Ẩn họa từ sơn thẳm - Bài 1: Họa… từ tứ khoái
Do tập tục, trình độ hiểu biết còn hạn chế, lại thêm điều kiện sống khó khăn nên ẩn họa từ thực phẩm đang là một trong những nỗi bất an đối với đồng bào vùng cao. Để từ đó, sau mỗi mùa Tết, mùa lễ hội, mừng nhà mới, dựng vợ gả chồng… vùng cao lại thêm những nỗi đau quặn thắt từ chuyện hết sức đơn giản là ăn và uống này.
Ngộ độc thực phẩm luôn là nỗi lo của đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang.
Theo quan niệm dân gian, trong “tứ khoái” thì chuyện ăn luôn được xếp ở vị trí đầu tiên. Tuy nhiên, với đồng bào vùng cao thì cái sự khoái khẩu này luôn chứa chấp những ẩn họa.
Một bữa ăn… 4 mạng người!
Có duyên, sau mỗi độ Xuân đến, Tết về này tôi lại đi vùng cao. Ngoài chuyện vui thú, khám phá thì còn có điều làm tôi quan tâm đấy là chuyện hệ lụy từ ăn uống.
Trong các tỉnh miền núi phía Bắc tôi đã đi qua, những con số ghi ở các cuốn sổ lưu cữu thì chuyện “tử” vì… “ăn” ở khu vực Hà Giang vẫn nhích cao hơn cả. Tuy tuyên truyền, tuy phòng chống đấy, nhưng họa do ăn vẫn xảy ra, nó đường đột và khó tìm cách chống, tựa như cơn mưa rừng vậy.
Theo số liệu thống kê ở tỉnh này, đến nay ngộ độc về ăn uống thường xuất hiện ở 5/11 huyện, thành phố của tỉnh. Gần đây, chỉ trong một thời gian ngắn đã có khoảng 30 vụ ngộ độc theo diện lớn xảy ra làm gần 200 người chịu hậu quả và nhiều người trong số đó đã tử vong.
Ở Hà Giang, nhói lòng nhất có lẽ là vụ ngộ độc tại thôn Kẹp B, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê. Hôm ấy, vào cữ “tháng 3 ngày 8”, như câu nói của các cụ, lúc này cái đói giáp hạt bắt đầu vào kì cao điểm. Đặc biệt, với một thôn xa xôi như Kẹp B thì cái đói, cái thiếu đã đến “gõ cửa” các nhà dân sau cữ độ Tết lâu lắm rồi.
Vì đói, vì thiếu, lại thêm sự nheo nhóc và kêu gào của lũ con nên người mẹ trẻ có tên Giàng Thị Ly đã phải vét những hạt ngô giống còn sót lại, đã lên mốc để xay và làm bánh cho 3 đứa con tội nghiệp của mình là Hạng Mí Dình (6 tuổi), Hạng Mí Lử (4 tuổi), Hạng Thị Vừ, 18 tháng tuổi ăn.
Bữa ăn chống đói cho con chưa qua thì hậu họa đã gõ cửa. Vừa rời chiếc thìa gỗ khỏi tay, hai cháu Dình và Lử đã kêu đau đầu, chóng mặt. Ngỡ tưởng con chỉ đau bụng bình thường, mà chuyện đau bụng này với trẻ cũng như người dân trên đây lâu nay cũng không quan trọng lắm, nên người mẹ trẻ chỉ biết dỗ con mình. Sau đó, đến lượt chị Ly và cháu Hạng Mí Vừ cũng xuất hiện triệu chứng tương tự.
Rảo chân trong cơn đau và cơn choáng váng, chị Ly phi ra rừng, cắt sang nhà hàng xóm để kêu cứu. Được sự trợ giúp của người dân, 4 mẹ con đã được đưa đi cấp cứu. Nhưng ngay sau đó, do còn nhỏ, sức đề kháng yếu, hơn nữa lại ăn nhiều nên hai cháu Dình và Lử đã qua đời.
Từ trạm y tế xã, trước nguy cơ nguy kịch, các bác sĩ, y tá ở đây đã chuyển tiếp chị Ly và cháu Vừ ra Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Mê. Nhưng tại đây, cháu Vừ cũng không qua khỏi. Và rồi với sự hỗ trợ tích cực của các bác sĩ và các phương tiện y tế hiện đại, nhưng chị Ly cũng phải “chia tay” với người chồng trẻ Hạng Chìa Khai cùng với bà con thân yêu nơi thôn Kẹp B của mình!
Nơm nớp nỗi lo
Ai cũng biết, với đồng bào vùng cao, nhất là khu vực Hà Giang, nơi có trên 20 dân tộc anh em sinh sống, do quan niệm và lễ tục nên thời gian vui chơi, thời gian lễ hội của đồng bào nơi đây tương đối kéo dài. Và cùng với chuyện vui chơi, là những cuộc nhậu.
Trong các món ăn khoái khẩu thì ngô và các chế phẩm từ ngô luôn xuất hiện trong các bữa ăn. Do tập quán canh tác, năm trồng 1 vụ nên việc trữ ngô và bảo quản ngô thường kéo dài và đôi khi không được tốt, dễ bị hỏng gây ngộ độc cho người ăn.
Ngô hiện vẫn là lương thực truyền thống của đồng bào, ngoài mèn mén (khô, hoặc ướt) thì bánh ngô, đặc biệt trong đó có món bánh trôi làm từ bột ngô luôn gây ra những ca ngộ độc với nhiều người mắc nhất.
Bánh ngô luôn tiềm ẩn rủi ro về ngộ độc.
Theo quan niệm người Mông, Tết và lễ người ta phải làm loại bánh này, nó được coi và quý như bánh chưng của người Kinh vậy. Bánh ngô làm để ăn, để đãi bạn, nhà nào cũng làm, thậm chí nếu là nhà khá giả thì lúc nào cũng có đến vài chục kg bột loại bánh này được làm sẵn.
Để có bột làm loại bánh này, thông thường người ta phải dùng thời gian ít nhất là 10 – 15 ngày để ngâm chua hạt ngô. Sau khi ngâm, người ta cho ngô vào xay, rồi dùng túi vải treo lên cho bột ráo nước.
Nhưng theo cảnh báo, với khí hậu ẩm thấp như vùng cao nguyên đá Hà Giang thì cần 3-5 ngày loại bột này sẽ nhiễm một loại khuẩn mốc gây họa cho người ăn.
Nếu ăn phải thứ bột ngô này, người ta thường có các biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau bụng, rối loạn các chức năng gan, thận, hô hấp và tử vong rất nhanh chỉ sau khoảng 8- 48 giờ.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Giang, trong các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận, có tới 19 vụ ngộ độc do ăn phải bánh trôi làm từ bột ngô mốc với 105 người mắc làm 43 người chết. Trong đó 8/19 vụ có tỷ lệ người chết chiếm 100% trong tổng số người bị ngộ độc.
Địa phương xảy ra ngộ độc nhiều nhất là huyện Mèo Vạc, chiếm 10/19 vụ, 20/43 người chết. Điều đau lòng hơn là trong tổng số 105 người bị ngộ độc do ăn bánh trôi ngô mốc thì có tới 56 trẻ em và 23/43 ca tử vong là trẻ dưới 15 tuổi, trong đó có có 02 trẻ mới ở lứa tuổi 18 tháng.
(Bài 2: “Góc khuất”… “men trời cho”!)