Chuyện bác sĩ mổ tim rời TP HCM về Cần Thơ làm việc
Nhiều người truyền tai nhau về một bác sĩ mổ tim giỏi, có tiếng của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) lại “lội ngược dòng” quay về Cần Thơ đầu quân cho Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chỉ để mong muốn có thêm một trái tim luôn đập khỏe mạnh.
Bác sĩ Lâm Việt Triều cùng các cộng sự thực hiện kíp mổ tim.
Nhiều bác sĩ ra trường mơ được làm việc tại TP HCM, nơi có nhiều bệnh viện lớn, dân cư đông để rèn tay nghề, thu nhập cao và cơ hội thăng tiến. Giấc mơ ấy càng khó và khó hơn nữa khi được làm bác sĩ chính, trực tiếp mổ tim cứu người - một chuyên ngành khó trong y học tại BV danh tiếng Chợ Rẫy. Vậy mà bác sĩ Lâm Việt Triều lại quyết định ra đi làm bỡ ngỡ tất cả bạn bè, đồng nghiệp và chấp nhận mức thu nhập chỉ bằng 40% so với thời gian làm việc tại TP HCM.
Giải thích cái điều lạ mà nhiều người vẫn tò mò, BS Triều cho biết: Chẳng có gì là lạ cả. 17 năm gắn với nghiệp mổ tim cho hàng ngàn bệnh nhân, chứng kiến nhiều người nghèo khăn gói lặn lội đường xa, tốn kém, chen chút nhau tìm đến tận TP HCM để chữa bệnh, tôi nghĩ mình cần phải có trách nhiệm để giúp bà con bớt khổ.
Vốn sinh ra từ một vùng quê nghèo của tỉnh Kiên Giang, sau đó theo cha mẹ về Cần Thơ sinh sống và học tập, từ nhỏ chàng trai Lâm Việt Triều đã mơ ước trở thành bác sĩ để cứu giúp những người bệnh. Khi đậu vào trường Đại học Y dược TP HCM, anh không cầm được nước mắt trong lần đầu chạm cửa ước mơ. Đến năm 2000, Lâm Việt Triều chính thức trở thành bác sĩ công tác tại Khoa Lồng ngực - Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sau 7 năm công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, lòng anh vẫn còn canh cánh nỗi niềm được giúp đỡ quê nhà. Ngay lúc này, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang đang trong quá trình triển khai chương trình mổ tim và cần sự hỗ trợ bác sĩ mổ chính từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Thấy được sứ mệnh của mình, bác sĩ Triều đã xung phong tham gia phẫu thuật tim cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.
Cũng từ lúc này, danh tiếng về vị bác sĩ trẻ, tài giỏi về chuyên môn và tận tình vì bệnh nhân được nhiều người biết đến. Sau nhiều năm “chinh chiến” tại các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là thực hiện hàng trăm ca mổ tim tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, BS Triều nhận thấy sự thiếu hụt bác sĩ chuyên khoa về tim mạch tại ĐBSCL.
Bác sĩ Triều cho biết: Đối với những ca khó, bệnh nhân cần phải chuyển lên TP HCM để phẫu thuật, nếu có thể phẩu thuật tại Cần Thơ thì khả năng cứu sống bệnh nhân cao hơn, tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân và người thân có thể thuận tiện thăm nuôi bệnh. Nghĩ vậy thôi là đã đủ lí do tôi quyết định về Cần Thơ công tác.
Bác sĩ Lâm Việt Triều (bìa trái) cùng các đồng nghiệp.
Một quyết định khó khăn
“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra quyết định về Cần Thơ công tác. Khi quyết định này thành hiện thực, tôi có bàn bạc với vợ. Thật sự, vợ tôi không muốn gia đình tôi bị chia cắt. Vợ tôi bảo nếu anh đi, gia đình chúng ta có thể tan vỡ. Điều này làm tôi trằn trọc nhiều đêm khi suy nghĩ tìm cách giải thích cho vợ thông cảm. May mắn thay, cuối cùng vợ tôi cũng đã hiểu và ủng hộ tôi”.
BS Triều tâm sự: Tôi xem Cần Thơ là quê hương thứ hai của tôi. Sau bao nhiêu năm cố gắng, tôi vẫn muốn đóng góp một phần công sức cho sự phát triển y học nơi mà tôi sống và lớn lên.
Tôi vẫn nhớ mãi, ngày tôi đề đơn xin chuyển, sếp có bảo: Biết bao bác sĩ ở quê mong muốn lên TP công tác. Nay em từ TP lại muốn về tỉnh làm. Em đi thì các anh không cản ngăn. Anh nghĩ em sẽ làm nên chuyện ở nơi công tác mới và anh xem như đứa em đang đi công tác xa cơ quan.
Về Cần Thơ công tác, thu nhập giảm đi 60%, phải làm quen với môi trường làm việc mới và còn nhiều cái “bắt đầu” khác,... nhưng với tâm thế phục vụ và cống hiến, BS Triều hào sảng cho biết: Vấn đề tiền bạc lúc này với tôi không quan trọng, quan trọng là được thực hiện điều mình ấp ủ bấy lâu và mong sao giúp được nhiều bệnh nhân hơn nữa.
Hiện tại, một số bệnh viện tại vùng ĐBSCL đã triển khai mổ tim, tuy nhiên ê kíp mổ vẫn phải nhờ sự hỗ trợ, xử lí các vấn đề bệnh lí phức tạp của bác sĩ mổ chính từ bệnh viện tuyến trên. Với việc đầu quân của bác sĩ Triều về Khoa Nội tim mạch – Khớp, Bệnh viện ĐKTWCT được xem là một tín hiệu lạc quan cho bệnh nhân trực tiếp đến điều trị. Kể từ đó đến nay, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ bắt đầu mở ra một chương mới trong việc điều trị kịp thời những ca bệnh tim nặng tương đương Bệnh viện Chợ Rẫy đồng thời, hỗ trợ chuyển giao, nâng cao tay nghề, kỹ thuật mới, phức tạp cho các bác sĩ tại các bệnh viện tuyến dưới, tiến đến đào tạo trở thành bác sĩ đứng mổ chính những bệnh nặng, phức tạp.
Hiện nay BS Triều đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về phẫu thuật lồng ngực - tim mạch. Bác sĩ Triều chia sẻ: Thời gian tới tôi sẽ dốc hết sức mình để góp phần cùng bệnh viện mở rộng quy mô, nâng cao tay nghề, chất lượng phục vụ nhằm đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu của người dân.
Do công tác xa nhà, BS Triều phải di chuyển một đoạn đường khá dài bằng xe khách. Cứ đều đặng, đầu tuần thì BS Triều lên xe khách từ TP HCM xuống Cần Thơ và cuối tuần quay về với gia đình, hiện anh đang ở nhờ nhà người bạn để thuận tiện cho việc nghỉ ngơi và công tác.
BS Triều cho biết: Cái được lớn nhất, hạnh phúc nhất của người bác sĩ mổ tim là làm cho những con tin tưởng chừng sắp ngừng đập bỗng đập trở lại mạnh mẽ, làm cho bệnh nhân và người thân của họ vui trào trong hạnh phúc vô biên. Là bác sĩ, tôi không muốn nhìn thấy hoặc nghe thấy một trái tim nào ngừng đập vì sự chậm trễ trong điều trị, điều đó luôn thôi thúc tôi luôn cố gắng thật nhiều để có thêm một trái tim luôn đập khỏe mạnh.