Gỡ khó cho doanh nghiệp: Không thể bên yêu bên ghét - Kỳ cuối: Một địa bàn, hai chính sách đầu tư
Không chỉ cho rằng, chấp hành nộp thuế TNDN chưa được hoàn trả, các DN còn phản ánh, nếu tiếp tục thực hiện theo cơ chế ưu đãi cho các DN cùng ngành dệt may trên địa bàn (TP Tam Kỳ) thì sẽ giết chết các DN dệt may mặc ở phía tây Tam Kỳ. Vì một bên ưu đãi miễn thuế TNDN 15 năm, còn một bên phải đóng thuế 22% TNDN. Cớ sao có chuyện lạ như vậy, khi cùng ở trên một địa bàn, cách nhau một dòng sông nhưng chính sách ưu đãi đầu tư lại khác nhau?
Ông Trần Hữu Doãn, nêu những bất cập tồn tại đối với doanh nghiệp tại Tam Kỳ, Quảng Nam.
Phản ánh từ thực tế
Cụ thể phía doanh nghiệp cho rằng: Cách nhau một dòng sông Tam Kỳ, nhưng một bên được Nhà nước bỏ tiền hàng nghìn tỉ đầu tư cơ sở hạ tầng mời DN FDI vào kinh doanh sản xuất, không đóng thuế TNDN (ưu đãi miền thuế TNDN 15 năm), miễn thuế 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, được hỗ trợ đào tạo nghề, cấp mặt bằng làm nhà ở cho công nhân trên 5ha đất, mặt bằng cho thuê với giá rẻ trong 50 năm.
Trong khi đó, ông Trần Hữu Doãn - Đại diện Công ty May Tuấn Đạt phản ánh: Kể từ khi công ty đi vào hoạt động đến nay (14 năm), công ty giải quyết trên 3.000 lao động, doanh thu hằng năm trên 500 tỉ đồng, các chế độ đối với người lao động luôn được giải quyết tốt. Thế nhưng công ty chỉ được hưởng ưu đãi của Chính phủ, miễn 2 năm thuế TNDN và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo, còn ưu đãi của tỉnh Quảng Nam thì bị Cục thuế tỉnh tự động cắt. Ngoài ra, công ty chúng tôi đã nhiều lần đề nghị với các cấp lãnh đạo về việc cấp đất cho DN làm nhà ở cho công nhân nhưng đến nay vẫn chưa được cấp.
Về mặt bằng mở rộng sản xuất, chúng tôi phải tự đi mua của người dân. Về thuế TNDN, năm 2015 công ty phải đóng 22%. Nhà ở cho công nhân, đào tạo nguồn nhân lực chúng tôi tự lo. Có ở đâu trên đất nước này mà lạ lùng như vậy, cũng một địa bàn, một ngành dệt may nhưng các anh lại ưu tiên cho DN FDI - ông Doãn bức xúc.
Ông Doãn cho rằng:Với sự ưu đãi đầu tư, trái ngược nói trên cùng một địa bàn, cùng một ngành kinh doanh. Nên chúng tôi hoạt động trong một môi trường bất bình đẳng chắc chắn sẽ phải gánh lấy nhiều khó khăn. Do đó, về môi trường đầu tư, nên công bằng cho mọi DN, không ưu đãi vượt trội với các DN may mặc FDI, vô hình chung đã giết chết các DN may mặc phía tây Tam Kỳ, vì sao họ ưu đãi thuế TNDN đến 15 năm còn chúng tôi các anh đã thu đến 22%?
Khác nhau vì đó là Khu kinh tế mở?
Trước những vấn đề mà các DN đã phản ánh, ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh văn phòng UBND tỉnh trả lời Đại Đoàn Kết như sau: “Khu vực phía đông TP Tam Kỳ và một số khu vực tại huyện Núi Thành thuộc địa bàn Khu Kinh tế mở (KTM) Chu Lai theo Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ và được hưởng các cơ chế theo quy định của Chính phủ.
Căn cứ các quy định của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 08/2014/QĐ-UBND ngày 21/4/2014 về quy định các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư được áp dụng trên địa bàn Khu KTM Chu Lai. Chính vì vậy mà có sự khác nhau giữa về cơ chế của các DN trong và ngoài Khu KTM Chu Lai. Do đó, không thể xem xét áp dụng cơ chế của Khu KTM cho các DN ngoài phạm vi KTM”.
Như đã nói, ông Quang cũng chia sẻ: “Tỉnh biết việc này thật sự chưa trọn vẹn, nhất là các DN chấp hành tốt. Tuy nhiên do quy định của Thanh tra Chính phủ, nên tỉnh cũng phải xử lý”.
Không hài lòng với nhận định trên, bà Nguyễn Thị Nhung - lãnh đạo DN Kim Anh cho rằng: “Nếu cứ cấp phép cho DN vào Quảng Nam đầu tư cùng ngành nghề nhưng lại “cấp” cho họ quá nhiều ưu đãi thì sẽ bóp chết DN địa phương, mà chắc gì DN khác, kể cả nước ngoài lại giải quyết việc làm hay trả lương, an sinh xã hội, đóng thuế tốt hơn DN tại địa phương”.
Trong một diễn biến khác tại buổi đối thoại với các DN trên địa bàn TP Tam Kỳ, ông Nguyễn Văn Lúa, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ cho rằng, không thể không thực hiện các chính sách ưu đãi cho DN vào Khu KTM Chu Lai. Nhưng ông Lúa thừa nhận kiến nghị của DN chính đáng khi mổ xẻ trên địa bàn thành phố lại có hai chính sách cho cùng một lĩnh vực.
Ông Lúa nói, thành phố đã từng kiến nghị chính sách cho DN bình đẳng nhưng chưa ai giải quyết. Kiến nghị này vượt quá thẩm quyền thành phố nên chỉ có thể đề xuất hay kiến nghị lên cấp trên. Một giải pháp như thế nào để bảo đảm sự bình đẳng lợi ích chính đáng sẽ được ghi nhận và sẽ có câu trả lời cụ thể cho DN trong thời gian tới.
Mới đây, Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo Dệt may Việt Nam - Cơ hội và thách thức hội nhập giai đoạn 2016-2020. Tham dự có đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam- Vitas và đông đảo DN dệt may trong khu vực.
Sau khi nghe các DN phản ánh những vấn đề trên, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas cho rằng: Thực tế ở một số địa phương có ưu đãi hơi quá với DN nước ngoài. Do đó, để DN nội nắm chắt cơ hội và vượt qua thách thức, hội nhập phát triển vững bền trong giai đoạn 2016-2020. Cần giải quyết những bất cập.
Qua trao đổi, các DN cho biết, nếu UBND tỉnh không trả lời họ tiếp tục kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và có thể sẽ đưa vụ việc ra tòa án.