Sản xuất vaccine: Cần đột phá, đi nhanh
Là một trong những quốc gia có thế mạnh về chăn nuôi nhưng phần lớn vaccine để phục vụ cho thú y của Việt Nam vẫn phải lệ thuộc vào việc nhập khẩu.
Sản xuất vaccine- khâu yếu nhất của chăn nuôi.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, các khâu giống, thức ăn, quy trình, điều kiện sản xuất trong chăn nuôi đều ở mức khá, nhưng yếu nhất vẫn là phòng, chữa bệnh khi toàn bộ vaccine cơ bản vẫn phải nhập khẩu.
Trên thế giới, mỗi vaccine thường được bảo hộ một thời hạn nhất định, thông lệ 20 năm, sau thời gian đó thì thuộc về toàn nhân loại.
Rất nhiều nước, kể cả Trung Quốc, có một cơ quan thấy vaccine nào hết hạn bảo hộ về sở hữu trí tuệ là sẽ tự làm, lập ra một ngân hàng giống quốc gia.
Tại Việt Nam, từ năm 1997 - 2015, Cục Thú y đã định hướng và chỉ đạo Cơ quan Thú y vùng VI thu thập được 222 mẫu virus lở mồm long móng (LMLM) tốt nhất về các mặt để đưa vào nghiên cứu sản xuất vaccine.
Hiện nay đang tiếp tục thu thập các mẫu virus từ thực địa; nghiên cứu thẩm định mẫu virus týp Asia 1. Với vaccine đơn giá týp O, dự kiến đến tháng 6/2017 có sản phẩm gửi đăng ký lưu hành; dự kiến tháng 12/2017 các doanh nghiệp có thể sản xuất và bán ra thị trường ít nhất 1 triệu liều/doanh nghiệp”.
Ông Vũ Tiến Lâm- Chủ tịch HĐQT Công ty RTD (tỉnh Hưng Yên) cho biết, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ đang giảm mạnh, thay vào đó là chăn nuôi quy mô lớn, tập trung.
Vaccine LMLM rất quan trọng đối với ngành chăn nuôi. Đây là vaccine chiếm thị phần lớn nhất, trong tổng số 100 triệu USD lượng vaccine tiêu thụ ở Việt Nam, có đến 20 triệu USD là vaccine LMLM.
Cũng theo ông Lâm, sản xuất vaccine LMLM khó nhất. Nếu làm hoàn toàn không chứa protein phi cấu trúc, làm sạch theo tiêu chuẩn quốc tế, thì phải đầu tư rất lớn, khoảng 400 triệu USD.
Theo Cục Thú y, với vaccine đơn giá týp O, dự kiến đến tháng 6-2017 có sản phẩm gửi đăng ký lưu hành; dự kiến tháng 12/2017 các doanh nghiệp có thể sản xuất và bán ra thị trường ít nhất 1 triệu liều/doanh nghiệp; Vaccine đơn giá týp A, dự kiến đến tháng 12/2018 các doanh nghiệp có thể sản xuất và bán ra thị trường ít nhất 1 triệu liều/doanh nghiệp; Vaccine nhị giá týp O và A, dự kiến đến tháng 12/2019 các doanh nghiệp có thể sản xuất và bán ra thị trường ít nhất 1 triệu liều/doanh nghiệp.
Như vậy, trong năm 2017 Việt Nam sẽ bước đầu sản xuất được vaccine LMLM, qua đó từng bước giảm thiểu nhập khẩu vaccine, giảm giá thành chăn nuôi.
Hiện nay, việc đầu tư một nhà máy sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn GMP cần thời gian trên 2 năm và khoảng trên 200 tỷ đồng.
Chính vì thế, đã có doanh nghiệp kiến nghị cần có cơ chế riêng chỉ định thầu chọn vaccine LMLM cho phép sử dụng phòng chống dịch bệnh trong các chương trình của Nhà nước.
Ông Lâm cũng kiến nghị cần có cơ chế để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn giống, tế bào từ các cơ quan nhà nước có sẵn.
Để có sự đột phá trong khâu sản xuất vaccine, theo Bộ NN&PTNT, Bộ sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị của doanh nghiệp; sau đó sẽ mời doanh nghiệp lên dự họp để cùng tháo gỡ ngay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển.
Đồng thời, những kiến nghị của doanh nghiệp cũng là tư liệu để sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ sắp tới. “Chúng ta phải có khát vọng đột phá đi nhanh trong sản xuất vaccine.
Bộ NN&PTNT luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian ngắn nhất phải giải quyết nút thắt, thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất vaccine cho chăn nuôi”- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Do Việt Nam chưa sản xuất được vaccine nên tình hình dịch bệnh không ổn định, giá thành sản phẩm cao và chất lượng sản phẩm khó đảm bảo.
Việt Nam sẽ là cường quốc về nông nghiệp, trong đó có hai thế mạnh về thủy sản và chăn nuôi. Đã chăn nuôi thì không có lý do gì không phòng bệnh.
Một cường quốc nông nghiệp mà đi lệ thuộc hết vaccine nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung chăm lo nhiều ở khu vực này, để không chỉ đáp ứng cho sức sản xuất của 6 triệu tấn thịt Việt Nam mà tiến tới phải xuất khẩu vaccine - đang là những quan tâm của Bộ NN&PTNT cũng như nhiều các cơ quan khác.