Chuẩn mới về trần lãi suất

H.Hương 20/02/2017 10:00

Theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ giữa tháng 3 tới, trần lãi suất cho vay chỉ áp dụng đối với những khoản vay ngắn hạn. Liệu quy định mới sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng?

Lãi suất cho khoản vay ngắn hạn được áp dụng vào giữa tháng 3 tới.

Sẽ có trần lãi suất cho khoản vay ngắn hạn

Từ ngày 15/3/2017 khi Thông tư số 39/2016/ TT – NHNN quy đinh về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có hiệu lực thì một chuẩn mới về trần lãi suất cũng được hình thành.

Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thì lãi suất thỏa thuận không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn. Như vậy, quy định về trần lãi suất chỉ áp dụng đối với trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thuộc các lĩnh vực ưu tiên.

Cùng với Thông tư 39, NHNN cũng ban hành Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (Thông tư 43). Tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin trước khi xác lập thỏa thuận cho vay: Lãi suất cho vay; nguyên tắc và các yếu tố xác định, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay; các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn theo lãi suất cho vay.

Riêng lãi suất cho vay tiêu dùng, công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.

Như vậy việc đưa ra một nội dung chuẩn về việc áp dụng trần lãi suất chính thức tạo một khung mới cho hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng. Gần như lãi suất cho vay đã được điều chỉnh đi đúng hướng là tự do hóa theo cung cầu phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường. Như vậy mọi nghi ngờ đồn đoán về mức trần lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã được xóa bỏ với các quy định có ở Thông tư 39 và thông tư 43. Và điều này cũng tương đồng với Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

Cụ thể Theo quy định tại Điều 12, Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 và khoản 2, khoản 3, Điều 91, Luật Các tổ chức tín dụng 2010, trong điều kiện bình thường, lãi suất trong hoạt động ngân hàng sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không trần lãi suất. Chỉ trong điều kiện đặc biệt cần có sự can thiệp của Nhà nước, NHNN mới quy định cơ chế lãi suất trong quan hệ giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Cơ chế xác định lãi suất này có thể bao gồm trần lãi suất cho vay trong quan hệ cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng.

Băn khoăn

Nhiều ý kiến cho rằng, khi NHNN áp trần cho vay các khoản vay ngắn hạn thì tín dụng ngắn hạn sẽ bị hạn chế. Vì đơn giản chẳng ngân hàng nào muốn cho vay lãi suất thấp trong khi giá đồng vốn của họ làm ra đang khá cao vì bao gồm nợ xấu, vận hành...Các ngân hàng chuyển sang vay trung, dài hạn để tự thỏa thuận lãi suất nhưng ở một góc cạnh khác, đó là bắt đầu từ ngày 1/1/2017 vừa qua, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn đối với các ngân hàng thương mại giảm chỉ còn 50% (theo thông tư 06 /2016/ TT – NHNN)

Rõ ràng để hài hòa bài toán tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn mới và để có thể được cùng khách hàng tự thỏa thuận lãi suất, ngân hàng sẽ gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn, chủ yếu thông qua tăng phát hành trái phiếu hoặc huy động tiết kiệm trung, dài hạn. Điều này nghi ngại các ngân hàng sẽ lại mở ra một cuộc chạy đua huy động lãi suất tiết kiệm, gây khó cho mục tiêu ổn định lãi suất.

Một góc khuất nữa cũng được giới chuyên gia nghi ngại, chỉ áp trần lãi suất cho khoản vay ngắn hạn, còn các khoản vay khác được thả nổi sẽ đẩy mặt bằng lãi suất cho vay lên cao, nhất là trong bối cảnh tín dụng phục vụ cho tăng trưởng tín dụng vẫn đến từ khối ngân hàng.

Theo dữ liệu tổng hợp, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

H.Hương