Rượu-Coi chừng mất mạng
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu ngày 15/2 của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy, 3 mẫu rượu lấy tại vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol là 970 mg/l cồn 1000, 556.000 mg/l cồn 1000 và 475.000 mg/l cồn 1000 (trong khi chỉ với mức trên 20mg/ml máu đã được ghi nhận là ngộ độc methanol).
Ảnh minh họa.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn (QCVN 6-3:2010/BYT) và Tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng (TCVN 7043:2013), hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100 mg/l cồn 1000.
Như vậy, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol của 3 mẫu rượu này vượt ngưỡng cho phép hàng chục lần. Do vậy, bước đầu xác định nguyên nhân gây tử vong do sử dụng rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép.
8 người chết, hàng chục người nhập viện
Chiều 16/2, đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai bao gồm các chuyên gia đầu ngành nhiều chuyên khoa khác nhau đã tới làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu.
UBND tỉnh Lai Châu cho biết tính đến ngày 18/2, tổng số ca nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi ăn cỗ đám ma tại tỉnh Lai Châu đã lên tới 69 ca, trong đó có 8 ca tử vong, gồm 7 ca tử vong đã được báo cáo, và 1 ca tử vong vào trưa ngày 15/2.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung tâm y tế huyện, kết quả xét nghiệm chất methanol trong máu của do Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho thấy có 1 ca âm tính, 1 ca nồng độ thấp (<20 mg/dL), 8 ca có nồng độ methanol trong máu rất cao.
Trường hợp cao nhất lên tới 326 mg/dL. Các nạn nhân này hầu hết là nam giới có tuổi trung niên người dân tộc Hà Nhì, ở tại bản Tà Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ.
Theo đó, ngày 10/2, gia đình ông Phu Vần Lẻng (60 tuổi, dân tộc Hà Nhì, ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu) tổ chức ăn cơm uống rượu.
Đến tối, ông Lẻng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong lúc 22 giờ cùng ngày. Sau khi ông Lẻng tử vong, gia đình tổ chức hậu sự, nhân dân trong bản đến ăn cơm, uống rượu trong các ngày 11, 12, 13/2 theo phong tục địa phương. Ngày 13/2 đã xảy ra hiện tượng nhiều người bị đau đầu, đau bụng, buồn nôn, giãn đồng tử rồi tử vong.
Trước đó, theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, tại Trung tâm Chống độc trong những ngày Tết, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu gia tăng đột biến, có ngày có tới 4 bệnh nhân nhập viện, tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Đàm Chính- Trung tâm Chống độc cho biết, mùng 4 Tết, có một bệnh nhân nam 57 tuổi ở Mỹ Hào (Hưng Yên) tử vong nghi ngộ độc rượu pha methanol.
Trước đó, ngày mùng 3 Tết, bệnh nhân uống nhiều rượu tại nhà, sau đó rơi vào trạng thái hôn mê từ sáng mùng 4 Tết. Bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Chống độc trưa cùng ngày.
Các bác sĩ đã tiến hành lọc máu, dùng thuốc trợ tim nhưng tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu đi, huyết áp tụt và gia đình đã xin bệnh nhân về đêm mùng 4.
Trong 6 ngày Tết vừa qua, mỗi ngày Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận 100 bệnh nhân từ khắp nơi chuyển đến. Đáng lưu ý trong số đó có nhiều bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, tất cả đều có tiền sử nghiện rượu trên các nền bệnh lý mạn tính, có người uống 1 lít/ngày gây xơ gan và các bệnh lý dạ dày, thực quản.
Vì sao rượu có methanol gây chết người?
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định trong thực tế không thể có được một tiêu chuẩn chung uống bao nhiêu là có hại bởi vì nguy cơ do uống rượu bia khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác nhau của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu bia khác nhau.
Nói một cách khác, không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả đối với sức khỏe nhất định.
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên- Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, hầu như ngày nào trung tâm này cũng tiếp nhận các ca ngộ độc rượu vào điều trị, đặc biệt là các dịp lễ tết.
Theo BS Nguyên, rượu cồn công nghiệp nguy hiểm bởi khởi đầu loại này có tác dụng tương tự như rượu thông thường (sản xuất từ cồn thực phẩm ethanol) nhưng vào cơ thể, cồn này được chuyển hóa trở thành các a xít gây tổn thương các tế bào đặc biệt là ở mắt, não hay hoại tử các tế bào não, tế bào thần kinh thị giác ở mắt nên gây mù vĩnh viễn.
Khi có biểu hiện ngộ độc với các triệu chứng như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ,chậm chạp, hôn mê) thì đã nặng. Cụ thể, đối với các bệnh nhân bị ngộ độc rượu ở Lai Châu vừa qua đều để lại di chứng, nhẹ thì giảm thị lực, nặng thì có thể bị mất trí nhớ.
Theo Cục Y tế dự phòng, khi vào cơ thể cồn (ethanol) trong rượu chuyển hóa thành acetaldehyde là chất độc cho cơ thể. Nếu chỉ uống rượu, bia với số lượng nhỏ thì cơ thể có thể dung nạp hết, với khả năng trung bình khoảng 10 gam cồn (tương đương 1 đơn vị cồn) tương đương 1 ly rượu nhỏ hoặc một cốc bia hơi mỗi giờ. Nhưng nếu uống quá mức dung nạp, chất độc này sẽ bị tồn lại trong gan gây độc cho cơ thể.
Trên thực tế, theo các bác sĩ, không chỉ có bệnh nhân bị ngộ độc rượu cồn công nghiệp mà còn có tình trạng bệnh nhân bị ngộ độc phải nhập viện do lạm dụng rượu.
Nhiều người uống rượu nhưng không ăn gây hạ đường huyết, nếu hạ đường huyết nặng có thể gây tổn thương não do thiếu năng lượng được nuôi dưỡng.
Để phòng ngộ độc rượu nên hạn chế uống rượu, nếu uống thì phải chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trường hợp người uống rượu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không đáp, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… là biểu hiện ngộ độc, cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Theo BS Lương Quốc Chính- Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tuỳ thuộc vào số lượng mà bệnh nhân uống.
Thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bệnh nhân chủ quan và bỏ qua.
Về hệ thần kinh, lúc đến viện thường tỉnh táo và kêu đau đầu, chóng mặt, sau đó quên, bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật.
Với mắt, lúc đầu chưa biểu hiện, sau đó nhìn mờ, sợ ánh sáng, đau mắt, song thị, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, nhìn thấy đường hầm,...). Đồng tử giãn cố định là dấu hiệu của ngộ độc nặng và tiên lượng xấu.