Giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi: Sớm sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp thực tế
Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu trong công tác giảm nghèo được bạn bè quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên kết quả giảm nghèo còn thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 70%, một bộ phận đồng bào vẫn còn thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt; chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số rất thấp, đa số lao động chưa qua đào tạo; tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng người dân tộc thiểu số trên một vạn dân chỉ bằng 1/4 so với tỷ lệ ở vù
Sự chồng chéo về chính sách là nguyên nhân khiến việc thực hiện giảm nghèo ở vùng dân tộc và miền núi gặp nhiều khó khăn.
Tỷ lệ nghèo cao
Trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản thực hiện chính sách đầu tư phát triển bền vững và sử dụng nguồn lực như: chính sách phát triển dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư, giao đất giao rừng; thực hiện các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững đối với vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN).
Trong giai đoạn 2011 – 2015, ngân sách nhà nước đã đầu tư 135.879,5 tỷ đồng, chiếm 12,8% kinh phí đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tuy chưa đáp ứng được nhu cầu nhưng so với giai đoạn trước, ngân sách nhà nước đầu tư cho vùng DTTS và MN đã tăng lên.
Ngoài vốn trong kế hoạch hằng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 939/NQ-UBTVQH13 bố trí thêm 5.399 tỷ đồng từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2014 để thực hiện chính sách an sinh xã hội, trong đó có nhiều chính sách thực hiện trên địa bàn vùng DTTS và MN: hỗ trợ chính sách định canh, định cư, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chính sách cho vay đối với đồng bào DTTS.
Ngoài nguồn lực được đầu tư từ ngân sách nhà nước, vùng DTTS và MN còn được hỗ trợ từ các dự án ODA về xóa đói, giảm nghèo, tăng cường năng lực, xây dựng hạ tầng thiết yếu như: các dự án của WB về giảm nghèo, giao thông nông thôn, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng của JICA, ADB, nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình 135 của Ireland, EU, Phần Lan...
Song dù vậy kết quả giảm nghèo còn thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 70%, một bộ phận đồng bào vẫn còn thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt; chất lượng nguồn nhân lực các DTTS rất thấp, đa số lao động chưa qua đào tạo; tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng người DTTS trên một vạn dân chỉ bằng 1/4 so với tỷ lệ ở vùng phát triển; vẫn còn 16 dân tộc chưa có con em học đại học.
Tỷ lệ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị có chiều hướng giảm; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các xã nghèo, xã ĐBKK còn thiếu cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh và cán bộ y tế. Người có BHYT tại vùng DTTS và MN vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế.
Đáng chú ý qua kết quả điều tra kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2015, thấy rằng nhiều vấn đề nổi lên đáng lo ngại như tỷ lệ nghèo DTTS 23,1%, cận nghèo 13,6%, cao gấp 4 lần so với mức bình quân chung của cả nước.
Tỷ lệ tảo hôn DTTS 26,6% trong đó có 19 dân tộc trên 40%, cao nhất 73%; tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, không biết viết chữ phổ thông là 20,8%, có 6 dân tộc trên 50%, cao nhất là 65,6…
Cần có chính sách riêng biệt
Theo Ủy ban Dân tộc, những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là thiếu văn bản quy phạm pháp luật ở tầm luật, làm công cụ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.
Cụ thể qua rà soát hệ thống chính sách pháp luật về lĩnh vực dân tộc hiện nay được ban hành khá đầy đủ, toàn diện và bao quát hầu hết các lĩnh vực của vùng DTTS và MN. Cơ chế xây dựng pháp luật, chính sách từng bước thay đổi cách thức tiếp cận theo hướng chuyển dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, hỗ trợ người dân tự vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên quy trình xây dựng các chính sách dân tộc còn nhiều bất cập, nhất là khâu phát hiện vấn đề, nắm bắt nhu cầu thu thập thông tin, phương pháp tổ chức xây dựng nội dung chính sách.
Đặc biệt thiếu cơ chế huy động các chuyên gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực và người dân tham gia xây dựng chính sách... Do đó, hệ thống chính sách có tính ổn định không cao, chưa quy định cơ chế tài chính đảm bảo thực hiện, hiệu lực pháp lý thấp.
Một số chính sách không phù hợp với vùng DTTS và MN nên chưa tạo ra cơ chế hữu hiệu để triển khai thực hiện các chính sách dân tộc có hiệu quả
Thực tế hiện nay hầu hết các địa phương vùng DTTS và MN có tỷ lệ hộ nghèo cao, không có khả năng bố trí nguồn vốn để thực hiện các chính sách dân tộc, chủ yếu dựa vào nguồn vốn Trung ương nên việc lồng ghép nguồn lực của các chương trình, đề án, chính sách còn khó khăn, hiệu quả chưa cao.
Để thể chế hóa một cách đầy đủ, toàn diện đường lối, chủ trương của Đảng và các quy định của Hiến pháp về lĩnh vực dân tộc, chính sách dân tộc, đảm bảo thực hiện các điều ước và cam kết quốc tế, trên cơ sở pháp điển hóa các quy định của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, Ủy ban Dân tộc cho rằng cần thiết phải xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Việc xây dựng khung pháp lý đủ mạnh sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập và những khoảng trống của pháp luật hiện hành về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Hình thành cơ chế đồng bộ, thống nhất, điều chỉnh toàn diện chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS và MN.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban Dân tộc xác định cần tiếp tục đổi mới công tác dân tộc, hệ thống chính sách dân tộc một cách toàn diện. Ban hành chính sách tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội vùng DTTS và MN, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; phấn đấu hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 3 đến 4%.