Nguyễn Văn Tỵ - người thầy của những họa sĩ tài danh
Ngày 22/2, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và gia đình đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, một trong 19 nghệ sĩ tạo hình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật.
Tác phẩm Nhà tranh gốc mít.
1. Tại buổi lễ nhiều học trò, đồng nghiệp của cố họa sĩ đã có dịp ôn lại những kỷ niệm xưa về ông, một trong những học viên của Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa XI (1936 - 1941).
Say mê nghệ thuật, đi nhiều nơi, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã đem vốn sống thực tế, tìm tòi, thể nghiệm sáng tác nghệ thuật. Các tác phẩm hội họa, đồ họa của ông thể hiện bút pháp khỏe khoắn, hình họa chuẩn xác, lối vẽ phóng khoáng với những tìm tòi thể nghiệm tạo nên bản sắc riêng. Từ những tác phẩm trước cách mạng như: Trẩy hội - khắc gỗ (1939), Thiếu nữ và biển - sơn mài (1940), Biển và nhân vật - sơn mài (1943), đến những tác phẩm sau này: Du kích Cảnh Dương - khắc gỗ (1948), Phong cảnh Thủy Nguyên - sơn mài (1958), Chặng đường chiến dịch - sơn mài (1980)..., cho thấy hội họa của ông phát triển gắn bó với đời sống hiện thực đất nước, mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật, đứng vững trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ.
2. Không những vậy, theo họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam bên cạnh việc sáng tác, ông còn là một nhà giáo đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã mở các lớp vẽ cho thiếu nhi từ nông thôn đến thành thị, phụ trách trường Cao đẳng Mỹ thuật và xưởng họa liên khu 4; dạy tại trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Bắc. Từ năm 1956 đến 1970, ông là giảng viên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, tham gia dạy từ khóa đầu tiên mang tên Tô Ngọc Vân đến các khóa Đại học mỹ thuật sau này. Ông cũng là người viết nhiều giáo trình về Mỹ thuật để phục vụ cho công tác giảng dạy như “Giáo trình Mỹ thuật cấp Đại học”, “Giáo trình về Lịch sử Mỹ thuật thế giới”, “Giáo trình Nghệ thuật trang trí”. Đặc biệt, cuốn sách “Bước đầu học vẽ” được NXB Văn hóa in năm 1963 đã được tái bản đến 3 lần. Ông là một trong những họa sĩ tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có công đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ góp phần cho sự phát triển nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng, Họa sĩ cũng là một trong những người tích cực tìm tòi, bổ sung làm phong phú thêm cho chất liệu sơn mài các kỹ thuật, chất liệu như cách rây vàng bạc, sử dụng vỏ trứng, vỏ trai, đắp nổi. Đặc biệt, họa sĩ có đóng góp lớn trong việc đưa màu xanh lam và sắc trắng của vỏ trứng vào tranh sơn mài nhằm phá vỡ thế độc tôn của gam màu đỏ đen. Cùng với đó, bên cạnh những giải thưởng tôn vinh sự nghiệp sáng tác, hoạt động mỹ thuật tôn vinh sự nghiệp sáng tác, hoạt động mỹ thuật của ông có lẽ giải thưởng lớn nhất đối với ông là đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ góp phần phát triển nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Ông xứng đáng được vinh danh bằng tên gọi cao quý, Nguyễn Văn Tỵ, người thầy của những thế hệ họa sĩ thành danh của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
3. Có mặt tại lễ kỷ niệm, nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo kể lại, ngày đó khi ông về Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam công tác, bài học đầu tiên của ông là đi thư viện tìm đọc các bài viết, bài nghiên cứu, tìm xem các tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ bậc thầy mà ông đã được học trong những khóa đầu tiên.
Cũng trong câu chuyện của mình, nhà nghiên cứu Lê Quốc Bảo cho biết ngày đó chính sự kiện bài báo của thầy Tỵ về danh họa Picasso và nghệ thuật hiện đại đã có một tác động lớn đến quan điểm kiến thức nghệ thuật của ông, để rồi sau này khi vào trường Huế thỉnh giảng, ông đã thẳng thắn trình bày quan điểm nghệ thuật của mình: “nghệ thuật lập thể là một cuộc cách mạng lớn về không gian, một cách nhìn về bốn phương tám hướng mở rộng không gian trên một mặt phẳng”, “nghệ thuật siêu thực biểu hiện trừu tượng không bị ràng buộc vào cái thấy, dễ tạo nên cái hoạt trong nhịp điệu hình và màu”, “còn nghệ thuật ấn tượng mở đầu cho chủ nghĩa hiện đại. Ánh sáng phải là nhân vật chính trong tranh trừu tượng. Một cuộc trao đổi nghệ thuật cởi mở, bổ ích, thân tình cho cả người nói và người nghe, phải cảm ơn thầy Nguyễn Văn Tỵ”.
Những điểm mới trong quan niệm nghệ thuật cởi mở của Nguyễn Văn Tỵ đã đưa ông vào hàng ngũ các nhà phê bình nghệ thuật hiếm hoi nhưng thành danh trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu giảng dạy của mình, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ cũng dành nhiều tâm huyết cho sáng tác hội họa sơn mài, với khao khát cháy bỏng, muốn sơn mài Việt Nam tiến xa.
Nhiều người còn nhớ, năm 1932 khi Trường Mỹ thuật Đông Dương mở xưởng sơn mài phục vụ cho môn học của khoa Hội họa, Nguyễn Văn Tỵ khi đó vẫn là sinh viên cùng khoa với họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân… đã tìm tòi, bổ sung làm phong phú thêm cho chất liệu sơn mài. Năm 1937, sơn mài Việt Nam lần đầu tiên ra mắt công chúng nước ngoài tại Hội chợ đấu xảo quốc tế ở Paris, Pháp, và được đánh giá cao.
Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ (1917 - 1992) tốt nghiệp khoá XI Trường Mỹ thuật Đông Dương và là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Với 75 tuổi đời, 55 năm nghề nghiệp, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã dành tâm trí cho sáng tạo nghệ thuật. Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cho các tác phẩm xuất sắc về Văn học nghệ thuật; cùng nhiều giải thưởng khác: Huy chương Bạc Triển lãm đồ họa Quốc tế Leipzig (1965), Huy chương Đồng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (1995)… |