Thúc doanh nghiệp nông nghiệp lên sàn

H.Hương 22/02/2017 09:55

Các doanh nghiệp nông nghiệp đang bị thúc lên sàn theo tiến trình cổ phần hóa và IPO đã được vạch ra, đây cũng là cách để nông nghiệp hút vốn đầu tư.

Ảnh minh họa.

Thông tin khẳng định từ Bộ NN&PTNT cho biết, ngay trong năm 2017, Bộ sẽ tiến hành cổ phần hóa, IPO một số doanh nghiệp. Cụ thể Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) tiến hành cổ phần hóa và IPO trong quý III, Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) tiến hành trong quý II-2017.

Tương tự, cũng trong năm 2017, Bộ NN&PTNT cũng sẽ hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp với 2, 3 doanh nghiệp để tiếp tục tiến hành cổ phần hóa, bao gồm: Tổng công ty cà phê Việt Nam, Vinafood 1, Công ty TNHH một thành viên viên Thủy sản Hạ Long.

Nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp đang có kế hoạch hoạt động của mình. Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch VRG cũng cho biết “VRG đã xác định xong giá trị doanh nghiệp, nếu không có gì thay đổi, ngay trong quý II-2017 sẽ có phương án và chính thức tiến hành cổ phần hóa”.

Không chỉ cổ phần hóa công ty Mẹ, năm 2017, VRG cũng lên kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn một loạt công ty con, trong đó có cả các dự án đầu tư cao su tại Lào và Campuchia để thu hồi vốn, đồng thời đa dạng hóa vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này.

Những tác động tích cực về chính sách cổ phần hóa (CPH) DN nhà nước (DNNN) gắn với đăng ký giao dịch và các quy định mới về chế tài xử phạt trên thị trường chứng khoán được coi là nguyên nhân khiến thị trường Upcom tăng vọt cả về số lượng DN và quy mô giao dịch. Bên cạnh đó, từ ngày 15/12/2016-Nghị định 145/2016/NĐ-CP xác định mức phạt cụ thể đối với các DN chậm lên sàn có hiệu lực.

Theo đó, DN vi phạm sẽ bị phạt tiền theo 6 mức khác nhau dựa theo thời gian chậm niêm yết/đăng ký giao dịch. Mức thấp nhất là từ 10 - 30 triệu đồng khi chậm thực hiện đến một tháng và cao nhất là 300 - 400 triệu đồng đối với hành vi niêm yết/đăng ký giao dịch quá thời hạn trên 12 tháng.

Đây được xem là “cú hích” lớn khiến các DN cấp tập lên sàn trong cuối năm 2016 và đầu 2017. Có thể thấy, với các quy định nghiêm khắc, việc “thúc” DN lên sàn, minh bạch hóa các chỉ tiêu tài chính là điều bắt buộc.

Trở lại với kế hoạch cổ phần hóa và lên sàn của doanh nghiệp nông nghiệp, trong quãng thời gian gần đây, nguồn vốn ngân sách không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư của ngành, việc định hướng doanh nghiệp tái cơ cấu, thu hút phong phú thêm các nguồn vốn từ các nhà đầu tư là một trong những giải pháp được Chính phủ và Bộ hết sức quan tâm.

Được biết Bộ NN&PTNT đã xây dựng Dự thảo “Chiến lược tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp Việt Nam đến năm 2030” và Dự thảo“Nghị định về Chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) dự báo sẽ tiếp tục hấp dẫn nhất ở khu vực Đông Nam Á và thu hút nhiều hơn các dòng vốn đầu tư nội, ngoại.

Trong thời gian tới, sẽ có một lượng cung dồi dào với chất lượng tốt được bổ sung vào thị TTCK, giúp các nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn, kích thích nhu cầu đầu tư và thu hút nhiều nguồn vốn mới từ trong nước và nước ngoài, qua đó góp phần tăng quy mô thị trường.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam khẳng định, khi DN có kế hoạch, lịch trình cổ phần hóa, IPO rõ ràng thì sẽ hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.

DN sau khi niêm yết và bán cổ phần Nhà nước sẽ trở thành công ty đa chủ sở hữu, từng bước tuyển chọn bộ máy quản trị và điều hành phù hợp, đặt lợi ích DN lên trên hết, không phụ thuộc vào một cổ đông nào, hơn nữa đầu tư vào nông nghiệp cũng đang là một xu thế.

H.Hương