Giảm nghèo bền vững: Đòi hỏi cách làm mới

Theo Báo Quảng Ninh 25/02/2017 15:05

Nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không ít hộ nghèo ở vùng “lõi nghèo” không hề muốn thoát nghèo. Họ tìm mọi cách để “được nghèo”, thậm chí từ chối các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đối phó với các đoàn điều tra, khảo sát hộ nghèo... Đây là thực trạng rất đáng buồn tại không ít địa phương của tỉnh, nhất là ở những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ đầu tư cho nhóm hộ, HTX, tổ hợp tác tại vùng ĐBKK, là một trong những giải pháp xoá nghèo hiệu quả. Trong ảnh: Sản xuất miến dong tại HTX Phát triển Đình Trung (thôn Nà Ếch, xã Húc Động, huyện Bình Liêu).

Ở vùng "lõi nghèo"

Ba Chẽ hiện có 5 xã, 18 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh. Hiện toàn huyện còn 1.350 hộ nghèo, chiếm 25,91% (hộ DTTS nghèo chiếm 97,4%); 836 hộ cận nghèo, chiếm 16,04% (hộ DTTS chiếm 97%), tập trung chủ yếu ở 5 xã ĐBKK. Thu nhập bình quân đầu người của các xã ĐBKK của huyện còn thấp, trung bình đạt 13,5 triệu đồng/năm, chỉ bằng 0,75 lần so với thu nhập bình quân đầu người của tỉnh, tính theo tiêu chí nông thôn mới.

“Mục sở thị” tại xã Đồn Đạc - một trong những vùng “lõi nghèo” của huyện Ba Chẽ, chúng tôi nhận thấy sợ thoát nghèo là tâm lý chung của rất nhiều người nghèo ở đây. Anh Đặng A Hai Linh (dân tộc Dao, 28 tuổi, thôn Nà Bắp) cho biết, gia đình anh mới tách hộ ra ở riêng, gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con.

Năm 2016, anh được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xây 1 ngôi nhà cấp 4 khoảng hơn 30m2. Qua quan sát, chúng tôi thấy ngôi nhà mới chỉ được “vỏ” kiên cố, bên trong không có tài sản gì ngoài 2 cái giường cũ, đồ đạc sắp xếp bừa bộn. Tuy nhiên, nhà vệ sinh lại được xây dựng khá tươm tất với bồn cầu tự hoại và máy nóng lạnh.

Anh Linh bảo: “Không muốn thoát nghèo đâu. Phải nghèo để xem Nhà nước có hỗ trợ cho thêm cái gì không? Nhiều nhà hộ cha nghèo, hộ con nghèo còn được Nhà nước xây nhà cho, còn mình đây phải vay tiền mới xây được. Phải nghèo thì mai này con cái mình đi học hay đi viện chữa bệnh mất nhiều tiền còn được hỗ trợ chứ!”.

Trao đổi về công tác giảm nghèo, ông Hà Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc, cho biết: “Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 47,11%, cận nghèo chiếm 17,89%, chủ yếu là đồng bào DTTS, thiếu hụt tiêu chí nhà ở, nhà vệ sinh. Người dân vùng ĐBKK từ nhiều năm nay được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ tiền điện, học phí, bảo hiểm y tế, tiền ăn Tết... nên họ ỷ lại.

Thậm chí, một số hộ nghèo được hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất 10 triệu đồng/hộ nhưng không nhận vì sợ sẽ thoát nghèo. Lúc cán bộ đi điều tra hộ nghèo, đồng bào còn giấu xe máy, ti vi và các vật dụng có giá trị trong nhà để không bị tính điểm. Cũng có những hộ thu nhập khá từ rừng nhưng chỉ gửi tiền vào ngân hàng chứ không hề sửa sang nhà cửa, sắm sửa các vật dụng trong nhà để được nghèo mãi...”.

Nhà nước hỗ trợ + ý chí thoát nghèo = xóa nghèo

Đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu chương trình 135 là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, cấp huyện trực tiếp chỉ đạo, cấp xã trực tiếp thực hiện, thôn, bản đoàn kết, đồng lòng, người dân tích cực sản xuất, chủ động thoát nghèo.

Đây là quan điểm chỉ đạo của tỉnh được thể hiện tại Nghị quyết số 50 của HĐND tỉnh về việc bố trí nguồn lực đưa các xã ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đến năm 2020, đưa 22 xã và 11 thôn ĐBKK thuộc xã khu vực I, II trên địa bàn tỉnh ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu chương trình 135.

Nghị quyết cũng xác định rõ giải pháp lấy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là trung tâm, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu là cần thiết.

Giai đoạn 2017-2020, tỉnh sẽ bố trí vốn trên 1.342 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh trên 968 tỷ đồng để đầu tư cho các xã, thôn ĐBKK. Riêng trong phân kỳ vốn thực hiện năm 2017 là gần 453 tỷ đồng sẽ được bố trí thông qua dự án, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động tạo sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức từ xã, thôn đến người dân không bằng lòng với điều kiện hiện có, không trông chờ, ỷ lại cũng là một trong những giải pháp quan trọng được đề cập tại Nghị quyết 50. Song song với sự hỗ trợ của Nhà nước, quan trọng trong giảm nghèo là nhận thức và ý chí của chính người nghèo.

Vấn đề này đã và đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung giải quyết thông qua việc tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, phân công các tổ chức, đoàn thể thực hiện hỗ trợ giảm nghèo có địa chỉ, phân loại rõ nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ giảm nghèo cụ thể cho từng đối tượng nghèo.

Thời gian tới, các địa phương cũng cần nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với trách nhiệm của người nghèo, đặc biệt là có chính sách biểu dương, khen thưởng hộ thoát nghèo, chính sách cho nhóm hộ nghèo đăng ký thoát nghèo.

Thời gian qua, huyện Ba Chẽ và huyện Đầm Hà đã thực hiện chính sách biểu dương, khen thưởng các hộ thoát nghèo với mức thưởng 500.000 đồng/hộ. Mức tiền thưởng này cần được nâng lên cao hơn nữa để tạo động lực phấn đấu cho các hộ nghèo. Đồng thời, cần tập trung đầu tư phát triển sản xuất trước hết cho những hộ có ý chí thoát nghèo, để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Theo Báo Quảng Ninh