước sức nóng của những bộ phim ngoại nhập, khi đó quán quân phòng vé thuộc về “Mỹ nhân ngư” của Trung Quốc. Với cách làm phim hiện nay, làm thế nào để áp đảo được phim ngoại, câu hỏi vẫn chưa có lời giải.