Thu thuế bán hàng trên mạng xã hội: Liệu có khả thi?

Hồ Hương 24/02/2017 08:00

Kinh doanh qua mạng (hay gọi là thương mại điện tử) đang ngày càng nở rộ nhưng đi kèm với hoạt động này là lỗ hổng thất thu thuế. Vừa qua cơ quan chức năng đặt vấn đề nên thu thuế với bán hàng qua mạng xã hội. Đề xuất thu thuế bán hàng qua Facebook, instagram được đưa ra trong bối cảnh cần tăng thu ngân sách đang nhận được những ý kiến khác nhau. Việc thu thuế là cần thiết, nhưng bằng cách nào, quản lý người bán ra sao, liệu có công bằng không... là những câu hỏi được đặt ra.

Hoạt động bán hàng trên mạng hầu như chưa được thu thuế.

Làm sao để quản lý thuế phát sinh

Bán hàng trên mạng đang được thực hiện qua rất nhiều phương thức, từ việc đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử, lập các trang web riêng, đến kinh doanh qua Facebook, instagram đến zalo...

Làm sao để thu thuế các hoạt động kinh này, đưa vào ngân sách nhà nước bình đẳng với kinh doanh truyền thống vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

Một thống kê từ Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn có khoảng 80.000 website hoạt động, trong đó 40.000 website hoạt động ổn định, nhưng thu thuế trong lĩnh vực này rất kém. Đặc biệt hoạt động bán hàng qua facebook hầu như chưa thu được thuế.

Vì vậy Sở công thương TP HCM cho rằng, nên cần có sự phối hợp của các ban ngành làm việc với Facebook để có cơ chế hỗ trợ trong việc kiểm soát nguồn thu.

Hoạt động kinh doanh buôn bán qua Facebook hay trên các các hình thức khác hiện có tốc độ tăng trưởng nhanh. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là nơi phát triển hoạt động kinh doanh thương mại điện tử sớm nhất, có doanh thu quảng cáo, mua bán các dịch vụ, sản phẩm qua mạng cao nhất trong cả nước.

Tuy nhiên, tiền thuế do doanh nghiệp tự khai, tự tính, tự nộp vào ngân sách nhà nước lại không tương ứng với doanh thu thực tế. Chưa kể, một lượng cá nhân mặc sức kinh doanh thu tiền mà không hề nghĩ đến chuyện nộp thuế.

Tiếng nói người trong cuộc

Tham gia vào một điểm giao dịch buôn bán tại một khu chung cư ở Hà Đông, Hà Nội, chị Lan Anh nói, thi thoảng chị vẫn đưa một số mặt hàng đồ gia dụng lên trên trang cá nhân của mình để cho mọi người trong tòa nhà biết mình đang có mặt hàng này mặt hàng kia.

“Chỉ là kinh doanh lặt vặt nên khi đọc thông tin bán hàng qua facebook cũng bị thu thuế khiến tôi khó hiểu” – chị Lan Anh thắc mắc. Thực tế cũng đang chỉ ra có sự khác biệt giữa cá nhân và tổ chức khi kinh doanh hàng trên facebook. Và rất khó có thể bắt tất cả mọi trường hợp kinh doanh trên Facebook đều phải đóng thuế.

Luật sư Bùi Quang Tín lý giải, theo nguyên tắc của luật Quản lý thuế tại Việt Nam, bất kỳ chủ thể nào đã kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Đó là nghĩa vụ của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào.

Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử không quy định cụ thể về việc nộp thuế của người bán hàng trên mạng xã hội nhưng Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã quy định: “Người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”. Việc kê khai thuế, cách thức thu thuế, mức thuế, loại thuế…được áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành về thuế và quản lý thuế. Hình thức giao dịch của Facebook cũng là 1 sàn giao dịch thương mại điện tử. Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì Facebook phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Mới đây, tại cuộc họp vào 22-2 ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết đề xuất thêm giải pháp để quản lý thuế bởi hiện nay theo báo cáo từ phòng ban chuyên môn về thương mại điện tử của Sở Công thương, nếu muốn quản lý thuế bán hàng qua Facebook thì phải được sự đồng ý của Facebook.

Một cửa hàng được lập trên mạng facebook.

Phối hợp để thu thuế

Luật sư Bùi Quang Tín cho rằng, Việt Nam phải làm việc với bên Facebook để họ thực hiện sự hiện diện hợp pháp tại Việt Nam theo các hình thức như: có văn phòng đại diện, có chi nhánh hoạt động ở Việt Nam hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam, đuôi .vn.

Sau đó, người kinh doanh trên Facebook cũng phải thực hiện các trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật như cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin gồm tên, địa chỉ, số điện thoại của người bán, mã số thuế cá nhân (nếu có)… cho chủ sàn giao dịch TMĐT khi đăng ký sử dụng dịch vụ; Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định khi bán hàng hóa; Đảm bảo tính chính xác, trung thực về thông tin của hàng hóa, dịch vụ….

Từ việc đăng ký hợp pháp đó của người kinh doanh trên FB, thì cơ quan thuế sẽ tiến hành thu thuế theo quy định trong Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng cần ban hành các văn bản chế tài cụ thể đối với người vi phạm.

Trả lời báo giới, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, vấn đề cơ bản trong việc quản lý thuế thương mại điện tử này chính là lọc ra đối tượng kinh doanh nào phải có trách nhiệm đăng ký kinh doanh và khi họ đăng ký kinh doanh rồi thì thành phố sẽ quản lý theo đúng quy định pháp luật về thuế.

Còn theo Luật sư Hà Huy Phong - Công ty Luật Inteco, để nhận diện và quản lý đối tượng bán hàng trên mạng, bắt buộc phải có sự hợp tác từ phía nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. Vì thế, phải có chế tài buộc các đơn vị này hợp tác.

Theo thống kê của Bộ Công thương, tổng doanh số trên mạng khoảng 40% tìm hiểu, mua sắm về thời trang; 60% còn lại tìm hiểu, mua sắm điện thoại di động, thiết bị nhà bếp, thực phẩm khô… Khách hàng chủ yếu là nhân viên văn phòng, có tuổi đời từ 22-40, tập trung nhiều tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mức độ trung thành của khách hàng thấp, họ có thể mua sắm tại trang này, nhưng cũng dễ dàng chuyển sang các trang khác. Không những thế, người mua sẽ thanh toán sau khi nhận hàng chiếm 90% tổng doanh thu. Thanh toán qua Internetbanking/thẻ tín dụng/thẻ ATM chiếm 15% và phương pháp giao hàng phổ biến nhất hiện nay vẫn chủ yếu bằng phương tiện xe máy.

Hồ Hương