Nghiên cứu toàn bộ lịch sử Việt Nam: Nhận thức đầy đủ về chủ quyền lãnh thổ quốc gia
Đó là một trong những thông điệp được GS Phan Huy Lê- Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đưa ra tại buổi thông tin khoa học “Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương vừa tổ chức tại Hà Nội.
Một số công trình nghiên cứu về chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ trì đã được xuất bản.
Theo GS Phan Huy Lê, cần phải xác lập quan điểm mới cho những khoảng trống trong lịch sử dân tộc, qua đó chúng ta sẽ tìm được giải pháp xuyên suốt cho vấn đề chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vấn đề Nam Bộ.
Không được để khoảng trống trong lịch sử
Trình bày tại buổi thông tin này, GS Phan Huy Lê đã nêu những thành tựu nổi bật mới trong nghiên cứu suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Theo đó, bên cạnh văn hóa Đông Sơn thì việc nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Óc Eo đã đạt được nhiều thành tựu. Ba nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo tồn tại ở ba miền Bắc, Trung, Nam đều phát triển rực rỡ và bổ sung cho nhau.
Trong thời kỳ Bắc thuộc, đã có thêm những cơ sở để khẳng định cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan kéo dài gần tròn 10 năm (713-722) chứ không phải chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, bùng nổ và thất bại trong năm 722. Điều đặc biệt, cuộc khởi nghĩa không chỉ quy tụ nhân dân trong nước mà còn liên kết với nhiều quốc gia xung quanh như Chân Lạp, Chăm Pa...
Chia sẻ những thành tựu nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, GS Phan Huy Lê cho biết, nhiều giai đoạn lịch sử đã được nhìn nhận một cách khách quan hơn, kể cả mặt tích cực cũng như mặt hạn chế. Những vấn đề này từng được đề cập tới nhân hoạt động kỷ niệm 50 năm Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam diễn ra cách đây ít lâu.
Đơn cử như ở thời cổ đại các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo đã được các nhà khảo cổ học phát hiện thêm nhiều di tích và nghiên cứu sâu hơn trong mối quan hệ giữa các nền văn hóa và với không gian văn hóa rộng lớn của của khu vực.
Lịch sử cổ đại Việt Nam được nhận thức bao gồm 3 trung tâm văn hóa lớn gắn liền với sự hình thành những nhà nước đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam: nhà nước Văn Lang - Âu Lạc ở miền Bắc, nhà nước Lâm Ấp ở miền Trung và nhà nước Phù Nam ở miền Nam. Trong nhận thức trước đây, lịch sử vùng đất Nam Trung Bộ chỉ bắt đầu khi người Việt vào khai phá từ thế kỷ 16.
Lịch sử vùng đất Nam Bộ cũng chỉ bắt đầu khi người Việt vào khai phá từ đầu thế kỷ 17, và như thế là chúng ta đã để lại một khoảng trống mù mịt của lịch sử trước đó.
Kết quả nghiên cứu mới đã xác định lịch sử Việt Nam là lịch sử của tất cả cộng đồng dân cư, các tộc người (dân tộc) đã từng tồn tại trên không gian lãnh thổ hiện nay, đã từng góp phần xây dựng bảo vệ đất nước, sáng tạo văn hóa Việt Nam.
Người Kinh (Việt) là dân tộc đa số, hiện nay chiếm khoảng 86% dân số, dĩ nhiên giữ vai trò trung tâm đoàn kết, lực lượng chủ đạo trong tiến trình lịch sử. Nhưng các dân tộc thiểu số đều có những cống hiến cần được trân trọng và phản ánh đầy đủ trong lịch sử dân tộc. Đấy là nhận thức về tính toàn bộ của lịch sử Việt Nam.
Cũng theo GS Phan Huy Lê, một đặc điểm nổi bật của lịch sử Việt Nam là nhiều lần chống giặc ngoại xâm, hơn nữa phải đương đầu với nhiều đế chế hùng mạnh bậc nhất của phương Đông và một số đế quốc cường thịnh trên thế giới. Đó là những cuộc chiến đấu giữ vai trò định đoạt sự tồn vong của dân tộc.
Những trang sử chống ngoại xâm cần có vị trí xứng đáng trong lịch sử dân tộc. Nhưng cùng với lịch sử chống xâm lược, cần coi trọng hơn lịch sử xây dựng đất nước với các thành tựu về kinh tế, xã hội, văn hóa… và lịch sử dựng nước luôn là nền tảng trường tồn của dân tộc.
Trong mấy thập kỷ gần đây, một quan niệm toàn diện như vậy về lịch sử Việt Nam đã được khẳng định và nhiều công trình nghiên cứu về kinh tế- xã hội- văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng đã cung cấp cơ sở khoa học để thực hiện tính toàn diện của lịch sử dân tộc.
Xây dựng một bộ quốc sử xứng tầm
GS Phan Huy Lê chia sẻ: Trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu mới về lịch sử Việt Nam ở trong nước và trên thế giới, cùng với yêu cầu bức xúc của xã hội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã kiến nghị tập hợp lực lượng sử học cả nước để biên soạn một bộ lịch sử Việt Nam mang tính quốc gia. Từ đề xuất, kiến nghị của Hội, Ban Bí thư và Chính phủ chấp thuận và Đề án KHXH cấp quốc gia “Nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” do Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì và tổ chức đã và đang được thực hiện. GS Phan Huy Lê là chủ nhiệm đề án này.
Theo đó, tới đây chúng ta sẽ có một bộ quốc sử với 25 tập chính sử và 5 tập biên niên. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có một bộ sử tích hợp tất cả các quan điểm sử học trong và ngoài nước, thể hiện tầm quốc gia những quan điểm chính thức của Việt Nam. Từ đây có thể coi là một bộ sử gốc.
GS Phan Huy Lê khẳng định: Tất cả những gì diễn ra trên lãnh thổ này đều thuộc chủ quyền Việt Nam, là bộ phận của lịch sử Việt Nam. Tất cả các nền văn hóa từng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam đều là di sản của văn hóa Việt Nam, đều là bộ phận tạo thành của văn hóa Việt Nam.
Bộ quốc sử đang được kỳ vọng ấy xuất phát từ mục tiêu nghiên cứu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong nhiều thập kỷ gần đây. Đó là lịch sử biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt - Campuchia, nghiên cứu Biển Đông và chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Một số công trình nghiên cứu đã được xuất bản và nhiều luận văn khoa học đã được công bố trên các tạp chí khoa học trong các kỷ yếu hội thảo. Đơn cử như cuốn “Lược sử vùng đất Nam Bộ” (GS Vũ Minh Giang chủ biên), “Biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc” (GS Dương Ninh chủ biên) đã được xuất bản và phổ biến rộng rãi.
Theo GS Phan Huy Lê, nếu xác lập quan điểm lịch sử mới, chúng ta sẽ tìm được giải pháp xuyên suốt cho vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đất Nam Bộ. Đặc biệt, những nghiên cứu mới về lịch sử sẽ vừa phản ánh thực tế lịch sử, vừa thể hiện sự khách quan và là căn cứ pháp lý trọng yếu để khẳng định chủ quyền Việt Nam cả trên đất liền và trên biển đảo.
Hiện nhóm biên soạn bộ quốc sử Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện xong bản thảo. Dự kiến công trình sẽ hoàn thiện vào năm 2018 để xuất bản vào năm 2019. Tham gia hoàn thành bộ quốc sử này có sự đóng góp của nhiều GS nghiên cứu trong và ngoài nước.