Tăng kiểm soát nhập khẩu
Do hàng rào kỹ thuật không hiệu quả, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với việc gia tăng nguy cơ không kiểm soát được hàng hóa nhập khẩu. Điều này dễ dẫn tới việc Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm kém chất lượng. Đây là mối quan ngại trước bối cảnh các cam kết hội nhập từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), một mặt tạo ra cơ hội nhưng đồng thời tạo ra nhiều thách thức lớn với Việt Nam.
Nhìn lại hoạt động nhập khẩu trong năm 2016 vừa qua, có thể thấy cơ cấu nhập khẩu nhóm hàng nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng trong nước tiếp tục cao. Giới chuyên gia nhận định, vấn đề thứ nhất là tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở bên ngoài. Điều đó khiến cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Như trong lĩnh vực sản xuất ô tô, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho là có dấu hiệu một số doanh nghiệp trong ngành sản xuất ô tô đang muốn nhập ô tô từ các nước trong khu vực thay cho nhập khẩu linh kiện về lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam vì lợi nhuận cao hơn.
Vấn đề thứ hai là nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất vẫn tiếp tục cao ở các thị trường có công nghệ và chất lượng hàng hóa ở mức trung bình như Trung Quốc… Điều này được cho là sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất và toàn chuỗi cung ứng.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong năm 2016, các mặt hàng nhập khẩu tăng như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 28,1 tỷ USD (tăng 1,8%); điện tử máy tính và linh kiện đạt 27,8 tỷ USD (tăng 20,1%), sắt thép đạt 8 tỷ USD (tăng 7,3%); chất dẻo đạt 6,3 tỷ USD (tăng 5,5%); nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 5,1 tỷ USD (tăng 1,9%).
Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn từ Trung Quốc, gồm: Máy móc, thiết bị, phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; hóa chất… Mặc dù kim ngạch nhập khẩu năm 2016 tại thị trường Trung Quốc có giảm mạnh so với năm 2015 nhưng giá trị vẫn cao nhất trong các thị trường nhập khẩu. Nhập khẩu từ nước này năm 2016 đạt 49,9 tỷ USD, chiếm hơn 28% tổng kim ngạch, tăng khoảng 1% so với năm 2015.
Vấn đề thứ ba là nhập khẩu và xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng cao hơn so với nhập khẩu và xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng 5,1%, còn khối trong nước tăng 4%, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng 11,8% (không kể dầu thô), khối trong nước tăng 4,8%. Điều đó cho thấy sản xuất của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn.
Thực tế, các doanh nghiệp FDI đã chiếm khoảng 17% thị phần bán lẻ qua trung tâm thương mại, siêu thị; khoảng 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi; khoảng 15% thị phần của phương thức bán hàng qua siêu thị mini; và khoảng 50% thị phần bán lẻ không thông qua cửa hàng (bán hàng trực tuyến qua internet, qua truyền hình, qua điện thoại...).
Lo nhất, như nhận định của Bộ Công thương, là việc gia tăng nguy cơ không kiểm soát được hàng hóa nhập khẩu do các hàng rào kỹ thuật không hiệu quả, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, Bộ Công thương cho rằng cần tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý nhập khẩu.