Chính trường Đức trước kỳ bầu cử
Chính phủ mới của nước Mỹ không chỉ gây ra những sự bất ngờ ở trong nước, mà ngay cả ở nước Đức, đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU). “Hiện tượng” Tổng thống Trump đang làm dấy lên làn sóng dân túy mạnh mẽ ngay trước khi kỳ bầu cử nước Đức được tổ chức.
Sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Angela Merkel suy giảm trước kỳ bầu cử (Nguồn: Reuters).
Động lực mới
Điều đang diễn ra ở nước Đức hiện nay cũng tương tự như “hiện tượng” của ông Trump ở nước Mỹ và là điều chưa từng có tiền lệ: Giới chính trị gia có quan điểm dân tộc ngày càng thu hút được sự ủng hộ của cử tri.
Trong tuần qua, các bản thăm dò cử tri ở Đức đã cho thấy đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã bật dậy mạnh mẽ dưới thời lãnh đạo Martin Schultz, cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu và mới giữ vị trí lãnh đạo đảng này hồi tháng trước nhưng giờ đã bất ngờ trở thành một ngôi sao chính trị có đủ sức mạnh để đương đầu với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong kỳ bầu cử sắp tới.
Trong một đất nước đã trở thành một ví dụ đau đớn của thời kỳ trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan trước kia, ông Schultz đang xây dựng một chiến dịch tranh cử với động lực lấy từ việc công kích Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mới đây, ông Schultz đã đưa ra một bài phát biểu đặc biệt lên án các hành động của lãnh đạo Mỹ.
“Chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ các giá trị của mình, sự tự do và dân chủ, dù đang phải đối mặt với thách thức nào đi nữa”- ông Schultz nói. “Tổng thống Mỹ muốn xây dựng nhiều bức tường, nghĩ về việc tra tấn và công kích phụ nữ, các cộng đồng tôn giáo, người thiểu số, người tàn tận, nghệ sỹ và giới trí thức bằng những bình luận nguy hiểm”.
Quan điểm công kích Trump của ông Schultz được đưa ra trong bối cảnh mà người dân Đức đang đặt ra nhiều câu hỏi hơn bao giờ hết về sức mạnh của nước Mỹ kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nó thể hiện rõ niềm tin suy sụp giữa hai đồng minh trong thời kỳ có tên gọi “Nước Mỹ là trên hết” mà ông Trump vạch ra.
Một thăm dò mới đây cho thấy, chỉ có 22% người Đức nhìn nhận nước Mỹ dưới thời ông Trump là một “đối tác đáng tin cậy”- tức chỉ hơn nước Nga có 1%.
Trong lúc các phong trào dân tộc, dân túy ở Anh và Pháp còn đang trong tình trạng lộn xộn, thì ở Đức, làn sóng dẫn đầu bởi ông Schulz đã tỏ ra thành công, và trong tuần trước đã bứt phá vượt qua đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua.
Kỳ bầu cử Thủ tướng ở nước Đức phải đến tháng 9 tới mới diễn ra, nhưng hiện nay giới phân tích chính trị đã dự đoán rằng SPD, dưới sự lãnh đạo của ông Schultz, đang có cơ hội để giành quyền lực kể từ sau khi ông Gerhard Schroder bị bà Merkel đánh bại trong kỳ bầu cử năm 2005.
“Có nhiều nhân tố khác nhau đã đến với SPD”- Ralf Stegner, Phó chủ tịch đảng SPD nói. “Ông Schultz đã khơi dậy động lực mới, cùng lúc, Tổng thống mới của nước Mỹ cũng khiến cho dư luận nước Đức hoạt động mạnh mẽ hơn và tỏ nên thận trọng hơn”.
Dù không nêu đích danh, Thủ tướng Merkel, người có lẽ có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Barack Obama hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác trên thế giới, đã chỉ trích Tổng thống Trump- đặc biệt là về lệnh cấm nhập cảnh đối với người tị nạn.
Thế nhưng chính nước Đức lại đang phải chứng kiến một làn sóng dân tộc chủ nghĩa, với tư tưởng “Nước Đức trên hết”, ngày càng lan rộng. Trong lúc các đảng cực hữu hay các đảng có tư tưởng biệt lập trỗi dậy ở nhiều phần châu Âu, thì đảng dân túy lớn nhất ở Đức - Sự Thay thế cho nước Đức (AfD)- đã suy yếu trong các cuộc thăm dò kể từ sau khi ông Trump đắc cử.
Cùng lúc, các đảng cánh tả ở Đức bỗng nhiên trỗi dậy xét về số thành viên tham gia. Cũng có nhiều tín hiệu cho thấy chiến thắng của ông Trump đang giúp các cử tri có xu hướng thiên về cánh tả ở nước Đức hoạt động tích cực hơn.
Bà Merkel và ông Martin Schultz (Nguồn: Die Welt).
Sự thay đổi của cử tri
Gần 64% người dân Đức nói rằng họ không muốn Angela Merkel tái đắc cử chức Thủ tướng, theo cuộc thăm dò của hãng YouGov công bố hôm 15/2. Trong khi đó, đảng SPD đang tiến lên nhanh chóng, dù trước đó nhiều dự đoán cho rằng tỷ lệ ủng hộ họ sẽ không cao.
Kết quả thăm dò cho thấy, 2/3 người dân Đức không đồng tình với bà Merkel, 42% nói rằng họ không muốn bà tiếp tục giữ chức Thủ tướng, trong khi 22% nói rằng sẽ là ý tưởng tốt khi lựa chọn một vị lãnh đạo mới. Ngược lại, 19% cho rằng sẽ là tốt nhất nếu bà Merkel tiếp tục lãnh đạo, trong khi 8% mạnh mẽ ủng hộ bà tiếp tục cầm quyền.
Thăm dò trên cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng giành chiến thắng của đảng CDU khi bà Merkel đứng ra tranh cử - với 35% người Đức tham gia thăm dò cho rằng CDU không thể chiến thắng, và 19% nói điều ngược lại.
Trong khi đó, giới phân tích chính trị đã bất ngờ khi nhận thấy đảng SPD đã nhanh chóng gia tăng tỷ lệ ủng hộ. Tháng 12 năm ngoái, đảng SPD dẫn đầu bởi ông Martin Schultz đã đạt được tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục chỉ với 20% và không hề có hy vọng bứt phá. Nhưng tỷ lệ này đã gia tăng nhanh chóng kể từ đó, và ông Schultz còn hứa hẹn sẽ gia tăng tỷ lệ này thông qua các chính sách ngoại giao và an ninh của ông.
Bà Kirstina Seidler, một bà mẹ 28 tuổi sinh sống ở Dusseldorf, hiện đang làm cố vấn cho một công ty may mặc. Bà đã từng bỏ phiếu cho đảng SPD trước kia, nhưng sau khi ông Trump đắc cử, bà đã đăng ký để trở thành một thành viên và tình nguyện viên của đảng này.
Lo sợ trước chiến thắng của ông Trump, bà Seidler nói rằng bà nhận thấy đảng cánh tả truyền thống là lựa chọn duy nhất của mình và đang chuẩn bị các tấm áp-phích để hỗ trợ chiến dịch của đảng SPD trong mùa tranh cử.
“Thế giới nhận ra tín hiệu nào khi mà một người đàn ông phân biệt chủng tộc, đối xử tệ với phụ nữ, có thể trở thành Tổng thống của nước Mỹ?”- bà Seidler nói với tờ Washington Post. “Tôi nghi, đã đến lúc để làm điều gì đó”.
Bà Merkel lo lắng
Có lẽ nhân tố mang tới sự thành công lớn nhất cho đảng SPD chính là ông Schultz. SPD vốn là một phần trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Merkel, và một số nhân vật lớn của đảng này cũng nắm giữ các vị trí trong nội các của Đức. Nhưng sự nổi tiếng của nó lại bị kìm hãm bởi các thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Dưới thời chủ tịch cũ, Sigmar Gabriel- Ngoại trưởng của bà Merkel- đảng SPD đã phải rất khó khăn để tự tách biệt họ với chính phủ hiện tại.
Nhưng dưới thời ông Schultz, người mới nhậm chức chủ tịch đảng SPD hồi tháng trước và là ứng viên của đảng này ra tranh cử, ông đã tự nhận minh là một “người ngoài” và có thể khuấy đảo Berlin.
Là một công dân 61 tuổi chưa từng hoàn thành chương trình học ở trường trung học, ông Schultz nhấn mạnh về sự khiếm khuyết đó của bản thân và thường xuyên nói một cách hết sức thoải mái về quá trình bỏ rượu đầy gian nan của ông.
Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu tại địa phương khi trở thành Thị trưởng của thành phố Wurselen trước khi được bầu cử vào Nghị viện châu Âu năm 1994. Từ đây, ông đã liên tục trỗi dậy như một chính trị gia có uy tín trong việc thúc đẩy sự đoàn kết của châu Âu, các vấn đề nhân quyền và pháp lý; trở thành Chủ tịch của nghị viện châu Âu vào năm 2012.
Trong khi đó, giới phê bình cho rằng ông Schultz có điểm tương đồng với ông Trump ít nhất ở một vấn đề: Ông là người nói năng quá thẳng thừng, người từng chỉ trích thẳng mặt giới chính trị kỳ cựu trong khi lại tôn trọng những người dân bình thường hơn.
Ông cũng có kiểu ăn nói có phần lỗ mãng, trái ngược hẳn với phong cách nói thận trọng nổi tiếng của Thủ tướng Merkel. “Cái cách mà ông ta gây ra sự chia rẽ trong xã hội Đức hiện nay theo kiểu dân túy có gì đó tương tự như những gì từng diễn ra trong chiến dịch tranh cử ở Mỹ”- Bộ trưởng Tài chính Đức, Wolfgang Schauble, nói với tờ Der Spiegel hồi tuần trước.
Trong cuộc tranh giành tầm ảnh hưởng trong chính phủ liên minh, ông Schultz có nhiều lựa chọn con đường tiến tới chức vị Thủ tướng nếu như đảng của ông duy trì được động lực như hiện nay. Giới phân tích cho rằng viễn cảnh đó khó xảy ra, nhưng sự trỗi dậy của Schultz trong cộng đồng cử tri Đức đã chỉ ra rằng bà Merkel có khả năng bị đánh bại.
Chính sách mở cửa với người tị nạn mà Thủ tướng Merkel thực thi đã mang tới cho bà không ít lời chỉ trích nặng nề từ những chính trị gia có tư tưởng bảo thủ trong chính đảng CDU của bà.
Sự do dự của bà Merkel trong việc xử lý các vấn đề của nước Đức cũng khiến nhiều người không hài lòng. Mới đây, chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Công giáo, Horst Seehofer, còn hoan nghênh tân Tổng thống Mỹ là người đã thực thi đúng những lời cam kết mà ông đưa ra từ hồi thực hiện chiến dịch, trái ngược với bà Merkel.
Chính những điều đó hình như đã tạo ra những bất lợi cho bà Merkel.