Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Iraq bàn kế hoạch tiêu diệt IS
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã có chuyến công du tới Iraq trong hôm đầu tuần với tuyên bố quân đội của họ không ở nước này để “chiếm dầu của bất cứ ai”, trong nỗ lực sửa lại tuyên bố gây tranh cãi mà Tổng thống Donald Trump từng đưa ra trước đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong một cuộc họp của NATO tại Brussels, Bỉ hôm 17/2. (Nguồn: AFP).
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, trong chuyến công du đầu tiên của ông sau khi nhậm chức tới Iraq, mang theo kỳ vọng của chính quyền mới của nước Mỹ về việc đánh giá lại nỗ lực của Washington trong quá trình hỗ trợ quân đội Iraq đẩy lùi tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khỏi thành trì của chúng ở thành phố Mosul.
Tuy nhiên, ông Mattis được cho là sẽ phải đối diện với hàng loạt các câu hỏi liên quan tới phát ngôn cũng như hành động trước đó của Tổng thống Trump, bao gồm một lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Iraq và phát ngôn cho rằng nước Mỹ nên chiếm lấy lượng dầu của Iraq sau khi lật đổ chính quyền Saddam Hussein hồi năm 2003.
Ông Mattis, tuy nhiên, ngay từ đầu chuyến công du đã khẳng định điều ngược lại: “Chúng tôi không tới Iraq để chiếm dầu của bất cứ ai cả”.
Tuyên bố trên là ví dụ mới nhất cho thấy quan điểm chính sách trái ngược của ông Mattis đối với ông Trump. Tân Tổng thống của nước Mỹ cũng từng thừa nhận rằng ông Mattis đã không nhất trí với ông về sự hữu dụng của các đòn tra tấn trong lúc tra khảo nghi phạm khủng bố, tuy nhiên nói rằng ông sẽ chiều theo ý của ông Mattis về vấn đề này.
Bộ trưởng Mattis cũng từng đưa ra quan điểm trái ngược với Tổng thống Trump khi lên tiếng chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin, và tự tách mình khỏi tuyên bố của ông Trump cho rằng truyền thông Mỹ là “kẻ thù của người dân Mỹ” khi khẳng định rằng ông không có vấn đề gì với báo chí.
Với tư cách là một vị tư lệnh lục quân từng dẫn dắt quân đội Mỹ trên chiến trường Iraq, ông Mattis cũng tìm cách giảm nhẹ sự bất bình của nước này đối với lệnh cấm nhập cảnh mà ông Trump công bố mới đây nhằm cấm công dân 7 nước tới Mỹ - trong đó bao gồm cả công dân Iraq.
“Hiện giờ, tôi đảm bảo rằng chúng tôi sẽ có những bước đi phù hợp để cho phép những người luôn chiến đấu sát cánh cùng chúng tôi được tới nước Mỹ” - ông Mattis nói.
Chiến dịch ở Mosul
Chuyến công du của ông Mattis diễn ra trong bối cảnh ông đang dần hoàn tất kế hoạch theo yêu cầu của Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy tiến trình đánh bại hoàn toàn tổ chức phiến quân IS, và dự kiến sẽ có cuộc họp quan trọng với các quan chức Mỹ và Iraq trong chặng dừng chân này.
Chuyến công du cũng diễn ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố khởi đầu chiến dịch tấn công dưới mặt đất nhằm vào khu vực phía Tây thành phố Mosul, nơi mà phiến quân IS đang chiếm quyền kiểm soát cùng với 650.000 thường dân bị mắc kẹt.
Trước đó, tháng 1 vừa qua, tổ chức phiến quân này đã bị đánh bật ra khỏi rìa phía Tây của thành phố này sau 100 ngày tổ chức chiến dịch tái chiếm Mosul.
Chỉ huy lực lượng quân sự Mỹ ở Iraq, Trung tướng Stephen Townsend, cho hay ông tin rằng các lực lượng Iraq với sự hậu thuẫn của quân đội Mỹ sẽ tái chiếm được cả 2 thành trì của phiến quân IS - bao gồm thành phố Mosul trên lãnh thổ Iraq và thành phố Raqqa trên lãnh thổ Syria - trong vòng 6 tháng.
Việc xem xét lại chiến lược đánh bại hoàn toàn phiến quân IS của Bộ trưởng Mattis có thể bao gồm cả việc triển khai thêm lực lượng Mỹ tới Iraq, thêm vào đội quân với tổng số 6.000 binh sỹ đang có mặt trên lãnh thổ Iraq và Syria.
Giới phân tích cho rằng Lầu Năm Góc còn có thể triển khai thêm các trực thăng chiến đấu và tăng cường các cuộc không kích, thêm các khẩu đội pháo kích cũng như trao thêm quyền hạn cho các tướng lĩnh đang trực tiếp chiến đấu với IS trên các mặt trận.
Tương lai của lực lượng Mỹ ở Iraq và cả cả xã hội Iraq, hiện vẫn chưa còn đang trong tình trạng vô định khi mà phiến quân IS còn chưa bị hất cẳng khỏi Mosul. Tháng trước, Bộ trưởng Mattis từng nói trước Thượng viện Mỹ rằng mục tiêu hàng đầu của Mỹ ở Iraq nên là “đảm bảo rằng nó không trở thành một quốc gia chịu ảnh hưởng của chính quyền Tehran”.
Tại Iraq hiện nay đang diễn ra một cuộc tranh giành quyền lực mà dường như bắt nguồn từ bất đồng giữa các thủ lĩnh người Hồi giáo dòng Shi’ite. Giáo sỹ Moqtada al-Sadr, người công khai quan điểm thù địch với các chính sách Trung Đông của chính quyền Washington, đã bắt đầu thu hút người ủng hộ ngay trước kỳ bầu cử Quốc hội và cấp địa phương ở Iraq.
Trong hôm đầu tuần, ông Sadr đã nói rằng chính phủ Iraq cần phải yêu cầu Mỹ rút toàn bộ binh sỹ của mình khỏi lãnh thổ nước này sau cuộc chiến ở Mosul.