Xét tuyển ĐH 2017: Trường tốp trên không lo ảo
“Việc thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm sẽ khá phức tạp, nên các em cần đăng ký chuẩn luôn, không sửa đi sửa lại, đăng ký đủ tổ hợp, đủ trường là được. Các trường phổ thông phải định hướng cho học sinh đăng ký chắc vì chỉ được sửa nguyện vọng 1 lần duy nhất”, ông Trần Văn Nghĩa- Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) lưu ý về kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Ông Trần Văn Nghĩa.
PV: Thưa ông, kỳ thi THPT quốc gia 2017 với nhiều điểm mới, ông có lưu ý gì cho các thí sinh?
Ông Trần Văn Nghĩa: Năm 2017, chúng ta vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích, xét công nhận tốt nghiệp cho các thí sinh và làm cơ sở cho các trường ĐH xét tuyển. Kỳ thi năm nay có một số điểm mới mà các em cần lưu ý.
Thứ nhất, tổ chức thi theo các bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH). Với việc tổ chức bài thi như vậy thì các em lưu ý những việc đăng ký dự thi.
Các thí sinh học lớp 12 bắt buộc phải đăng ký ít nhất là 4 bài thi với GD trung học là Toán, Văn, Ngoại ngữ và chọn 1 hoặc cả 2 bài thi KHTN và KHXH. Với thí sinh GDTX thì chỉ chọn 3 bài thi là Toán, Văn và 1 trong 2 bài thi KHTN và KHXH.
Các em cũng cần lưu ý là các em có quyền được chọn cả 2 bài thi KHTN và KHXH để thi, bài nào có kết quả cao hơn thì các em có quyền chọn để xét tốt nghiệp.
Một lưu ý khác: thí sinh chưa tốt nghiệp chọn bài thi để đăng ký còn thí sinh tự do có thể chọn từng môn lẻ.
Vấn đề thứ 2 các em cần lưu ý, các bài thi tổ hợp gồm 3 đề thi riêng rẽ của từng môn, chẳng hạn đối với bài thi KHTN gồm 3 môn thi là Vật lý, Hóa học, Sinh học, các em làm bài thi trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm.
Như vậy phiếu trả lời trắc nghiệm có 120 câu, tương ứng với 120 câu trong 3 bài thi đấy. Điều đặc biệt lưu ý là mã đề thi của 3 môn thi đấy giống hệt nhau, chẳng hạn như các em nhận được mã môn Vật lý là một mã nào đấy thì Vật lý và Sinh học cũng mã như vậy. Trong trường hợp các em nhận được đề thi có mã khác thì các em phải báo cáo giám thị để điều chỉnh lại.
Năm nay các em được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) cùng với đăng ký dự thi (ĐKDT). Phiếu đăng ký dự thi có 2 mặt, mặt trước là ĐKDT và mặt sau là ĐKXT thì các em phải cân nhắc chọn trường chọn ngành đúng nguyện vọng và đúng quy chế.
Thưa ông, theo quy chế, năm nay không giới hạn nguyện vọng xét tuyển, không giới hạn số trường, số ngành được đăng ký. Vậy ông có lời khuyên nào cho thí sinh khi ĐKXT?
- Khi đăng ký như vậy các em phải để thứ tự ưu tiên từ 1 đến n. Nguyện vọng đầu tiên là ưu tiên cao nhất. Trong quy chế tuyển sinh cũng có quy định mấy điểm các em cần lưu ý.
Một là việc xét các nguyện vọng trong các đăng ký của các em là bình đẳng, ví dụ một ngành nào đấy có em đăng ký nguyện vọng (NV) 1, một em đăng ký NV2, một em đăng ký NV3 thì cả 3 em được xét ngang nhau và em nào có điểm cao hơn thì có lợi thế hơn.
Năm nay Bộ yêu cầu các em phải đăng ký xét tuyển cùng với đăng ký dự thi. Tuy nhiên sau khi có kết quả thi, từ ngày 15/7 đến 21/7 đối với làm trực tuyến và một vài ngày sau với đăng ký bằng giấy các em có quyền điều chỉnh lại nguyện vọng của mình. Các em cần lưu ý là nên đăng ký chính xác ngay từ đầu để đỡ mất thời gian.
Một trong những băn khoăn lớn của kỳ thi năm nay là lượng thí sinh ảo khi Bộ không khống chế số NV được đăng ký?
- Năm nay về cơ bản vẫn có tỷ lệ thí sinh ảo. Tuy nhiên với quy định các thí sinh phải ghi rõ trong phiếu của mình thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng thì phần mềm xét tuyển sẽ lọc được hết ảo.
Nhiều người không hiểu rằng nếu lấy thông tin từ một trường thì đúng là không kiểm tra được lượng ảo nhưng lấy từ 1 triệu thí sinh kia thì chắc chắn 100% không thể sai được.
Đây là bài toán có hàng triệu thí sinh có trên hệ thống với n nguyện, nguyện vọng xét từ n1 - n. Bài toán giải ra con số chính xác vì luật chơi là xét trên được, không xét dưới nữa.
Các trường muốn làm chính xác thì quan trọng là phải sử dụng dữ liệu của 1 triệu thí sinh đã đưa lên thì hoàn toàn không lo về việc lọc ảo.
Vì thế, sự tồn tại của nhóm GX năm nay không còn ý nghĩa như năm ngoái nữa, vì đã có quy định chung và mỗi trường có đủ thông tin để xử lý. Tất nhiên khi ngồi với nhau thì sẽ có lợi thế là trao đổi dễ dàng hơn, tối ưu hóa lựa chọn.
Nhìn chung, những trường tốp trên không bị ảo nhiều còn trường tốp dưới thì bị ảo nhiều vì “chạm” học bạ. Tức là có thể chung dữ liệu thí sinh xét tuyển vào trường bằng học bạ và thí sinh xét vào các trường cao đẳng khác là những thứ không hiển thị chung trên hệ thống nên khó tránh được ảo.
Năm nay nhiều tiêu chí mới và nhiều tổ hợp mới thì thí sinh nên lựa chọn như thế nào?
- Mặc dù các trường đưa vào nội dung xét tuyển những tổ hợp mới nhưng vẫn tuân thủ quy định dành tối thiểu 25% cho tổ hợp truyền thống nên thí sinh không nên quá lo lắng.
Theo tôi, việc các trường có thêm nhiều tổ hợp mới thì các thí sinh sẽ có lợi hơn. Các em chỉ cần lưu ý, khi lựa chọn ngành nào thì phải biết ngành đấy họ xét đầu vào bằng tổ hợp bài thi, môn thi nào để ĐKDT cho đúng.
Vấn đề phúc khảo thì sao, thưa ông?
- Phúc khảo vẫn bình thường như năm trước, tức là sau khi có kết quả thi, thí sinh có 10 ngày để nộp đơn xin phúc khảo tại các điểm đăng ký dự thi và sau đấy các Sở GD&ĐT sẽ tiến hành phúc khảo.
Trân trọng cảm ơn ông!