Dạy liên kết ngoại ngữ: Hợp lý mới tồn tại
Liên quan đến việc dạy và học chương trình liên kết ngoại ngữ trong các trường mầm non, tiểu học và phổ thông ở Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, chương trình này nếu không hợp lý thì đã đổ ngay từ đầu rồi.
Ông Phạm Xuân Tiến.
Ông Tiến cho biết: “Tôi sẵn sàng trả lời thắc mắc của các phụ huynh nếu gửi thư, email đến Sở GD&ĐT và mời phụ huynh đến để trao đổi trực tiếp, kể cả bố trí ngoài giờ làm việc”.
PV: Thưa ông, hiện nay ở nhiều trường học ở tất cả các cấp học mầm non, tiểu học, phổ thông trên địa bàn Hà Nội có tổ chức liên kết dạy ngoại ngữ với các trung tâm bên ngoài. Trách nhiệm quản lý của Sở GD&ĐT Hà Nội trong việc này đến đâu, thưa ông?
Ông Phạm Xuân Tiến: Sở GD&ĐT Hà Nội đã có hướng dẫn rất rõ ràng về việc này. Sở chịu trách nhiệm thẩm định chương trình và tài liệu của chương trình liên kết ngoại ngữ ở tất cả các cấp học. Còn việc chương trình vào các nhà trường như thế nào thì hiệu trưởng các nhà trường thống nhất với cha mẹ học sinh và đăng ký trên tinh thần tự nguyện và thỏa thuận liên kết với trung tâm để thực hiện.
Trong những trường hợp học sinh có nhu cầu nhưng gia đình không có điều kiện thì miễn phí, trung tâm phải chịu trách nhiệm.
Về quản lý chất lượng, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm quản lý giờ học liên kết này như tất cả các môn học khác trong nhà trường từ việc dự giờ thăm lớp, sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, kiểm tra đột xuất, họp giao ban với trung tâm để thống nhất đề kiểm tra, phương thức kiểm tra đánh giá kết quả kiểm tra. Mọi việc rất rõ ràng và bài bản vì chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm chứ có phải mới làm chương trình liên kết đâu?
Có ý kiến lo ngại về chất lượng của các chương trình liên kết này cho rằng có thực sự đem lại hiệu quả cho học sinh hay chỉ thêm tốn kém. Quan điểm của ông?
- Cái gì có lý và hợp lý mới tồn tại. Nếu không hợp lý thì đã đổ ngay từ đầu rồi. Phụ huynh của học sinh lớp mầm non, tiểu học hiện nay chủ yếu còn rất trẻ, nhiều người có trình độ ngoại ngữ tốt, nhất là gia đình ở khu vực nội thành. Như con tôi năm nay vào lớp 1, bố mẹ đều biết tiếng Anh. Làm sao chúng tôi lại bỏ ra hàng trăm nghìn cho con học chương trình liên kết nếu không có chất lượng, nếu không tin tưởng.
Một lý do nữa tôi cho rằng nhiều người cho con học chương trình liên kết ở trường vì nghĩ học ở trung tâm thì phải đưa đón mà không ai quản lý, không có ban giám hiệu trong khi nếu theo các lớp này có bạn bè, được tương tác, cùng chương trình, cùng trình độ.
Theo tôi, việc học liên kết này đem lại lợi ích cho học sinh rất nhiều, nhiều em bật hẳn lên. Tôi từng cùng một đoàn của nước bạn Bangladesh đến thăm một trường học của Hà Nội, họ ngỡ ngàng vì học sinh người Việt rất mạnh dạn và nói tiếng Anh tốt quá. Thực tế nhiều giáo viên đã thừa nhận với tôi học sinh bây giờ nói tiếng Anh rất tốt và lại mạnh dạn tự tin.
Bên cạnh đó, giáo viên được thụ hưởng nhiều từ các chương trình liên kết này. Vì người nước ngoài họ đến dạy có phương pháp truyền đạt khác, đặc biệt là các động tác hình thể ngữ điệu rất hấp dẫn,… Giáo viên học được từ họ và vượt lên hẳn luôn. Giáo viên của trường được chia sẻ chuyên môn và dự giờ. Ngoài ra còn nhiệm vụ nữa là giám sát.
Tôi cho rằng việc học liên kết có rất nhiều lợi ích.
Nhưng hiện nay chi phí học liên kết của các trường đưa ra rất khác nhau khiến phụ huynh băn khoăn?
- Học phí học sinh phải nộp để học chương trình liên kết phụ thuộc và nhiều yếu tố. Trước hết là vào sĩ số học sinh, như Trung tâm Language Link yêu cầu sĩ số 20 học sinh trên 1 lớp trong khi các chương trình khác có thể cho phép 50-60 một lớp. Có những nơi chương trình có 50% giáo viên là người nước ngoài, có nơi không có người nước ngoài mà chủ yếu là giáo viên người Việt dạy bổ trợ. Vấn đề này, nhà trường, trung tâm và phụ huynh cần thảo luận với nhau, thống nhất về mức học phí dạy. Nhà trường phải làm tờ trình bên cạnh đó là đề án rồi gửi lên Phòng giáo dục, Phòng tham khảo các phòng ban chuyên môn các đề án đó, bên cạnh đó là phòng Tài chính của quận/huyện thẩm định sau đó mới phê duyệt, chứ không phải tự trường hay trung tâm muốn đưa ra mức học phí nào cũng được.
Việc đánh giá học sinh dạy theo chương trình bổ trợ và không bổ trợ có gì khác nhau không, thưa ông?
- Những nơi học 4 tiết Ngoại ngữ trên 1 tuần hoặc có học tăng cường thì có phom đề của Bộ GD&ĐT được thể chế hóa. Nếu trò chỉ học 2 tiết/tuần thì đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng Bộ GD&ĐT quy định. Em nào học nhiều hơn thì yêu cầu đánh giá phải cao hơn. Ví dụ nếu đánh giá bằng cùng một đề thi chẳng hạn thì trò 2 tiết khó làm được trong khi trò 4 tiết lại dễ quá.
Tuy nhiên, dù theo học các chương trình liên kết ngoại ngữ khác nhau do các trung tâm khác nhau giảng dạy thì đề thi hay mức đánh giá vẫn là như nhau. Bởi việc thực hiện dạy bổ trợ này đã được Sở thẩm định, mục tiêu là giống nhau theo Khung của Bộ GD&ĐT.
Trân trọng cảm ơn ông!