Bóng đá Việt: Sau án phạt kỷ lục là những cuộc chia tay
Điểm lại lịch sử V-League trong mấy mùa bóng gần đây sẽ thấy có rất ít đội bóng gượng dậy được sau những án phạt kỷ lục, thậm chí có một số trường hợp đã nói lời giã biệt hoàn toàn.
Vụ lộn xộn trên sân Thống Nhất ngày 19/2 đã khiến CLB Long An (áo trắng) phải trả giá rất đắt.
Sự việc nóng bỏng nhất của thể thao Việt Nam trong tuần vừa qua có lẽ là vụ bê bối, hay còn gọi là "trò hề" trên sân Thống Nhất của CLB Long An, khiến dư luận cả nước sôi sục, Bộ VH, TT&DL phải tức tốc gửi văn bản chỉ đạo VFF, VPF mau chóng thiết lập lại trật tự và kỷ cương của giải đấu.
Tất nhiên là sau sự cố nghiêm trọng như thế, án phạt nghiêm khắc dành cho các cá nhân và tập thể vi phạm là kết quả tất yếu phải đến, và không may nó lại tập trung vào những vị trí chủ chốt của CLB Long An như Chủ tịch kiêm GĐĐH, HLV trưởng, đội trưởng và thủ môn.
Những cá nhân này đều bị loại khỏi đời sống bóng đá Việt Nam trong thời hạn từ 2 năm tới 3 năm, và tuy là án phạt có thời hạn song với một số trường hợp thì đấy chẳng khác nào án phạt vô thời hạn, bởi đương sự gần như chắc chắn sẽ không thể tiếp tục nghề bóng đá sau khi mãn án vì lý do tuổi tác.
Với hiện trạng của CLB Long An, đội bóng đang đứng ở nhóm cầm đèn đỏ của V-League mùa này và chỉ có mặt ở V-League 2017 sau khi may mắn lách qua khe cửa hẹp là trận đấu loại trực tiếp tranh vé trụ hạng ở mùa bóng năm ngoái, sẽ không nhiều người tin rằng họ sẽ mau chóng gượng dậy sau cú sốc quá lớn này, khi đội bóng mất cùng lúc một loạt nhân sự ở những vị trí xung yếu.
Còn quá sớm để phán đoán rằng án kỷ luật của Ban Kỷ luật sẽ khiến Long An phải rớt hạng chuyên nghiệp sau khi V-League 2017 kết thúc, nhưng nếu điều này xảy ra thì cũng chẳng làm ai cảm thấy ngạc nhiên, bởi Long An đã từng rớt hạng năm 2011, và kể từ khi trở lại ở V-League 2012 cho đến nay, hầu như không có mùa giải nào mà Long An lại không phải đối mặt với nguy cơ chia tay V-League.
Nếu điểm lại lịch sử V-League trong mấy mùa bóng gần đây sẽ thấy có rất ít đội bóng gượng dậy được sau những án phạt kỷ lục, thậm chí có một số trường hợp đã nói lời giã biệt hoàn toàn.
V.Ninh Bình là một dẫn chứng tiêu biểu, khi ở V-League 2014, có tới 9 cầu thủ của CLB này đã cùng nhau tham gia dàn xếp tỷ số ở AFC Cup, để rồi dẫn tới hậu quả là Chủ tịch CLB Hoàng Mạnh Trường giải tán đội bóng ngay khi cơ quan điều tra còn chưa vào cuộc, còn sau đó 9 cầu thủ này đã bị ra tòa, bị cấm thi đấu vĩnh viễn ở Việt Nam cũng như trên toàn bộ lãnh thổ châu Á.
Cũng trong năm 2014, bóng đá Việt Nam chứng kiến một vụ án tiêu cực khác khi 6 cầu thủ của CLB Đồng Nai bị bắt ngay sau trận làm khách trước Than Quảng Ninh ở V-League 2014 vì bán độ cả trăm triệu đồng. Sau đó, nhóm cầu thủ này còn bị phát hiện không chỉ dàn xếp tỷ số ở mỗi trận đấu nói trên và tất nhiên họ đã phải nhận án tù cùng án treo giò vĩnh viễn của VFF.
Việc mất cùng lúc 6 trụ cột, trong đó có đội trưởng Hữu Phát, đã khiến Đồng Nai từ chỗ là hiện tượng của V-League trong 2 mùa giải 2013 và 2014 (luôn kết thúc giải trong top 7 với lối chơi rất quái) đã trượt dài không phanh, dẫn tới hậu quả nhận vé xuống hạng ở V-League 2015, lay lắt một năm ở giải hạng Nhất 2016 trước khi biến mất khỏi đời sống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bằng quyết định rút lui không tham dự giải hạng Nhất 2017 vì không kiếm đủ kinh phí.
Ngần đấy dẫn chứng trong mấy mùa giải gần đây có thể khiến người ta không thể lạc quan về tương lai của Long An ở V-League 2017 sau sự cố ngày 19/2.
Sự cố "Long An bỏ cuộc" xảy ra cuối trận đấu thuộc vòng 6 Toyota V-League 2017 diễn ra vào ngày 19/2/2017, giữa đội chủ nhà CLB TPHCM và Long An. Sau khi bị trọng tài Nguyễn Trọng Thư thổi penalty ở phút 80, các cầu thủ Long An bỏ ra sát đường biên dọc để phản ứng. Khi bước vào cầu môn để bắt quả penalty, thủ môn Minh Nhựt đã có hành động quay lưng lại cầu thủ đối phương để mặc bóng bay vào lưới.Trong 2 tình huống CLB TPHCM ghi bàn nâng tỷ số lên 4-2 và 5-2, toàn bộ cầu thủ Long An bỏ mặc cầu môn cho tiền đạo đội chủ nhà đá vào lưới trống.