Trách nhiệm của người đứng đầu
“Tôi muốn đặt ra vấn đề tuyển chọn hiệu trưởng cũng như cấp quản lý của chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Môi trường giáo dục rất đặc thù. Một nhà quản lý của một trường tiểu học, chẳng hạn, không chỉ làm việc quản lý như giám đốc một nhà máy mà còn đòi hỏi tư cách của một nhà sư phạm, nhà giáo dục. Những tác động đến nhân cách, sự phát triển của học trò từ những quyết định của người đứng đầu là rất rõ”- đó là ý kiến của TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng,
TS Nguyễn Tùng Lâm.
PV:Thời gian gần đây, ngành giáo dục liên tiếp phát hiện những vụ bạo lực học đường, những tai nạn trong trường học… Quan điểm của ông thế nào?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Trước hết, tôi muốn nói đến vụ việc thầy giáo và học sinh đánh nhau trong lớp ở Hậu Giang. Chưa nói đến đây là lỗi của ai thì chỉ riêng sự việc này xảy ra ngay trong lớp học đã tạo ra những phản cảm với mọi người.
Ở đây, mối quan hệ thầy trò cần phải xử lý tốt hơn nữa vì trong nhà trường trước hết phải có kỷ cương. Cả thầy và trò trong câu chuyện này đều chưa nhận thức được vai trò kỷ cương, đạo lý trong mỗi nhà trường. Người thầy không biết kiềm chế.
Cả thầy và trò cũng thả mình một cách tự do, để tính cá nhân của mình lên trên hết mới xảy ra những chuyện như vậy. Nhưng người đáng trách vẫn là người thầy. Trò có thể chưa tốt, chưa đúng nhưng người thầy trước hết phải gương mẫu, phải có phương pháp sư phạm để xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra. Ở đây cả đạo đức nghề nghiệp lẫn năng lực sư phạm của thầy đều yếu.
Đây chính là vấn đề then chốt với tất cả mọi giáo viên hiện nay. Người thầy trước hết phải có đạo đức nghề nghiệp, cụ thể là tôn trọng học sinh, phải biết thương yêu học sinh. Nếu thực sự tôn trọng, thực sự thương yêu thì tôi tin rằng những tình cảm khác có thể dẹp đi được, từ đó đưa ra cách ứng xử đúng.
Liên quan đến việc thiếu kiềm chế, nhiều giáo viên sau khi để xảy ra những sự việc như đánh, mắng, có những hành vi không chuẩn mực với học sinh đều giải thích là do đang gặp chuyện buồn ở gia đình, ông nghĩ sao?
- Không thể lấy việc buồn của mình để trút giận lên đầu học trò. Làm thế là vi phạm nội quy, quy chế của ngành giáo dục, bao gồm: cấm đối xử thô bạo với học trò, không được vi phạm nhân cách học sinh…
Những giáo viên đó cần phải đình chỉ, kiểm điểm, kỷ luật để rèn luyện lại nghề nghiệp. Không có gì biện minh được. Trừ khi thầy cô giáo đó có chứng nhận của các cơ sở y tế là có bệnh về thần kinh thì đừng làm nghề dạy học nữa.
Ông có thể nói rõ hơn về trách nhiệm quản lý của nhà trường trong những sự việc như thế này?
- Những cán bộ quản lý nhà trường phải chịu trách nhiệm đã không hướng dẫn, chỉ đạo sát sao. Nói cách khác hệ thống quản lý giám sát phải hiệu quả để ngăn chặn phát hiện sớm những chuyện này. Phương pháp quản lý của các nhà trường trong những vụ việc để xảy ra bạo lực học đường, tai nạn… là rất yếu.
Hiệu trưởng không quản lý được giáo viên thì còn nói chuyện gì nữa? Bản thân người giáo viên thiếu sót thì các cán bộ quản lý phải chịu trách nhiệm hết. Không ai vô can ở đây. Phải biết tính nết của từng giáo viên, có biện pháp kiểm tra thường xuyên. Nếu phát hiện bất cứ biểu hiện nào không phù hợp phải có hướng dẫn, giải quyết triệt để.
Chúng ta nói nhiều đến việc cần phải có phòng tâm lý học đường dành cho học sinh nhưng có cần đến phòng này cho các thầy cô để chia sẻ, giải toả áp lực không, thưa ông?
- Phòng tâm lý học đường thực ra không chỉ dành riêng cho học sinh mà còn là nơi để giáo viên chia sẻ, giải toả áp lực công việc gia đình, nhà trường. Nhưng tôi cho rằng chủ yếu là các cán bộ quản lý đối với các thầy cô giáo, nếu được cấp trên thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng thì chắc chắn các thầy cô sẽ bớt đi được rất nhiều áp lực.
Vấn đề trách nhiệm quản lý của nhà trường từ hai vụ việc ở trường THPT Trần Phú và trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội khi để xảy ra những tai nạn thương tích cho học sinh theo ông đến đâu?
- Trách nhiệm của cấp quản lý trong hai vụ việc này rất lớn. Mọi nhà trường đều phải đảm bảo an toàn cho học sinh. Khâu an toàn phải là hàng đầu. Sau an toàn mới nói đến chuyện dạy dỗ, giáo dục như thế nào. Các cán bộ quản lý phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này.
Như vụ ở trường THPT Phan Đình Phùng, không chỉ giáo viên bị kỷ luật mà hiệu trưởng không quản lý tốt cấp dưới để xảy ra sự việc này cũng bị kỷ luật là đúng.
Chỉ có vụ ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên đến giờ này Phòng Giáo dục Quận vẫn chưa đưa ra được quyết định thì cũng hơi ngạc nhiên! Các cơ quan chức năng đã vào cuộc và đang làm sáng tỏ vụ việc mà người quản lý trực tiếp của Hiệu trưởng lại chưa đưa ra được quyết định.
Ở đây cũng thấy văn hoá từ chức của hiệu trưởng là kém. Dư luận như thế và bản thân cô không nhận thức được vụ việc, cứ mãi vòng vo…
Qua những câu chuyện này, tôi muốn đặt ra vấn đề tuyển chọn hiệu trưởng, cấp quản lý của chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Phải hiểu môi trường giáo dục rất đặc thù. Một nhà quản lý của một trường tiểu học, chẳng hạn, không chỉ làm việc quản lý như giám đốc một nhà máy mà còn đòi hỏi tư cách của một nhà sư phạm, nhà giáo dục. Những tác động đến nhân cách, sự phát triển của học trò từ những quyết định của người đứng đầu là rất rõ.
Chúng ta phải nêu cao vai trò của các hiệu trưởng trong các nhà trường. Trong quá trình công tác không thể tránh khỏi sai sót nhưng phải ý thức được việc mình làm và phải sẵn sàng nhận trách nhiệm.
Đặc biệt, phải có ý thức về an toàn, hiệu trưởng phải là người phát hiện ra vấn đề đầu tiên chứ không để đến khi xảy ra sự việc mới chờ nghe báo cáo.
Trân trọng cảm ơn ông!