Giải pháp và hiệu quả

Lê Anh Đức 22/02/2017 11:25

Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải mới đây, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Lê Vinh đề xuất cấm taxi chạy dọc tuyến đường có xe buýt nhanh (BRT).

Lý do ông Vinh đưa ra để kiến giải cho đề xuất của mình nhằm hỗ trợ BRT và giảm ùn tắc giao thông. Dư luận cho rằng, đề xuất trên sẽ là xác đáng nếu mạng lưới giao thông công cộng đáp ứng được cơ bản nhu cầu của người dân. Còn trong bối cảnh hiện nay thì quả là bất khả thi.

Chúng ta hãy phân tích từng khía cạnh cả tích cực cũng như chưa hợp lý của đề xuất cấm taxi hoạt động trên các tuyến phố có BRT, ngõ hầu tìm ra được quyết sách đúng đắn nhất cho vấn đề này.

Tin rằng, một vấn đề nếu đã được “mổ xẻ” ở mọi góc cạnh, mọi chiều hướng thì sẽ có giải pháp tốt nhất, hữu hiệu nhất, tránh được sai lầm của việc ban hành các quy định “trên trời” để rồi sau một thời gian ngắn thực hiện đã phải bãi bỏ vì bất hợp lý, phi logic.

Trước hết, hãy bàn đến khía cạnh tích cực trong đề xuất của Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội. Chẳng kể gì đến những người được giao nhiệm vụ quản lý trật tự đô thị, ATGT..., chỉ cần là một người dân Hà Nội bình thường cũng đều biết không ít lái xe taxi hiện nay như những hung thần xa lộ, có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào.

Dù đã có đường riêng nhưng xe buýt nhanh vẫn chưa hoạt động hiệu quả.

Họ sẵn sàng vượt đèn đỏ, đi lấn làn, giành đường, thậm chí quay ngang xe giữa phố phường đông đúc để tranh giành đón khách mà không cần biết hậu quả xảy ra.

Chính vì thói quen vô tổ chức, bất chấp luật lệ đó mà khi đi vào tuyến đường có BRT, nhiều lái xe taxi đã không ngần ngại cố ý đi vào làn đường dành riêng cho loại hình vận tải công cộng này.

Đâu phải tự nhiên mà trong khi đường phố của Hà Nội vốn dĩ đã chật hẹp, người ta lại “xẻ” một làn đường giành riêng cho BRT. Đương nhiên là có lý do rồi, đó là để loại hình vận tải này có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân đúng như cái tên gọi của nó – xe buýt nhanh. Theo lẽ đó thì tất nhiên không thể chấp nhận bất cứ loại phương tiện nào chiếm dụng làn đường giành riêng cho BRT.

Ngay cả khi các lái xe taxi có đồng thanh hô to: Cứ cho chúng tôi hoạt động trên các tuyến phố có BRT đi, chúng tôi hứa sẽ không lấn làn dành riêng cho loại hình vận tải công cộng này, thì e rằng các nhà quản lý vẫn còn lý do để thoái thác yêu cầu này.

Như đã nói ở trên, đa số các đường phố Hà Nội hiện nay khá nhỏ, nay lại phải nhường một làn dành riêng cho BRT nên nó càng trở nên chật hẹp. Vậy nên dù các lái xe taxi có không đi lấn làn, nhưng sự góp mặt của họ cũng làm mật độ giao thông ở những tuyến phố có BRT trở nên dày đặc hơn. Lẽ đương nhiên mật độ dày đặc thì phải xảy ra ùn tắc và TNGT thôi.

Giờ mới bàn đến khía cạnh bất hợp lý của đề xuất cấm taxi trên các tuyến đường có BRT. Hiện, Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện cấm taxi hoạt động trong giờ cao điểm tại những tuyến phố có BRT hoạt động.

Khách quan mà nói, việc cấm này cũng đã ít nhiều mang lại hiệu quả tích cực: BRT hoạt động trơn tru hơn, mật độ giao thông không quá cao dẫn đến giảm ùn tắc giao thông. Song, người dân vào những giờ này khi cần di chuyển cũng hết sức khốn khổ vì không biết đi bằng phương tiện gì, nhất là những người ở các tuyến phố “xương cá” của tuyến đường có BRT hoạt động.

Chỉ có một vài thời điểm trong ngày taxi bị cấm đã khiến người dân khốn đốn khi cần di chuyển rồi, vậy nếu “cấm tiệt” thì sẽ ra sao đây? Bài toán vận tải hành khách công cộng đến nay Hà Nội chưa giải quyết được đến tận cùng của vấn đề.

So với vài năm trước thì không thể phủ nhận số luồng tuyến xe buýt, số đầu xe đã tăng lên đáng kể, song nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Vì thế hiện nay song hành cùng với loại hình vận tải công cộng, người dân vẫn phải sử dụng taxi, xe ôm... để di chuyển. Như vậy nếu thực sự “cấm cửa” taxi tại các tuyến đường có BRT hoạt động thì quả là sự thách thức đối với vấn đề đi lại của người dân.

Hơn nữa, cái gốc của vấn nạn ùn tắc và TNGT không phải là xe taxi, mà chính là sự quản lý đô thị yếu kém, quy hoạch thiếu tầm nhìn, hạ tầng giao thông không đồng bộ...

Nếu chính quyền Hà Nội thực sự muốn giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông thì cần xem xét kỹ lưỡng quy hoạch ngắn, trung và dài hạn của mình, cùng với đó là chấn chỉnh, tăng cường quản lý trật tự đô thị, quan trọng hơn cả là chấm dứt việc tăng dân số cơ học một cách ồ ạt như hiện nay. Khi đã giải quyết được các vấn đề trên thì áp lực về giao thông sẽ giảm và đương nhiên vấn nạn ùn tắc giao thông khắc sẽ tự lui.

Nói như Chánh Văn phòng UB ATGT quốc gia Nguyễn Trọng Thái: Vấn đề chống ùn tắc giao thông hiện đang nan giải, nên việc các cá nhân, đơn vị đóng góp ý kiến để giải quyết là điều đáng quý và đều được coi trọng.

Tuy nhiên, các đề xuất này sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu một cách thấu đáo, chứ không phải cứ nói là thực hiện được ngay. Dư luận tin tưởng chính quyền TP Hà Nội sẽ đưa ra một quyết định sáng suốt, thấu tình đạt lý, quan trọng hơn là phải hiệu quả.

Lê Anh Đức