Khách Tây ở phố biển
Khu cuối đường Hùng Vương nối với đường Biệt thự (TP Nha Trang, Khánh Hòa), khách nước ngoài hàng ngày tấp nập. Họ, với đủ tầng lớp tụ về thuê những căn phòng bình dị để sinh sống. Ở đây hơi thở cuộc sống được thể hiện muôn màu, muôn vẻ. Nhiều chuyện thú vị từ những vị khách Tây đặc biệt này đã được kể tới, như suốt đêm dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em bán vé số, học văn hóa Việt...
Các vị khách châu Âu hòa nhập cùng lối sống thân thiện của người Việt.
Hòa nhập với cuộc sống
Đến đường Biệt thự này cảm nhận ngay được không khí nhộn nhịp và sự hòa nhập của những người khách đặc biệt với cư dân Việt Nam. Họ ăn vỉa hè, nhậu ở những quán vỉa hè như người dân bản địa. Nhiều chủ quán ở khu này cho biết, những khách Tây thuê trọ ở khu này, giàu có, nghèo cũng có nhưng họ sống với nhau rất gắn bó, không xảy ra cãi lộn bao giờ.
Ông Nguyễn Hùng Long, người dân sống lâu năm ở đây cho biết, các chủ nhà nghỉ cũng đã được chính quyền địa phương quán triệt là tuyệt đối không được lợi dụng việc người nước ngoài chưa rành rẽ ngôn ngữ mà bắt chẹt hoặc cho thuê với giá đắt. Làm sao để họ thấy những điều thân thương nhất của người Việt ở một thành phố yên bình và hiếu khách như Nha Trang.
Ngoài những hàng ăn bình dân thì cũng có rất nhiều món ăn nước ngoài để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Rất nhiều món Tây có trong thực đơn tại các nhà hàng cùng với rượu tây, pizza, cừu xông khói, salat Nga... chẳng thiếu món gì.
Phía ngoài những con hẻm đường Biệt thự là hàng chục nhà nghỉ dành cho khách Tây, phía trong lại là những khách Việt. Ông Nguyễn Văn Tùng, một người chạy xích lô lâu năm ở đây cho biết, họ là người nước ngoài nhưng thích lối sống giản dị.
Tết vừa rồi họ cũng học cách lì xì tiền mới cho trẻ con người Việt, học cách mua đồ ngày Xuân như người Việt. Ban đầu thì chưa hiểu nhau, chưa biết tiếng thì thôi nhưng khi đã hiểu rồi thì thân thiết lắm.
Những người chạy xích lô như chúng tôi ăn uống cái gì họ cũng ăn uống cái đó. Nhiều khách Tây thường bảo với cánh xích lô rằng; hiếm ở đâu có những món ăn ngon mà rẻ và sự thân thiện như khu vực này. Cứ thế miết rồi họ quen nên xem người Việt như bạn bè, như người nhà vậy.
Nhiều chủ nhà nghỉ ở đây cho biết; người nước ngoài hay người Việt cũng giống nhau, chúng tôi đều cho thuê một giá hết.
Bén duyên
Ở khu này này không ai lạ gì ông Ken Sunka, một vị khách Tây người Anh, Ken từng sang Việt Nam đi du lịch cách đây hơn 10 năm khi ấy anh mới là một sinh viên năm nhất. Chuyến đi đó với anh trở thành duyên nợ khi gặp một thiếu nữ người Việt Nam là Lê Mỹ Hạnh.
Sau đó họ tìm hiểu và nên duyên vợ chồng. Chưa có điều kiện đưa vợ về nước nhưng đầu năm mới nào, Ken cũng sang Nha Trang đón Tết cùng vợ. Ken tâm sự, không phải chỉ yêu vợ mà còn yêu cuộc sống và những con người Việt Nam. Có những năm Ken ở hết tháng 3 mới về nước. Anh vừa dạy học tiếng Anh vừa học tiếng Việt. Chẳng mấy chốc đã có được vốn tiếng Việt kha khá.
Ken tâm sự, càng học tiếng Việt, càng khám phá cuộc sống của người Việt tôi càng thấy thú vị và muốn gắn bó lâu dài ở nơi đây.
Bạn của Ken là Suny Kare cũng có chung suy nghĩ đó. Suny muốn được am hiểu thêm tiếng Việt, những câu chuyện của người Việt. Hàng ngày lại tiếp xúc với nhiều người Việt, nhất là những người lao động, những người bán hàng tạp hóa nên Suny bắt trước bạn của mình hòa nhập cùng những người Việt này, dạy tiếng Anh miễn phí cho họ. Không chỉ dạy tiếng Anh miễn phí, Suny còn nghiên cứu các nét đẹp văn hóa của người Việt và học cách ứng xử như người Việt.
Phon Mache cũng có hơn 10 năm ở Nha Trang và đã học thêm được nhiều tiếng Việt. Vốn theo học ngành Y nhưng lại có máu xê dịch, thích đi qua các vùng đất nông thôn của Việt Nam nên hàng ngày Phon Mache vẫn cưỡi trên chiếc xe honda phân khối lớn đến các vùng sâu, vùng xa cũng như các tỉnh lân cận trong những ngày mùa xuân để thăm thú bản làng, khám phá những nét sống bình dị.
Phon kể rằng: “Thời gian đầu khi chưa thông tỏ ngôn ngữ và còn bỡ ngỡ thì phải nhờ một cô gái người Việt Nam đi hướng dẫn và dịch tiếng. Nhưng giờ đi nhiều, tiếp xúc nhiều nên Phon nói tiếng Việt cũng dành lắm rồi”. Đến những vùng nông thôn ấy vừa du lịch, tìm hiểu văn hóa, du xuân, Phon còn bắt mạch, khám bệnh cho nhiều người nghèo khác.
Và cũng chả biết tự bao giờ, Phon, Ken và những người bạn của anh thấy thật gắn bó, thân thiết với mảnh đất này.
Từ đường Lê Thánh Tôn ra Trần Phú, băng qua Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật rồi thẳng xuống Biệt thự, Trần Quang Khải; phố Tây rộng dài chừng non non cây số với những bảng hiệu viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, Nga một vài nơi có cả tiếng Italia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc…và đặc biệt là người dân ở đây giao tiếp bằng ngoại ngữ rất trôi chảy. |