Gỡ rối giao thông
Dù đã áp dụng nhiều giải pháp nhưng tới nay, tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các thành phố lớn không giảm. Đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhiều sáng kiến “giải cứu” giao thông đô thị xuất hiện, tuy nhiên không phải sáng kiến nào cũng giúp giao thông của 2 thành phố lớn nhất nước đỡ rối.
Ùn tắc giao thông nội đô, bài toán cần sớm có lời giải.
Những ngày qua, trên nhiều con phố của TP Hồ Chí Minh xuất hiện những thanh barie ngăn cách vỉa hè và lòng đường hòng chống xe máy không lao lên vỉa hè lấn chiếm chỗ của người đi bộ. Bảo vệ để giành lại phần đường cho người đi bộ là một thái độ tốt, góp vào cho công cuộc chống ùn tắc nạn kẹt xe, tuy nhiên sáng kiến này đã gây ra tác dụng phụ khi mà những khe hở của dải phân cách để dành cho người khuyết tật đã không ngăn được dòng xe máy tiếp tục leo lên vỉa hè. “Giải pháp barie” trên vỉa hè hóa ra chẳng giúp được bao nhiêu cho công cuộc giải bài toán chống ùn tắc giao thông nội đô.
Barie chống ùn tắc khiến nhiều người liên tưởng tới giải pháp bịt các ngã tư, ngã ba để phân luồng lại giao thông mấy năm trước tại Thủ đô Hà Nội. Giải pháp này cũng đã phá sản sau vài năm thí điểm vì rút cục nó chẳng giúp gì nhiều trong công cuộc giải bài toán ùn tắc giao thông nội đô bức bối từ nhiều năm nay. Bịt ngã tư, làm rào chắn dành chỗ cho người đi bộ.. đã chỉ ra một thực trạng, ùn tắc giao thông đã bức xúc lắm rồi, hệ thống chính quyền các cấp vẫn cứ loay hoay tìm giải pháp gỡ rối cho giao thông đô thị.
Không thể để tình trạng “đưa con đi học trên đoạn đường vài km mà mất mấy tiếng đồng hồ”, rất nhiều giải pháp ngắn hạn, lẫn dài hạn đã được đưa ra. Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã đưa ra giải pháp được cho là có tính đột phá để giải bài toán ùn tắc giao thông đó là: Điểm mặt các điểm ùn tắc để phân công từng cá nhân chịu trách nhiệm ở những điểm ùn tắc giao thông này. TP. Hồ Chí Minh đã thống kê được 37 điểm ùn tắc cục bộ, nhiều điểm có nguy cơ ùn tắc để tung các lực lượng ra đường chống ùn tắc. Chắc chắn phương tiện giao thông sẽ không ngang nhiên trèo lên vỉa hè như trước. Không còn tình trạng chen lấn làn khiến giao thông vốn đã lộn xộn lại càng bức bách hơn. Chắc chắn tình trạng phương tiện giao thông đứng chôn chân một chỗ sẽ giảm đáng kể nhưng ùn ứ kéo dài là điều nhìn thấy trước bởi lưu lượng tham gia giao thông không hề giảm. Rõ ràng, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện hạ tầng giao thông luôn đuổi không kịp sự phát triển tới quá nhanh của phương tiện giao thông.
Còn Hà Nội, với việc treo giải thưởng 300.000 USD cầu người tài ghé vai cùng chính quyền tìm lời giải cho nạn ùn tắc giao thông đang được kỳ vọng là sẽ tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Tuy nhiên, trước khi xuất hiện giải pháp mang tính đột phá, rất nhiều vấn đề đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở cho hai đầu tầu của đất nước.
Trong các cuộc làm việc với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tìm lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng lấy ví dụ về việc Singapore đánh phí rất cao đối với ô tô đi vào khu trung tâm và cho rằng, “chính sách, thể chế là yếu tố quyết định vấn đề này, nếu không chú ý, chỉ luẩn quẩn trước mắt thì khó giải quyết”. “Quan trọng nhất là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cùng Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý đô thị” - Thủ tướng nói và đồng thời chỉ rõ: “Nếu chúng ta cứ dồn hết vào trung tâm, có mảnh đất nào chúng ta tiếp tục xây tầng cao ở đó trong khi phương án giao thông để chống ùn tắc chưa giải quyết được thì tiếp tục sẽ khó khăn”. Thủ tướng cũng bắt bệnh ùn tắc giao thông là do phương tiện cá nhân tăng quá nhanh, do đó, không cách nào khác phải có lộ trình rõ ràng hạn chế phương tiện cá nhân bằng cách tăng phương tiện công cộng. Buýt nhanh Hà Nội đang đưa vào hoạt động cần khuyến khích vì đây là hình thái vận tải tương lai tại các đô thị. Do không thể giải phóng nhiều mặt bằng cho giao thông nên phải đẩy mạnh ngầm hóa với phương châm huy động tư nhân tham gia làm metro, Thủ tướng đề nghị và ra đề bài cho TP Hồ Chí Minh sau Tết phải báo cáo Thủ tướng các hình thức ngầm hóa hay một số hình thức khác để giải quyết mạnh mẽ, cơ bản giao thông cho nội đô.
Một giải pháp nữa được Thủ tướng đưa ra, đó là phải tổ chức hệ thống chỉ huy giao thông để kết nối giao thông tốt hơn. Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với TP Hồ Chí Minh để làm một trung tâm chỉ huy kết nối giao thông. Thủ tướng cũng gợi mở một số giải pháp khác như, hạn chế nhập cư vào khu trung tâm, xây dựng các đô thị vệ tinh, áp dụng công nghệ thông tin, phát động quần chúng đóng góp các giải pháp thông minh trong chống ùn tắc, chứ không chỉ các cơ quan hành chính chống ùn tắc như hiện nay - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.