Tháo gỡ điểm nghẽn xuất khẩu gạo

Minh Phương 21/02/2017 08:00

Chưa hết khó khăn trong năm 2016, xuất khẩu gạo tiếp tục được dự báo sẽ còn khá nhiều trắc trở trong năm 2017. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tháng 1/2017, số lượng gạo xuất khẩu sụt giảm đến 20% so với cùng kỳ năm 2016, và tính đến thời điểm này các DN vẫn còn dư lượng gạo ở trong kho đến gần 1 triệu tấn gạo. Những khó khăn nói trên tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi khó cho bài toán xuất khẩu gạo thời gian tới.

Tháng 1/2017, số lượng gạo xuất khẩu sụt giảm 20% so với cùng kỳ năm 2016. Ảnh: TL.

Tồn kho lớn

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay, tháng 1/2017, ngành gạo xuất khẩu được hơn 320.000 tấn, giảm hơn 20% so với cùng thời điểm năm 2016. Số lượng gạo tồn kho tại các DN lúc này cũng xấp xỉ 1 triệu tấn.

Trong đó, Tổng công ty Lương thực miền Nam tồn khoảng gần 318.000 tấn, Công ty Lương thực miền Bắc khoảng 109.800 tấn. Số còn lại khoảng 528.000 tấn thuộc về các DN khác.

Nhìn vào con số xuất khẩu gạo hàng năm, dễ nhận thấy, lượng gạo xuất khẩu ngày càng sụt giảm theo thời gian. Nếu như năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 6,748 triệu tấn gạo thì năm 2015 mức này đã giảm còn 6,615 triệu tấn. Đến năm 2016, khối lượng xuất khẩu giảm chóng mặt khi chỉ đạt mức 4,890 triệu tấn gạo các loại, trị giá hơn 2,128 tỷ USD, giảm 25,54% về số lượng và giảm 20,5% về giá trị với cùng kỳ năm 2016.

Xuất khẩu gạo của năm 2016 giảm kỷ lục và đây là năm được đánh giá ngành gạo gặp nhiều khó khăn nhất. Ngoài nguyên nhân các thị trường truyền thống có xu hướng giảm nhập khẩu, gạo xuất khẩu còn gặp khó chính ở yếu tố chất lượng thấp, không đồng đều. Đặc biệt, năm 2016, gạo Việt Nam liên tục bị thị trường Mỹ trả về do phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép nên đã làm khối lượng gạo xuất khẩu sụt giảm nặng nề so với các năm trước.

Chưa hết khó khăn, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, kinh tế thế giới sút giảm, xu hướng tự túc lương thực, hạn chế nhập khẩu ở các nước tăng lên, cộng với xu hướng tăng tiêu thụ thực phẩm lúa mì và bắp do nguồn cung dồi dào, giá rẻ… sẽ là những nguyên nhân khiến cho tình hình xuất khẩu gạo của năm 2017 sẽ còn tiếp tục gặp khó.

Nhìn lại bức tranh xuất khẩu gạo để thấy, chưa khi nào, ngành gạo lại đối diện nhiều thách thức như thời điểm hiện nay. Trở ngại trên thị trường quốc tế cũng như ngay tại chính bản thân nội tại của các DN trong ngành… tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi khó cho bài toán xuất khẩu gạo của nước nhà.

Nguyên nhân của thực trạng sụt giảm sản lượng gạo được các chuyên gia ngành nông nghiệp phân tích rằng, một phần do các nước bắt đầu có xu hướng tự túc, giảm nhập khẩu lương thực, song mặt khác, một nguyên nhân sâu xa, cốt lõi đã được các chuyên gia nhấn mạnh rất nhiều lần, đó chính là chất lượng hạt gạo của chúng ta không cao, từ đó không nâng được vị thế, không tạo được thương hiệu của riêng mình, thành ra gạo xuất khẩu rất bấp bênh cả về sản lượng, cả về giá.

Xuất khẩu gạo ngày càng sụt giảm.

Tìm lời giải cho bài toán xuất khẩu gạo

Trong khi nhu cầu thị trường thế giới ngày càng gia tăng về chất lượng gạo, thì khả năng đáp ứng nhu cầu này đối với các DN Việt Nam lại rất hạn chế. Đó là lý do vì sao ta thua Thái Lan và giờ đây còn thua cả Campuchia. Thời gian qua, việc các DN chỉ tập trung chạy theo sản lượng xuất khẩu mà chưa quan tâm đến chất lượng khiến cho gạo của ta luôn bị thua kém so với các nước khác và giá trị xuất khẩu cũng không cao.

Theo TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, để giải bài toán xuất khẩu gạo hiện nay, yếu tố quan trọng nhất vẫn là phải nâng tầm được giá trị hạt gạo bằng việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo cũng như nâng cao chất lượng giống.

Theo vị chuyên gia này, để xây dựng được thương hiệu, nâng tầm giá trị cho hạt gạo, các DN và người nông dân cần phải đầu tư rất nhiều cho giống lúa, từ đó từng bước xây dựng thương hiệu cho riêng mình và xúc tiến thương mại. Đây là hướng đi phù hợp để tổ chức lại sản xuất lúa gạo hiện nay. Đó là phía DN, còn vai trò của Nhà nước là phải chuẩn hóa các nguồn giống, chuẩn hóa chất lượng.

“Công việc này không thể tiến hành trong ngày một, ngày hai mà phải xử lý hết từ cơ cấu giống đến thủy lợi, quy trình canh tác” – TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.

TS Lê Đức Thịnh, chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp cũng cho rằng, các DN Việt Nam nên chú trọng tìm cách nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tập trung vào chất lượng hơn là chỉ chạy theo sản lượng như hiện nay, vì kiểu kinh doanh đó thì không thể phát triển bền vững mà chỉ làm giảm sức cạnh tranh và giảm chữ tín của chính mình trên thị trường quốc tế.

Được biết, để giải quyết những khó khăn cho ngành lúa gạo xuất khẩu trong thời gian tới, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đề nghị Bộ NN&PTNT đánh giá tình hình thực tế và kiến nghị Chính phủ ra quyết định mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân 2016 - 2017 để ổn định giá thị trường theo định hướng, bảo đảm mức lãi tối thiểu cho nông dân.

Bên cạnh đó, VFA cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT xúc tiến nhanh kế hoạch thực hiện lộ trình tháo gỡ các điểm nghẽn khi xuất khẩu gạo sang các thị trường chất lượng cao, giá cao. Đồng thời, có định hướng phát triển sản xuất dựa trên cơ sở nâng cao chất lượng và hiệu quả...

Minh Phương