Khát vọng vươn tầm cho quê hương
Quyết định bỏ dở công việc đang đà thăng tiến tại một công ty, với mức lương lên đến hơn 100 triệu đồng/tháng, Huỳnh Hạnh Phúc là cái tên được nhắc đến nhiều trong phong trào khởi nghiệp, khi anh tự gây dựng một hướng đi “khác người” nhưng lại dành cho tất cả mọi người…
Huỳnh Hạnh Phúc mong muốn “Teach For Vietnam” sẽ gia tăng cơ hội giáo dục cho trẻ em Việt Nam.
Về nước cống hiến
Phúc xuất thân từ một gia đình giáo chức khó khăn ở Bình Định. Dù vậy, với tinh thần hiếu học và nỗ lực không ngừng, Phúc nhận được học bổng toàn phần cao học ở Đại học Missouri (Mỹ), sau đó hoàn thành chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại đây. Chưa dừng lại ở đó, anh còn tiếp tục được cấp học bổng tại Đại học Harvard, để lấy thêm tấm bằng thạc sĩ chính sách công (MPP).
Với thành tích đáng nể như vậy, hoàn toàn không quá bất ngờ khi trở về nước, Phúc đã được nhận ngay vào làm ở Intel Việt Nam tại TP HCM, với mức lương hơn 100 triệu đồng/tháng.
Làm được một năm, Phúc nghĩ đến một ý tưởng “khác người”, anh muốn làm một điều gì đó lớn lao hơn cho đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục của nước nhà. Phúc không ngần ngại bỏ dở dang công việc đang trên đà thăng tiến để thực hiện ý tưởng lớn của mình.
“Cuộc sống của tôi thật may mắn. Tôi có cơ hội được học tập với những giáo viên xuất sắc và truyền cảm hứng ở cả Việt Nam và Mỹ. Với hành trang của mình tôi muốn đóng góp năng lực nhỏ bé để cải thiện nền giáo dục Việt Nam. Hơn thế nữa, tôi ước mong thu hút thêm nhiều tài năng đến từ nhiều lĩnh vực dành trọn bàn tay, trái tim và khối óc cho giáo dục”, Phúc chia sẻ.
Anh kể, vào đầu tháng 10 năm 2015 biết đến “Teach For All” và làn sóng giáo dục này ở 40 nước trên thế giới, với ý tưởng mang lại cơ hội giáo dục công bằng đến cho mọi trẻ em thông qua việc tuyển chọn và phát triển những nhà lãnh đạo trẻ đến dạy toàn thời gian ở những lớp học khó khăn trong 2 năm, với cách thức chủ động, sáng tạo. Sau đó là các nỗ lực trong suốt cuộc đời để tăng cơ hội giáo dục cho mọi trẻ em. Nhận thấy triết lý và cách thức tiếp cận này rất tiềm năng, Phúc đã chủ động liên hệ với “Teach For All”, mong muốn khởi động chương trình này ở Việt Nam.
“Tôi đã bỏ công việc hiện, bắt đầu dấn thân vào hành trình giáo dục này”.
Ba tháng sau, Phúc ký kết Bản ghi nhớ với “Teach For All”. Điều này đồng nghĩa với việc “Teach For All” nhìn thấy các tiềm năng ở anh và nhóm cộng sự, bắt đầu cho quá trình thành lập “Teach For Vietnam”. Hành trình nhiều thử thách này bắt đầu từ tháng 10/2015.
Huỳnh Hạnh Phúc.
Sáng kiến “Tech For Vietnam”
Huỳnh Hạnh Phúc rất tự tin kỳ vọng “Tech For Vietnam” sẽ đưa đến một chương trình uy tín về giáo dục “hạt giống lãnh đạo trong giáo dục phổ thông”, thông qua đó truyền đạt học sinh phương pháp, kỹ năng mới và chia sẻ các kinh nghiệm kỹ năng thế kỷ 21. Về lâu dài, các hạt giống trẻ sẽ phát triển thành các lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục, cũng như gia tăng các cơ hội giáo dục cho tất cả trẻ em Việt Nam.
Phúc cùng nhóm cộng sự của “Tech For Vietnam” nhận thấy rằng, quá trình dạy và học hiện còn mang nhiều tính thụ động. Thậm chí, các dự báo đã cho thấy đến năm 2020, giáo viên trong hệ thống thừa 70.000 người, nhưng chất lượng giáo dục vẫn còn bất cập.
Hiện chỉ có 50% trẻ em nghèo học hết THCS so với 80% trẻ em đến từ gia đình có thu nhập khá trở lên. Số trẻ em dân tộc thiểu số hoàn thành THPT chỉ bằng 1/3 trẻ em dân tộc Kinh.
Đói nghèo, nhận thức, nhu cầu của gia đình, và thiếu sự quan tâm của giáo viên dẫn đến việc học sinh không ưu tiên việc học tập. Ngoài ra, khả năng áp dụng và giao tiếp bằng tiếng Anh thấp, đặc biệt học sinh ở những vùng khó khăn.
Từ thực trạng trên, Huỳnh Hạnh Phúc cùng các cộng sự nghĩ đến việc sẽ đào tạo kỹ năng sư phạm và kỹ năng mềm cho các giáo viên trong nước thông qua “Tech For Vietnam”. Sau đó, dự án sẽ đưa đến dạy một số môn học toàn thời gian, bước đầu là môn Tiếng Anh tại các trường tiểu học và THCS ở các vùng khó khăn trong 2 năm.
Phúc tin rằng, nếu nhiều nhân lực giỏi từ đa ngành cùng hướng vào giúp đỡ giáo dục thì ngành giáo dục Việt Nam sẽ có nhiều bước tiến rất lớn”. Anh cho biết tin vui là vào ngày 23/5/2016 vừa qua Bộ trưởng Bộ Giáo dục của 10 nước ASEAN đã thông qua một thoả thuận nhằm đưa vào Kế hoạch giáo dục 2016-2020 phương pháp tiếp cận của “Teach For All” và phát triển nó trong khu vực.
Điều này có nghĩa trong vòng 4 năm tới, Teach For All sẽ tham gia cùng với Thư ký ASEAN và các nước thành viên để đi đến hợp tác trong 4 lĩnh vực: thúc đẩy nhận thức về vai trò của người đi tiên phong trong giáo dục; hướng dẫn, hỗ trợ chính sách và phương hướng giảng dạy; các cơ hội để hỗ trợ vốn; trao đổi kiến thức và nguồn lực giữa các thành viên.
Riêng “Teach For Vietnam” đến nay đã được nhiều nhà kinh tế, chuyên gia hàng đầu tham gia trong vai trò cố vấn, như: TS Huỳnh Thế Du (giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright); ông Lê Phụng Hào (Phó Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TP HCM); Lê Hồng Phúc (Phó Tổng giám đốc Novaland); ông Bùi Tiến Huân (ĐH Khoa học Huế);…
Những tin vui đến dồn dập, Hạnh Phúc vẫn giữ nụ cười giản dị của mình, khi tự hào là một trong số những người mang “Teach For Vietnam” đến với ngành giáo dục nước nhà.
Ông Nguyễn Đình Kiền (kế toán trưởng Intel Việt Nam) đã nhận xét người đồng nghiệp cũ của mình tại Intel rằng, Phúc có nhiệt huyết, thông minh và luôn có tư duy tích cực. Đó là những điều rất hiếm có trong xã hội và chính ông Kiền cũng là một trong những “mạnh thường quân” tích cực của “Teach For Vietnam” thời gian qua.
Nói về dự định của mình và các cộng sự với “Teach For Vietnam”, Hạnh Phúc cho biết, trong tháng 1 năm 2017, dự án sẽ hoàn thành mục tiêu gây quỹ khoảng 1 tỉ VND, đã được Chính phủ chấp thuận. Đến tháng 2 sẽ tuyển dụng thêm các nhân sự cấp cao, từ đó chạy chương trình tuyển dụng fellow và các hoạt động marketing và branding. Phúc tin rằng, năm 2017 sẽ là năm “Teach For Vietnam” được đông đảo cộng đồng biết đến nhiều hơn, cũng đồng nghĩa với việc cơ hội sẽ được trao nhiều hơn cho trẻ em tại các vùng khó khăn, nơi không có điều kiện tiếp cận các chương trình học phổ thông theo lứa tuổi… |