Đầu tháng 4 sẽ tổ chức lễ đón bằng vinh danh di sản tín ngưỡng thờ Mẫu
Theo dự kiến, Lễ đón bằng UNESCO ghi danh di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, do UBND tỉnh Nam Định, Bộ VHTT&DL phối hợp tổ chức sẽ diễn ra vào dịp Khai hội Phủ Dầy (tối 2/4, tức ngày 6/3 âm lịch).
Đó là những thông tin được đưa ra trong cuộc làm việc mới đây giữa Bộ VHTT&DL và UBND tỉnh Nam Định. Tại đây, những nội dung liên quan tới công tác chuẩn bị lễ đón Bằng UNESCO ghi danh di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cũng như những công việc “hậu” vinh danh đã được bàn thảo.
Trình bày dự thảo kế hoạch tổ chức lễ đón bằng vinh danh, ông Khúc Mạnh Tiến - Giám đốc Sở VHTT&DL Nam Định cho hay, dự kiến thời gian diễn ra vào dịp Khai hội Phủ Dầy (tối 2/4); địa điểm tại không gian thuộc Quần thể di tích lịch sử- văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Dự kiến, chương trình lễ đón bằng bao gồm phần nghi lễ và chương trình nghệ thuật chào mừng. Cùng với công bố Quyết định và trao bằng của UNESCO, buổi lễ cũng là dịp để công bố Chương trình hành động quốc gia cam kết và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chương trình nghệ thuật sẽ tập trung làm nổi bật bản sắc và những giá trị cốt lõi của di sản, đồng thời giới thiệu những đặc trưng lịch sử, văn hóa của Nam Định, trung tâm của di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện: Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” cần được xác định có nội hàm và tính chất khác với những di sản văn hóa phi vật thể khác mà Việt Nam đã được thế giới vinh danh.
Cùng với sức sống bền bỉ và chiều sâu tồn tại trong đời sống cộng đồng, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cho đến nay vẫn chưa được nhìn nhận một cách thực sự đồng nhất.
Bên cạnh những tự hào, tôn vinh, không thể né tránh rằng thực tế vẫn đang tồn tại những góc nhìn thiếu tích cực về di sản. Thực hành tín ngưỡng như thế nào là chuẩn xác, để không tạo thành biến tướng, mê tín dị đoan?
Cơ quan quản lý cần có những kế hoạch bảo tồn, phát huy như thế nào để di sản không trở nên méo mó?... Đây là những câu hỏi mà dư luận chắc chắn sẽ đặt ra và chúng ta phải có trách nhiệm trả lời thỏa đáng.
Cần nhìn thấy rõ ranh giới rất mong manh giữa những giá trị cốt lõi của di sản và những biến tướng trong quá trình thực hành tín ngưỡng. Nhìn thấy rõ để có những giải pháp tuyên truyền, vận động, định hướng dư luận.
“Quan trọng nhất là thông qua buổi lễ đón bằng, cộng đồng sẽ cảm nhận được rằng bên cạnh niềm tự hào còn là ý thức trách nhiệm để bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Vì vậy, vai trò và hình ảnh cộng đồng cũng cần được thể hiện đậm nét, sinh động ngay tại buổi lễ đón bằng trang trọng này…”- Bộ trưởng nhấn mạnh.