Ẩn họa từ sơn thẳm - Bài 2: Góc khuất… 'men trời cho'

Đơn Thương 25/02/2017 08:40

Rượu lâu nay vẫn được bà con vùng cao gọi là “men của trời” tặng con người. Tuy nhiên hiện nay thứ “men trời” này mỗi năm cũng gây không ít buồn phiền cho bà con.

Rượu đang được coi là một trong những nguyên nhân gây họa cho đồng bào vùng cao.

Thật giả khôn lường

Do thói quen và tập tục nên đến miền núi, chuyện gặp và uống chẳng có gì lạ. Tại thành phố Hà Giang có cả một phố mang tên ẩm thực mà người dân hay quen gọi là “Phố nhậu”.

Nhiều năm nay, để đáp ứng nhu cầu của thực khách, nhiều khu vực vùng cao nổi tiếng về các sản phẩm rượu cũng được dịp bùng phát. Nhưng việc rượu có chuẩn, có nguồn gốc, có gây họa với con người không thì còn phải xem lại. Ngay như thứ rượu ngô nổi tiếng có tên Bản Phố, Bắc Hà- Lào Cai cũng vậy. Thật giả, đều mông lung lắm.

Hiện nay, toàn bản Phố, nơi nổi tiếng với thứ rượu ngô có khoảng 600 hộ sản xuất rượu. Tính trung bình mỗi hộ ở đây, nếu nhà chăm, mỗi tuần sẽ sản xuất (nấu) được 20 lít, mỗi tháng mỗi hộ sẽ sản xuất được trên 80 lít. Như vậy một tháng, 600 hộ dân ở bản Phố sẽ sản xuất được khoảng 48 nghìn lít, và sẽ là 576 nghìn lít cho mỗi năm.

Với “tổng sản lượng” rượu như thế này, trừ số rượu mà dân sử dụng tại chỗ, khách du lịch lên vãn cảnh trực tiếp mua, thì ước chừng số rượu còn lại chỉ đủ cung cấp cho “cái sự khoái khẩu” của những người uống ở Lào Cai, Yên Bái và thêm nữa là Tuyên Quang mà thôi. Thế nhưng, rượu bản Phố lại có mặt ở khắp nơi, nhất là các thành phố lớn.

Theo ông Giàng Seo Sẩu, nguyên là một cán bộ của Hội Nông dân xã bản Phố, giờ uống rượu Bản Phố cũng phải cẩn thận. Ở xã này, nếu vào các hộ dân để mua trực tiếp thì không nói. Chỉ cần ra các xã cận kề, hay ngoài khu vực huyện thôi, không thạo rất dễ mua phải thứ rượu Bản Phố kém chất lượng.

Cùng với Lào Cai, hiện nay Hà Giang cũng đang nổi lên là một tỉnh với những loại rượu mà theo như lời đồn đại của thiên hạ thì “ai uống một lần cũng phải nhớ”. Ngoài những thứ rượu đặc sản như rượu ngô Xuân Giang, rượu thóc Bắc Mê… thì cánh dân nhậu, thực khách vẫn bàn tán về thứ rượu ngô nổi tiếng Tráng Kìm ở huyện Quản Bạ.

Nhưng theo những người sinh sống ở Hà Giang thì thực tế rượu do người dân xã Tráng Kìm sản xuất hiện nay cũng chỉ cung cấp đủ cho người Hà Giang dùng, chứ không có để xuất ra ngoài. Nhưng trái ngược với nhận định này, rượu có thương hiệu Tráng Kìm của Hà Giang hiện nay đã… có mặt ở khắp nơi. Chẳng biết nó có từ đâu và do đâu mà có.

Cùng với sự nổi tiếng này, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có trên 10 loại rượu được đóng chai. Nhãn mác nào cũng khẳng định là đủ tiêu chuẩn, chưng cất theo lối cổ truyền, truyền thống và được các cơ quan quản lý cấp mã số tiêu chuẩn cả.

Ngoài những thứ rượu kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn, hiện nay còn có một thứ rượu được đưa từ bên kia biên giới sang. Trong những lần đi công tác tại các tỉnh miền núi, tôi đã tận mắt chứng kiến loại cao rượu và những sản phẩm rượu này. Hiện một miếng cao rượu này có giá bán khoảng 30 nghìn đồng/ miếng. Mỗi miếng khoảng 1 lạng. Trước khi uống khoảng 2 tiếng, người ta chỉ cần lấy can đong vào đó khoảng 10 lít nước lã, sau đó thả miếng cao này vào. Sau đó họ sẽ có 10 lít “rượu”.

Mở rộng tuyên truyền

Ngộ độc ăn và uống (rượu), hiện nay với bà con miền núi vẫn được coi là ẩn họa và hết sức khôn lường.

Trao đổi về vấn đề này, theo Bác sỹ Nguyễn Như Chưởng - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: Nếu dựa trên tỷ lệ hộ đói nghèo, trình độ dân trí thấp để đổ lỗi đó là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ngộ độc thì cũng chưa hẳn đã đúng. Điển hình như vụ xảy ra vào tháng 6/2014 tại xóm Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) cả 3/3 người ăn đều tử vong lại xảy ra tại một gia đình khá giả trong xóm. Bản thân ông Giàng Sìa Sính, chủ hộ cũng là công an viên, đã từng được tập huấn và có trách nhiệm đi tuyên truyền cho người dân về phòng chống ngộ độc bột ngô mốc, nhưng ông cũng chính là người đem bột ngô mốc đi nấu ăn và tử vong.

Ông Nguyễn Như Chưởng cho biết thêm, cũng không thể phủ nhận tác nhân của sự nghèo đói, phong tục tập quán mất vệ sinh trong bảo quản, ăn uống, chế biến. Thực tế cho thấy các địa bàn xảy ra ngộ độc đều nằm trong 4 huyện nghèo ở các thôn bản xa xôi, giao thông đi lại hiểm trở, cách xa trung tâm xã, huyện vài chục cây số.

Trong các năm qua, cùng với các tỉnh biên giới kề cận, ngành y tế Hà Giang cùng các ban, ngành tại địa phương liên tục có những sáng kiến ngắn hạn nhằm ngăn chặn tình trạng ngộ độc trong đó có việc sử dụng bột ngô mốc. Mở các chiến dịch truyền thông, làm mẫu sơ cứu người bị ngộ độc bằng ngôn ngữ địa phương; thành lập các đoàn kiểm tra liên thôn, xã. Đưa công tác truyền thông vào trong trường học.

Song hành cùng chính quyền địa phương, công tác phòng chống ngộ độc bột ngô mốc cũng đã và đang thu hút được sự quan tâm và tham gia nghiên cứu của các nhà khoa học đầu ngành trong phòng chống ngộ độc của cả nước. Gần đây nhất đề tài “Nghiên cứu độc tố nấm mốc ở bánh trôi ngô gây ngộ độc tại tỉnh Hà Giang và xây dựng một số giải pháp can thiệp” cũng đã được UBND tỉnh cấp nguồn kinh phí lên đến vài trăm triệu đồng để thực hiện.

Với những giải pháp này, hy vọng rằng trong thời gian tới, các tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có Hà Giang sẽ không còn người dân nghèo bỏ mạng từ chuyện ăn và uống nữa.

Đơn Thương