Khởi động biên soạn Bách khoa toàn thư: Kết tinh trí tuệ Việt Nam
Bách khoa toàn thư (BKTT) là sự kết tinh tri thức, văn hóa, văn minh, văn hiến của toàn bộ tiến trình phát triển lịch sử nhân loại và lịch sử của từng dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay ngân hàng BKTT ở nước ta đang quá nghèo nàn và hầu như không tồn tại. Để từng bước giải quyết vấn đề này, sáng 26/2 tại Hà Nội, Hội thảo khoa học về việc khởi động “Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam” đã diễn ra.
GT.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Quý.
Cần thiết một ngân hàng tra cứu tổng hợp
Đây là hoạt động do Ban chủ nhiệm để án- Hội đồng chỉ đạo biên soạn BKTT Việt Nam tổ chức. Theo đánh giá tại hội thảo, cho đến nay, BKTT đã trở nên quen thuộc với rất nhiều nước trên thế giới, hầu như tất cả các quốc gia phát triển đều có Bách khoa toàn thư. Từ khi ra đời, với tiêu chí là gom gộp và phân loại tri thức, BKTT đã hình thành nhiều loại hình biên soạn. Tuy nhiên, gốc nghĩa vẫn không hề thay đổi là: “đào tạo trí thức theo một chu trình”.
Đề án BKTT Việt Nam trong thực tế đã hình thành từ những năm đầu của thế kỷ này do Hội đồng Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam đề xuất. Sau khi Hội đồng chấm dứt hoạt động, công việc được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thực hiện từ năm 2010. Sau một thời gian dài soạn thảo và chỉnh sửa, góp ý rất công phu, xin ý kiến các bộ, ngành đến 28/7/2014, Đề án chính thức được Chính phủ phê duyệt.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu của Đề án là: “Góp phần nâng cao dân trí, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước; Trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó phản ánh những tri thức cơ bản về đất nước, con người Việt Nam và thế giới trong đó chú trọng những tri thức cần thiết đối với Việt Nam; Bảo đảm tính khoa học, tính dân tộc và tính hiện đại; Bảo đảm tính chuẩn mực và tính hệ thống; Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Theo đó, bộ BKTT Việt Nam sẽ biên soạn là loại hình tổng hợp, cỡ lớn, phản ánh những thành tựu, những tri thức xưa và nay của nhân loại và Việt Nam, từ khoảng hơn 70 chuyên ngành thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học nhân văn, văn hóa nghệ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật và công nghệ… gồm 37 tập, có thể in và xuất bản trực tuyến.
Thu thập tri thức cơ bản
Phát biểu tại Hội thảo, GT.TS Nguyễn Xuân Thắng- Phó Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo, Chủ nhiệm Đề án phân tích: Chúng ta cần phải thống nhất tư tưởng, trí tuệ, tri thức, văn hóa của con người Việt Nam. Hơn nữa, trong thời đại hội nhập quốc tế cũng phải kế thừa tri thức của nhân loại.
Nhưng để làm việc này, các nhà khoa học cũng cần phải thảo luận về tỉ lệ các thành phần của nước ngoài có trong BKTT của Việt Nam là bao nhiêu? Vấn đề biên soạn của các nhà khoa học sẽ được khai thác ở hạng mục, khía cạnh nào để có thể cho toàn dân hiểu và đều có thể sử dụng?
Chúng ta không thể sử dụng mãi theo cách truyền thống được, phải biết kết hợp giữa những giá trị đó với hiện đại mới mang lại hiệu quả cao nhất. Cái quan trọng nhất ở đây là phải xác định được cấu trúc vĩ mô và xây dựng được bảng mục từ của các chuyên ngành riêng, trách nhiệm này sẽ thuộc về 15 thành viên trong nhóm các nhà khoa học thực hiện chính của quyển BKTT đó. Sử dụng những tác giả, tác phẩm như thế nào cũng phải thảo luận, để tránh việc trùng lặp và thắc mắc.
Có những nhà khoa học ở đây là nhà văn, đồng thời là nhà báo, nhà quản lý và là những nhà tư tưởng vậy tất cả những thứ đó sẽ được đặt ở đâu cho hợp lý? Chúng ta cũng cần phải sử dụng một quy định biên soạn chuẩn mực và thống nhất, tránh riêng biệt gây xáo trộn. Vấn đề thời lượng mỗi bộ là bao nhiêu? Hạng mục từ được sử dụng như thế nào? Cũng cần phải chú ý...
Có mặt tại Hội thảo, nhiều chuyên gia - nhà khoa học cũng có chung một quan điểm là làm sao để có thể xây dựng một bộ BKTT Việt Nam thống nhất, tránh những xung đột, tranh luận về sau là điều rất quan trọng.
GS.TSKH Vũ Quang Côn (đại diện các nhà khoa học thực hiện đề tài Công nghệ sinh học) cho hay: “Hiện nay, công nghệ sinh học là một trong 4 vấn đề chính quan trọng nhất của nhân loại, nó liên quan đến đời sống, sức khỏe của chính người dân. Vì lẽ đó, sinh học mang tính đặc thù riêng, phức tạp hơn rất nhiều. Liên Xô và Mỹ đã để lại những tác phẩm rất quan trọng. Tuy nhiên ở Việt Nam, BKTT còn chưa có hoặc rất ít. Công nghệ sinh học rất rộng, nó liên quan tới phần lớn các ngành khoa học khác nên cần phải căn cứ vào nhiều vấn đề vào khả năng và đặc thù của từng ngành để xây dựng, chứ không thể riêng cá nhân ai có thể tự làm nên một quyển BKTT được. Chính vì thế mà hôm nay chúng ta có mặt ở đây, để bàn đến cái vĩ mô, cái chuẩn mực nhất cho quyển BKTT Việt Nam”.
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu (đại diện các nhà khoa học thực hiện đề tài Vật lý, Thiên văn học) cũng nêu quan điểm: Ngành vật lý hầu như thâm nhập vào nhiều ngành khác, nhưng có lẽ chúng ta cũng nên phân biệt rõ trong đó là đâu là của Vật lý và đâu là của Vật lý với các ngành khác, như thế sẽ thuận tiện và cụ thể hơn. Phải có tư liệu để tham khảo, đi đến hạng mục chung của toàn nhân loại, chính vì thế mà phải tiếp thu từ trên toàn thế giới, để áp dụng thêm vào quyển BKTT của Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng kỳ vọng rằng, Việt Nam lần đầu biên soạn bộ BKTT, thông qua công trình khoa học lớn này để thu tập tối đa những tri thức cơ bản, chuẩn xác của nhân loại và của nước ta về mọi lĩnh vực, qua đó làm kho dữ liệu quốc gia. Trên cơ sở kho tư liệu đó, thời gian tiếp sau có thể biên soạn những bộ BKTT thuộc các loại hình khác, phục vụ cho những nhu cầu thiết thực của xã hội. Dẫu thế, đầu tư thế nào cho việc biên soạn BKTT, cả về nhân lực và vật lực là công việc đang còn ở phía trước.