Thu hút FDI: Vượt thách thức, đón cơ hội
Dù còn bất cập từ việc chưa đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện..., song thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm vẫn đạt 3,4 tỷ USD.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp FDI có mức tăng trưởng khá.
Hàn Quốc soán ngôi Nhật Bản
Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có xu hướng quay trở lại Mỹ và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang rơi vào bế tắc, Việt Nam được dự đoán sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút FDI. Song các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chọn Việt Nam là một điểm đầu tư hấp dẫn.
Dẫn chứng ngay trong thời điểm đầu năm, các dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục được cấp phép. Đó là Dự án Khu công nghiệp Việt Nam Singapore III, tổng vốn đầu tư 284,75 triệu USD do Singapore đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu đầu tư, xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Dự án Nhà máy sản xuất Polyester và sợi tổng hợp Billion Việt Nam, tổng vốn đầu tư 220 triệu USD do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh. Dự án sản xuất sợi lốp KVT-1 với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD do Kolon Industries Inc đầu tư tại Bình Dương.
Gần đây nhất, ngày 24/2 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Phan Cao Thắng đã tiếp và làm việc với Tập đoàn Fujiwara (Nhật Bản) do ông Osamu Kimura- Chủ tịch Tập đoàn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư Dự án điện năng lượng Mặt Trời trên địa bàn tỉnh. Điều này có thể cho thấy rằng, nhà đầu tư vẫn đang tiếp tục tìm hiểu thị trường Việt Nam.
Báo cáo vừa cập nhật của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/2/2017, cả nước có 22.904 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 297 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án ĐTNN ước đạt 156,35 tỷ USD, bằng 52,6% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Hàn Quốc dẫn đầu đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 50,98 tỷ USD (chiếm 16% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 42,49 tỷ USD (chiếm 14,3% tổng vốn đầu tư). Tốc độ tăng vốn đầu tư cũ cũng như việc đặt chân các dự án mới đã kéo theo tốc độ tăng rất mạnh của dòng vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam.
Chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm có 313 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 2,028 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016; có 137 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 759,51 triệu USD, bằng 84,5 % so với cùng kỳ năm 2016 và 654 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị góp vốn là 619 triệu USD, gần gấp 4 lần so với cùng kỳ 2016.
Vẫn mở ra nhiều cơ hội
Có thể nói rằng, các thay đổi mang tính đột phá của Luật Đầu tư 2014 cũng như những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh đã thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ của FDI vào Việt Nam. Cơ sở pháp lý minh bạch tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam hút vốn ngoại.
Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản xác định Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng, tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh là tăng doanh thu. Tuy nhiên chính tổ chức này cũng thừa nhận thực tế “nói hoài, nói mãi”: doanh nghiệp Nhật cho rằng rủi ro lớn nhất khi đầu tư Việt Nam là hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch; 61,1% doanh nghiệp gặp rủi ro với thủ tục hành chính, cấp phép phức tạp; 53,9% doanh nghiệp gặp rủi ro với cơ chế, thủ tục thuế phức tạp.
Như vậy, nếu khắc phục được những nhược điểm này, có thể dòng vốn FDI của các đối tác lớn trong toàn cầu đến Việt Nam sẽ gia tăng hơn, thời cơ cũng mở ra cho doanh nghiệp nội thông qua việc cung ứng sản phẩm.
Năm 2017, cũng là năm Việt Nam đón sự kiện trọng đại APEC, đây cũng được nhìn nhận là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục thu hút vốn đầu tư từ các thành viên APEC. Rất có thể, các thỏa thuận, các hợp tác sẽ được ký kết.
Với vai trò là nước chủ nhà, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, đây là cơ hội quảng bá. Các hoạt động, sự kiện đều được xây dựng để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia trực tiếp, mở rộng tầm nhìn, xây dựng quan hệ kinh doanh ở tầm cao, tranh thủ các ý tưởng sản xuất, kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, nhờ vào các hiệp định thương mại đã được ký kết và lợi thế cạnh tranh về giá nhân công, Việt Nam đang và vẫn sẽ tiếp tục trở thành công xưởng của khu vực khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục chuyển dịch nhà máy từ các nước trong khu vực sang Việt nam để sản xuất và xuất khẩu đi toàn thế giới.
Để có thể tận dụng tốt được xu hướng này, Chính phủ cần hết sức quan tâm đến chất lượng của các dự án đầu tư nước ngoài, cụ thể tác động tới môi trường của dự án và tăng cường khả năng kết nối của các doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.
Một số dự án lớn được cấp phép trong 2 tháng đầu năm 2017: - Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III, tổng vốn đầu tư 284,75 triệu USD do Singapore đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu đầu tư, xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. - Dự án nhà máy sản xuất Polyester và sợi tổng hợp Billion Việt Nam, tổng vốn đầu tư 220 triệu USD do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh. - Dự án sản xuất sợi lốp KVT-1 với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD do Kolon Industries Inc đầu tư tại Bình Dương. - Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Lan Sơn và nhà máy nhựa Khải Hồng Việt, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD do Công ty Wenzhou Hendy Mechanism and Plastics Co., Ltd (Trung Quốc) đầu tư tại Bắc Giang. - Dự án Công ty cổ phần Tetra Pak Bình Dương, tổng vốn đầu tư 124 triệu USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm dạng lỏng (bao gồm cả công đoạn ép, in nhãn trên bao bì). |