Những cách làm hay của Phúc Thọ
Vốn là một huyện nghèo của thành phố Hà Nội, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, nhiều người nghĩ Phúc Thọ dễ rơi vào tốp cuối. Nhưng đến nay, 20/22 xã của huyện đã đạt chuẩn NTM, dự kiến 100% số xã sẽ đạt chuẩn trong năm nay, đưa Phúc Thọ trở thành huyện NTM của Hà Nội, vượt nhiều địa bàn vốn được xem là có tiềm năng, thế mạnh hơn.
Trồng bưởi mang lại thu nhập cao cho người dân xã Vân Hà.
Là một huyện gần như thuần nông, xây dựng NTM ở huyện Phúc Thọ có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương. Thuần nông cũng là một bài toán khó đối với Phúc Thọ. Đó là nội lực, là vốn huy động trong dân khi đóng góp xây dựng NTM không dễ dàng. Xác định được những lợi thế, những nhược điểm của địa bàn mình, huyện đã đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình.
Ban Chỉ đạo xây dựng NTM không định hướng các tiêu chí một cách chung chung, mà xem xét từng xã, rà soát kỹ lưỡng, ưu tiên xây dựng tiêu chí nào trước, tiêu chí nào sau. Mỗi tiêu chí phải đưa ra những giải pháp để thực hiện.
Từ việc xây dựng đề án NTM của từng xã, huyện đã lập những dự án cụ thể từ dạy nghề, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường… tiêu chí nào đã tiệm cận đạt thì tiếp tục phát huy. Những tiêu chí nào còn chưa được thì bắt tay vào xây dựng ngay theo hướng được đến đâu, chắc đến đó chứ không dàn trải, ồ ạt mà kém hiệu quả.
Riêng với khâu có tính mấu chốt là dồn điền, đổi thửa, huyện Phúc Thọ thực hiện quyết liệt ngay từ những ngày đầu triển khai. Các cán bộ giải thích rõ với người dân về hạn chế của ruộng đất manh mún.
Thực tế, nhiều hộ gia đình gặp không ít khó khăn trong việc sở hữu cả chục mảnh ruộng nên đã nhanh chóng đồng thuận. Triển khai xây dựng NTM năm 2012 thì đến năm 2013, huyện đã hoàn thành dồn điền đổi thửa 3.700 ha, đạt 100% kế hoạch thành phố giao.
Ngay từ khi tiến hành dồn điền, đổi thửa, huyện Phúc Thọ đã xác định thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là mấu chốt, tiền đề để nâng cao thu nhập cho người dân. Các xã Thanh Đa, Võng Xuyên chuyển hướng sang trồng rau an toàn, tạo thành một “vành đai xanh”, nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích. Tổng diện tích rau an toàn trên địa bàn đạt tới 500 ha. Giá trị sản xuất của rau an toàn lên tới hơn 700 triệu đồng/ha. Đối với trồng lúa cùng các giống lúa chất lượng cao được đưa vào ứng dụng, người dân được tiếp cận những cách làm ăn mới.
Toàn huyện có gần 2000 ha lúa hàng hóa. Thu nhập trung bình tăng thêm 10-20 triệu đồng/ha/vụ so với trước đây. Trong các loại cây ăn quả, dựa trên đặc điểm của địa phương, Phúc Thọ đã phát triển giống bưởi, với đăng ký nhãn hiệu sản phẩm là “bưởi Phúc Thọ”. Với diện tích trồng khoảng gần 300 ha, bưởi Phúc Thọ là cây đổi đời với người dân nhiều xã.
Năm 2016, huyện Phúc Thọ đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực công tác. Kinh tế của huyện tăng trưởng 9,1%, bằng 101% kế hoạch. Tổng thu ngân sách đạt 218 tỷ đồng, bằng 181,4% dự toán. Cùng với đóng góp của nông nghiệp, hoạt động của 60 làng nghề cũng có nhiều đổi mới căn bản.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 33 triệu đồng/người/ năm. Hai xã còn lại là Xuân Phúc và Thượng Cốc cũng được bố trí vốn và đang nỗ lực để được công nhận là xã NTM.
Nhìn những cánh đồng xanh mướt, những đường bê tông rộng rãi dẫn ra tận những thửa ruộng, hệ thống tưới tiêu ngày một hoàn chỉnh, người dân Phúc Thọ cảm nhận rõ xây dựng NTM đã giúp mỗi người, mỗi nhà có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên chính đồng đất quê mình.
Nhờ thế mà người dân mới mạnh dạn đầu tư mua thêm máy móc, thiết bị. Toàn huyện đã có 503 máy làm đất, hàng trăm máy gặt đập liên hợp và máy cấy. Cùng với đó, những con đường liên xã, liên thôn, những ngôi trường mới khang trang được xây dựng.
Chính bởi sự “ích nước, lợi nhà” như thế, nên mỗi khi cần đóng góp xây dựng, người dân đều tích cực, nhiệt tình tham gia. Người dân đã đóng góp tổng số hơn 200 tỷ đồng trong xây dựng NTM, một con số trước đây tưởng chừng là “trong mơ”.
Phúc Thọ còn tập trung xây dựng cho mỗi cụm dân cư một nhà hội họp, có khuôn viên diện tích khoảng 500m2, đây vừa là nơi sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời là nơi vui chơi, giải trí, thể dục thể thao... của bà con.
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phúc Thọ được quy hoạch là khu vực vành đai xanh, vùng đô thị sinh thái của Thủ đô. Từ tiền đề xây dựng NTM, Phúc Thọ tiếp tục thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển nhanh hơn, góp phần đổi mới toàn diện hơn.