Hiến kế xây nhanh nhà giá rẻ
Ngày 21/2, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) gửi văn bản đề xuất hướng phát triển nhà ở giá rẻ cho công nhân. Trong đó, tập trung một số kiến nghị về chính sách nhằm tạo cơ chế thông thoáng mới với hy vọng thực hiện kế hoạch phát triển phân khúc thị trường dành cho người thu nhập thấp...
Nhu cầu nhà ở giá rẻ tại TP HCM ngày càng cao.
81.000 hộ dân cần nhà ở xã hội
Tại văn bản, HoREA nêu rõ tính cấp thiết để phát triển nhà ở giá rẻ. Theo HoREA, quy mô dân số TP HCM lên đến gần 13 triệu người, với gần 3 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 23% dân số. Qua khảo sát của Sở Xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển thì có khoảng 500.000 hộ chưa có nhà, khoảng 81.000 hộ cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 – 2020.
Trong đó, có khoảng 139.000 cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại thành phố chưa có nhà ở. Tổng số hơn 402.000 công nhân, lao động đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố thì có đến 284.000 người (chiếm 70,6%) đang phải thuê phòng trọ, nhà trọ.
Nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, đồng thời giải quyết mong muốn về nhà ở giá rẻ của người dân thành phố, nhiều doanh nghiệp tiên phong đầu tư nhà ở thuộc phân khúc này tại các quận ven và huyện ngoại thành.
Điển hình, Công ty Lê Thành đầu tư căn hộ vừa túi tiền để cho thuê, hoặc bán cho công nhân, lao động, người thu nhập thấp đô thị với hơn 4.500 căn hộ. Công ty đưa ra thị trường 2 chung cư thấp tầng với quy mô 285 căn hộ nhỏ 19m2/căn, cho thuê với giá chỉ 1,5 triệu đồng/ tháng.
Đặc biệt, trong năm 2017 Công ty dự kiến sẽ đưa vào sử dụng các dự án chung cư gồm 1.530 căn hộ nhà ở xã hội cho thuê dài hạn tại quận Bình Tân. Tương tự, Công ty Thiên Phát đầu tư dự án chung cư nhà ở xã hội gồm 2.500 chỗ ở cho công nhân thuê tại khu công nghiệp Linh Trung 2.
Công ty đang đề nghị được đầu tư các dự án nhà ở xã hội tại Khu công nghệ cao TP HCM. Tiếp đó là Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn đã đầu tư khu nhà lưu trú công nhân đầu tiên của thành phố tại Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức.
Công ty Hoàng Quân hoàn thành đưa vào sử dụng khu nhà ở xã hội gồm 1.700 căn tại huyện Bình Chánh và tiếp tục đầu tư 4 dự án nhà ở xã hội tại thành phố.
Mặc dù khá nhiều doanh nghiệp chủ động đầu tư nhà ở giá rẻ song nguồn cung vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thực. Dự báo, nhu cầu nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê giá rẻ trên địa bàn thành phố trong 10 năm tới có thể lên đến khoảng 1 triệu căn.
Liên quan đến việc áp dụng mô hình nhà ở giá rẻ của tỉnh Bình Dương, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA khẳng định, thành phố có thể làm được căn hộ nhà ở xã hội 30m2 (gồm 20m2 sàn và 10m2 gác lửng), có giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn tại một số khu vực có điều kiện tương đồng như tỉnh Bình Dương gồm: hệ thống hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, địa chất vững chắc,…
Dựa trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chi tiết thì Khu chế xuất Linh Trung I, II, III (326 ha), Khu công nghệ cao (913 ha), công viên phần mềm Quang Trung (43 ha), Đại học quốc gia TP HCM đều có thể xây nhà ở giá rẻ.
Riêng Khu đô thị công nghiệp cảng biển Hiệp Phước (3.600 ha) có điều kiện thuận lợi về quỹ đất nhưng do nền đất yếu, lại chưa phát triển đầy đủ hệ thống hạ tầng, dịch vụ nên chi phí đầu tư loại nhà này sẽ cao hơn.
“Với quỹ đất nêu trên, có thể làm được khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội 30m2 có giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn, nhưng sẽ chỉ có khoảng 10.000 người mua được loại nhà này chiếm khoảng 1% người có nhu cầu.
Như vậy, đa số công nhân, lao động, người thu nhập thấp và người nhập cư sẽ không còn loại nhà này để mua, nên chưa đảm bảo công bằng xã hội và cũng chưa giải quyết được nhu cầu rất lớn của xã hội”, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Tạo quỹ đất sạch
Bàn về kế hoạch phát triển nhà ở xã hội Sở Xây dựng TP HCM cho biết, từ nay đến năm 2020 thành phố phát triển 39 dự án với quy mô 45.000 căn hộ.
Dự kiến đến thời điểm đó sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 30.000 căn, trong đó có 20% dành để cho thuê, 60% căn hộ để bán trả góp dài hạn, 20% căn hộ dành cho chủ đầu tư bán thương mại để bù đắp chi phí.
Mong muốn sớm hoàn thành kế hoạch, Sở Xây dựng lên quy trình phối hợp với Bộ Xây dựng, các Sở - ngành, quận - huyện theo cơ chế một cửa liên thông để giảm thời gian làm 3 thủ tục hành chính như: thẩm định thiết kế cơ sở; thẩm định thiết kế kỹ thuật; cấp phép xây dựng từ 75 ngày hiện nay xuống còn 42 ngày.
Mong muốn hiến kế để chương trình nhà ở giá rẻ thành phố đạt hiệu quả cao, HoREA cho hay phát triển nhà ở giá rẻ chỉ thành công khi thành phố phải dành quỹ đất sạch, đồng thời các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định trích lập từ 20% quỹ đất kinh doanh từ dự án nhà ở thương mại.
Song song với các điều kiện kể trên, theo HoREA, lãnh đạo địa phương phải tạo được môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu.
Thực hiện phương thức xã hội hóa, có các cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động và người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở giá rẻ.