Bí ẩn Thung Nham
Vườn chim Thung Nham (Ninh Bình) níu chân du khách bởi không gian hùng vĩ, khu đầm nước xanh trong và nổi bật giữa nền trời là bạt ngàn những cánh chim thỏa sức bay liệng trên mặt nước...
Đi thuyền vào vườn chim.
Ấn tượng đầu tiên về Thung Nham giống như một thung lũng xanh bạt ngàn trải dài, uốn mình qua những dãy núi đá vôi phủ màu xanh mát mắt của dải rừng nhiệt đới, của dòng xanh và những trảng cỏ mềm mại xanh mướt.
Khu du lịch sinh thái này rộng 34ha, nằm ở thôn Đông Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nằm sâu trong vùng lõi của quần thể danh thắng Tràng An.
Vài năm trở lại đây điểm đến mới nổi Thung Nham ngày càng thu hút du khách bởi vẻ hoang sơ và bí ẩn. Đặc biệt, nơi đây được mệnh danh là xứ sở của các loài chim.
Thung Nham, còn được gọi là Thung Chim vì đây là nơi có hàng nghìn con chim thuộc gần 40 loài tụ hội về làm tổ cư trú.
Nét đặc sắc nhất ở Thung Nham là vườn chim nằm ở trên một vùng ngập nước, nơi có nhiều cây xanh, những bụi lau, sậy rậm rạp thích hợp để các loài chim làm tổ, sinh sống.
Chúng tôi chọn cách đến Thung Nham bằng thuyền lách qua những rặng cây xanh, thuyền dừng lại ở điểm chỉ cách trung tâm vườn chim chừng 100 mét.
Từ chòi quan sát, một cảnh tượng kỳ thú dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Những đàn chim trời sau một ngày đi kiếm ăn đã dần trở về đậu trắng trên các ngọn cây, lũy tre.
Thung Nham, nơi đất lành chim đậu.
Chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng có thể làm hàng ngàn con chim giật mình, chúng bay qua đỉnh núi rồi chao liệng theo một vòng cung đẹp mắt trước khi sà xuống, đậu trắng xóa trên những ngọn cây khác.
Du khách sẽ nghe thấy âm thanh vang rộn của cò, vạc... vang khắp khu vườn rất vui tai. Vườn chim Thung Nham là nơi tụ hội của nhiều loài chim như cò, vạc, sáo, le le…, nhiều nhất là cò trắng. Càng về chiều, chim tụ hội về càng đông và đậu trắng xóa trên những ngọn cây.
Người trông sân chim tên Đào cho biết: Thời điểm lý tưởng nhất để tới thăm Thung Chim là buổi chiều muộn, khi chim ùa về từ mọi ngả theo từng đàn sau một ngày kiếm ăn ở xa, tạo nên một khoảng trời ngợp cánh chim trắng. Mùa đông, chim sẽ bắt đầu về vườn từ lúc 4 giờ chiều, còn mùa hè, chim về muộn hơn khoảng 1-2 tiếng.
Cây đa ở Thung Nham.
Theo chú Đào, vì vùng đất cuối thung lũng này rất yên tĩnh nên từ bao đời nay các loài chim trời đã bay về đây. Điều đặc biệt là người ta đã phát hiện một số cá thể hằng hạc và phượng hoàng tại vùng Thung Nham. Đây chính là hai loài chim quý hiếm đã được ghi trong Sách đỏ và nằm trong bộ tứ linh (long, ly, quy, phượng).
Ngoài vườn chim nổi tiếng, du khách còn có thể tới tham quan nhiều điểm đặc sắc khác ở Thung Nham. Như cây đa “biết đi” ở đền Gối Đại - một ngôi đền cổ, thờ 2 vị thần trấn trạch Hoa Lư tứ trấn là thần Cao Sơn và thần Quý Minh càng khiến Thung Nam thêm kỳ bí.
Theo người dân bản địa, cứ hơn 300 năm cây đa lại di chuyển 1 bước. Mỗi bước di chuyển của cây đa được hơn 10m. Tương truyền vị trí ban đầu của cây đa ở bên cạnh ngôi đền mới xây hiện nay.
Đây là ngôi đền mới được xây dựng trên nền móng của ngôi đền cổ. Trước kia, vị trí của cây đa là bên ngôi đền cổ. Khi đền cổ mất đi nó bước đi đầu tiên xuống chỗ dựng miếu thờ tạm.
Sau đó đến bước thứ hai và bước thứ 3 đã tiến ra gần bờ hồ. Được các nhà khoa học, các nhà chuyên môn đánh giá hơn 300 năm nó di chuyển 1 bước, trong khoảng thời gian đó thân chính của cây sẽ bị mục nát rồi mất đi khi rễ phụ thả xuống bám chặt, ăn sâu vào lòng đất lớn dần lên và sẽ lại trở thành thân chính để nuôi cây. Cứ như thế và nó di chuyển được. Nên nguời dân địa phương mới gọi là cây đa “biết đi”.
Tuy nhiên, một điều đặc biệt nhất ở cây đa này là, trong 3 bước đầu cây đa có xu hướng di chuyển từ trên phía ngôi đền ra phía bờ hồ (nơi có nguồn nước cung cấp dinh dưỡng cho cây).
Vì vậy, khi cây bước những bước tiến ra bờ hồ, người ta cho đó là chuyện vô cùng bình thường. Tuy nhiên, đến bước thứ 4 của cây đa này theo quy luật cứ bước đi như thế nó sẽ lao thẳng ra hồ nước.
Nhưng sự việc lại không diễn ra như vậy, đến bước thứ tư, cây đa bỗng nhiên bước một bước ngược trở về hướng nơi nó đã “chập chững” bước đi đầu tiên.
Như vậy người dân cho rằng nó đang đi ngược quy luật. Bước thứ tư nó đã bước quay trở lại ngôi đền. Trong khi phía ngoài bờ hồ tán cây không đua ra và rễ cây cũng không thả xuống phía hồ nước nữa. Hiện tượng này càng tăng thêm tính linh thiêng cho khu vực cây đa đang tồn tại. Nhiều nhà khoa học về đây nghiên cứu nhưng chưa ai tìm thấy câu trả lời.
Điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn nữa là Thung Nham hội tụ dường như đầy đủ vẻ đẹp của Ninh Bình. Du khách được thong dong trên thuyền để xuôi theo dòng nước lạc vào các địa danh như hang Bụt, động Ba Cô, động Thủy Cung. Đây là dạng cảnh quan hang động ướt dưới vách núi, lòng núi đá vôi rất đặc trưng của vùng đất này.
Chính vì thế rất giống với hành trình khám phá Tam Cốc hay Tràng An, nếu có khác chỉ là quy mô nhỏ hơn và thời gian để khám phá ngắn hơn.
Kỳ thú nhất là ở đây có khu động Vái Giời như một Bích Động thứ hai của Ninh Bình. Trải qua gần 500 bậc đá dựng đứng heo hút, chúng tôi cũng tới được cửa động.
Sau thời gian nghỉ ngơi, mọi người bắt đầu khám phá động Vái Giời, cảm giác đầu tiên là cái lạnh như xâm nhập ngay vào cơ thể. Ngay cửa động chính là tầng trần gian, từ đây du khách sẽ trải qua 88 bậc thang cheo leo để tới với chốn thiên đường, nơi có rất nhiều nhũ đá, tảng đá mang hình khối tượng trưng cho cõi niết bàn, bồ tát, thiên đình...
Khác với động Vái Giời, động Tiên Cá lại uốn lượn dưới lòng núi. Trong ánh đèn điện, hệ thống hang đá, nhũ đá tuyệt sắc của động Tiên Cá khiến bước chân du khách chẳng muốn rời...