Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII - Bài 2: Giám sát quyền lực bằng thể chế
Quyền lực được giao mà thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền. Đó cũng là vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong một cuộc tiếp xúc cử tri. Vậy làm sao và làm như thế nào để kiểm soát quyền lực? Ông Hồ Việt Hiệp- Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang đã trao đổi với ĐĐK về vấn đề này.
Ông Hồ Việt Hiệp.
PV: Ông nhận định thế nào về việc giao quyền và kiểm soát quyền hiện nay, thưa ông?
Ông Hồ Việt Hiệp: Thế giới đã tổng kết, gốc gác của tham nhũng là sự tha hóa về quyền lực. Vì thế có thể chế để ngăn ngừa lạm dụng quyền lực là rất cần thiết. Với chúng ta, quyết tâm về phòng chống tham nhũng (PCTN) đã rõ, không quyết tâm thì sẽ mất niềm tin. Chúng ta có quyết tâm, đã có nhiều chủ trương, giải pháp, thiết chế, mô hình trong PCTN nhưng hình như nó chưa đủ và quyết tâm phải được cụ thể hóa nhiều hơn nữa trong thời gian tới, nhất là đi vào nguyên nhân, vấn đề gốc rễ sinh ra tham nhũng lãng phí. Không khéo thì chỉ quan tâm đến vấn đề ngọn là giải quyết chạy theo xử lý mà thiếu đi biện pháp căn cơ để ngăn ngừa. Có thể nói khung pháp luật chưa thật tốt, nên tình trạng tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách và còn nhiều loại tham nhũng khác phát sinh. Vì vậy, cần phải có giải pháp căn cơ trong việc giám sát chặt chẽ quyền lực.
Thưa ông, vậy chúng ta cần cơ chế nào để kiểm soát được quyền lực?
- Vấn đề tha hóa quyền lực, rồi mô hình thiết chế PCTN vừa qua chưa đủ độ tương xứng với tình hình tội phạm hiện nay. Trước đây “gốc gác” để nảy sinh ra hư hỏng của đội ngũ cán bộ như cơ chế xin - cho, hay sự can thiệp của Nhà nước quá sâu vào kinh tế thị trường, đẩy quá cao vai trò của tập đoàn, tổng công ty đi trước lực lượng sản xuất cho nên nó không thể phát triển được, mặc dù khu vực kinh tế này nắm nguồn lực rất lớn. Những cái đó góp phần nảy sinh ra tiêu cực, tham nhũng. Đường lối mà không phù hợp thì đẻ ra cán bộ hư hỏng. Phải chăng vừa qua chúng ta đã có những sai sót này do chủ quan duy ý chí, nôn nóng.
Rất mừng là hiện nay Đảng, Nhà nước đang sửa từ việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện cơ chế thể chế thị trường, công khai minh bạch. Phải chống cho được cơ chế xin - cho. Khi xử lý được nền tảng gốc gác căn nguyên làm nảy sinh tham nhũng thì sẽ giải quyết được tham nhũng. Chứ nếu không khi chặt cái đầu này thì cái đầu khác tiếp tục mọc lên.
Theo tôi, muốn giám sát quyền lực thì phải bằng thể chế, hoặc nói cách khác thể chế đó phải được cụ thể hóa bằng pháp luật. Hệ thống pháp luật phải hoàn chỉnh, kín kẽ đến mức để người ta không thể tham nhũng. Chế tài nặng và thực thi pháp luật nghiêm thì người ta không dám tham nhũng. Cuối cùng phải có chế độ chính sách để họ tính giữa tham nhũng với lợi ích mà hiện đang có để không còn muốn tham nhũng. Và cũng đừng quên rằng thiết chế dân chủ là hết sức quan trọng, người dân biết rõ hết. Tham nhũng không thể nào qua mặt được nhân dân. Nếu như nhân dân đồng hành với PCTN, lúc đó chúng ta mới thực sự làm được mục tiêu ngăn chặn và tiến tới giảm tham nhũng.
Chúng ta đưa ra nhiều giải pháp và hệ thống pháp luật đang dần hoàn thiện nhưng khâu tổ chức thực hiện chưa nghiêm. Vậy phải siết chặt việc thực hiện?
-Tôi cho rằng riêng pháp luật về PCTN và hàng loạt những vấn đề lớn vẫn phải tiếp tục hoàn thiện nhiều hơn nữa. Không chỉ hoàn thiện về Luật PCTN, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự mà còn những Luật khác để đồng bộ vì hệ thống luật thiếu chặt chẽ thì cũng “đẻ” ra tham nhũng, cho nên phải kín kẽ. Cũng phải có quá trình chứ không thể nôn nóng được, nhưng phải “đi” rồi thì mới “đến”, chứ không có quyết tâm đi từ cái nhỏ, cụ thể đến giải quyết cái lớn thì là nguy cơ của đất nước, tham nhũng hối lộ là cái gốc của việc mất niềm tin từ nhân dân.
Thưa ông, có hai thiết chế quan trọng được coi là “thanh bảo kiếm” đó là “phê và tự phê” và thanh tra, kiểm tra. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
- Theo tôi phê và tự phê chỉ là điều kiện cần. Trong nền kinh tế thị trường lợi ích cá nhân được “kích thích” như một động lực thì không thể chỉ dựa vào phê và tự phê, mà phải dựa vào việc tăng cường kiểm tra, giám sát trong Đảng, tăng cường kiểm toán nhà nước; thanh tra, kiểm tra. Bởi thực tế vừa qua phát hiện tham nhũng chính là những kênh này chứ phê và tự phê hầu như không phát hiện được. Vì không ai tự phê những cái họ cố tình vi phạm.
Nhưng thời gian qua chủ yếu các vụ việc phát hiện được là do báo chí và người dân...
- Điều đó là đúng. Hầu hết do đơn tố cáo của người dân hay do báo chí phát hiện. Chúng ta cũng có thể khắc phục được khi lực lượng kiểm tra, thanh tra, kể cả kiểm tra của Đảng đủ về số lượng, tinh thông nghiệp vụ, liêm chính, quyết liệt chống tham nhũng. Phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện chứ không phải ngồi tại chỗ chờ. Nếu biết khai thác sức mạnh của người dân thì tham nhũng không có đường trốn.
Thưa ông, một biện pháp quan trọng trong phòng chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực trong thời gian qua được Đảng đưa ra là kê khai tài sản, nhưng xem ra biện pháp này chưa phát huy được tính hiệu quả?
-Như tôi đã nói, phải có những quy định pháp luật hết sức cụ thể trong việc ngăn ngừa, răn đe cũng như kênh kiểm soát tài sản. Nên chăng tất cả các tài sản được kê khai phải có sự giám sát, kiểm soát. Khi có tài sản tăng thêm thì cán bộ có tài sản đó phải giải trình rõ về nguồn tài sản tăng thêm đó. Ngoài ra không chỉ kiểm tra giám sát tài sản của người đương chức mà còn con của họ, gia đình dòng họ. Vì nhiều vụ tiền là của họ nhưng chuyển hết cho con cái trong khi quy định hiện hành con thì không tính. Do đó không tìm được nguồn gốc của tài sản đó.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Phải luôn biết nghe người ta phê bình Biểu hiện tiêu cực của một bộ phận không nhỏ, trong đó có cán bộ các cấp lộ liễu công khai, thế nhưng việc xử lý giải quyết không đến nơi đến chốn. Tôi không nói phải kỷ luật thật nhiều nhưng trước tiên phải kiểm điểm, giải trình và phải loại bỏ ngay. Những người đứng đầu các cấp phải gương mẫu trong tự phê bình, lắng nghe phê bình. Đã là người lãnh đạo thì từ cấp cơ sở cho đến cấp cao thì phải luôn luôn lắng nghe người ta phê bình. Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Kiểm soát để tránh lạm quyền Thường khi đã được giao quyền rất có thể dẫn đến lộng quyền, lạm quyền, chuyên quyền. Cho nên cần kiểm soát quyền lực để hạn chế những việc lạm dụng quyền lực. Cơ chế kiểm soát đó chính là do Hiến pháp và pháp luật quy định. |
Hoài Vũ-Mai Loan (thực hiện)